Cách phân biệt bệnh sốt xuất huyết miền Nam và miền Bắc

Ph. Thúy |

Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương. Đến hết tháng 9/2015, cả nước ghi nhận trên 36.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết và 23 người tử vong.

Bộ Y tế đã thành lập 10 đoàn công tác đi kiểm tra về công tác phòng chống sốt xuất huyết trên các địa phương trong cả nước.

Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám Chữa bệnh Bộ Y tế đã trao đổi với chúng tôi về các biện pháp phòng và phân biệt bệnh sốt xuất huyết với các bệnh khác.

Thưa ông, dịch sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh ở phía nam, đến nay đã ghi nhận nhiều trường hợp tử vong, trong đó có trẻ nhỏ. Ông có đánh giá như thế nào về diễn biến dịch năm nay.

PGS Lương Ngọc Khuê: Chúng tôi vừa đi Bình Dương về và đã có tổ chức kiểm tra, tập huấn cho các bác sĩ.

Qua kiểm tra báo cáo từ đầu năm và qua đợt báo cáo trực tiếp gần đây thì chúng tôi thấy dịch sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng số ca mắc bệnh và tử vong.

Đặc điểm gia tăng ở khu vực Đông Nam bộ là khi mùa mưa tới, ở những cánh rừng cao su, người dân đi lấy mủ. Tại đây có các bát hứng mủ, mưa xuống nước mưa đọng lại, lăng quăng phát triển.

Nguyên nhân gây tử vong được các bác sĩ tại các bệnh viện ở miền trong cũng như Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 TP.HCM rút ra là còn nhiều người dân còn chưa phân biệt được sốt xuất huyết, người thân không đưa bệnh nhân đến bệnh viện mà tự dùng thuốc, điều trị ở nhà.

Khi bệnh nặng mới đưa người bệnh lên tuyến huyện và tuyến trên chậm. Vấn đề về di chuyển cần quan tâm nhất là khi bị nặng rồi, hình thức di chuyển bệnh nhân từ tuyến dưới lên chưa đảm bảo đủ điều kiện cấp cứu.

Chúng tôi thường xuyên khuyến cáo các thầy thuốc rằng đặc điểm của dịch sốt xuất huyết ở phía nam là không nổi các ban rầm rộ như bệnh nhân ở ngoài Bắc mà bệnh cứ lẳng lặng nhưng người bệnh mệt, suy kiệt dẫn đến suy đa phủ tạng.

Nếu không giám sát kỹ từ ở nhà, tuyến y tế cơ sở, đến tuyến huyện và tuyến trên thì việc xử trí là rất khó.

Các bệnh nhân đều đến viện khi bệnh đã quá nặng và tử vong. Theo ông có phải do công tác chuyên môn của bệnh viện tuyến huyện còn thấp, chưa chẩn đoán chính xác được bệnh sốt xuất huyết?

PGS Lương Ngọc Khuê: Trong công tác điều trị sốt xuất huyết, chúng tôi đã có phác đồ điều trị, hướng dẫn và tập huấn cho các bác sĩ.

Chúng tôi đã tổ chức cho 150 bác sĩ, lãnh đạo bệnh viện, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, trưởng phòng khám, khoa truyền nhiễm, cấp cứu. Các bệnh viện rà soát lại các trang thiết bị, máy thở, dịch truyền...

Bộ Y tế đã có các thuốc đặc hiệu cho bệnh nhân để tăng cường miễn dịch và BHYT đã thanh toán cho các bệnh nhân. Hiện nay, việc phân công trực đón tiếp và chăm sóc người bệnh cần được giám sát chặt chẽ từ hộ lý, y tá tới bác sĩ.

Đối với y tế tuyến huyện, qua phản ánh và kiểm tra đợt vừa rồi chúng tôi thấy rằng các bác sĩ đa số nắm được bệnh học và triệu chứng.

Tuy nhiên khi chẩn đoán bệnh, người nhà đưa người bệnh đến thì những trường hợp đến muộn thường xuyên có biến chứng, biến chứng đó phải có hội chẩn kỹ từ các khoa phòng và phải có lọc máu bằng ECMO mới cứu được chứ cấp cứu ở tuyến dưới, dịch chuyển qua các khoa phòng cũng không thể cứu được.

Hiện nay, miền Nam đang dịch chồng dịch, dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng, sốt vi rút. Vậy đặc điểm nhận dạng của các bệnh này có gì khác nhau không?

PGS Lương Ngọc Khuê: Các căn bệnh này đều có đặc thù khác nhau. Tại các buổi tập huấn, các bác sĩ đều chỉ ra các dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng.

Trong hướng dẫn của Bộ Y tế yếu tố đầu tiên phải nghĩ đến yếu tố dịch tễ là khu vực đó đang có dịch, yếu tố chỉ điểm.

Về bệnh học, sốt xuất huyết ban đầu chưa sốt cao nhưng sốt xuất huyết thường khiến bệnh nhân rất mệt, đặc biệt khi nổi các ban thường phải sau sốt 2 - 3 ngày.

Các ban của sốt xuất huyết thường có điểm khác. Khi ấn vào ban thì ban quay trở lại. Nhưng đối với các bệnh khác như tay chân miệng, ấn vào, các ban đó mất đi một lúc sau mới quay trở lại.

Về dịch tễ học, tay chân miệng bị ở thiếu nhi, thiếu niên, các lớp học và các cháu có vết xuất huyết thường có dấu hiệu nhiễm trùng.

Bệnh chân tay miệng và sốt xuất huyết có phác đồ điều trị khác nhau do vậy các bác sĩ căn cứ vào yếu tố dịch tễ, lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng để có biện pháp điều trị.

Để thực hiện điều đó, các bác sĩ phải giám sát thật kỹ với gia đình và người bệnh để có điệu trị kịp thời để giảm tử vong.

Ông có khuyến cáo như thế nào với người dân về phòng bệnh sốt xuất huyết?

PGS Lương Ngọc Khuê: Chúng tôi đã cùng Cục Y tế Dự phòng theo chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Y tế làm khá nhiều thông điệp đưa ra trong khi dịp sốt xuất huyết phát triển. Rõ ràng đầu tiên là phải có ý thức về phòng tránh sốt xuất huyết là con muỗi, lăng quăng.

Tất cả nơi đựng nước quanh nhà từ gáo dừa, ống nước, nước đọng trên mái làm thế nào không để lăng quăng phát triển. Khi đi làm việc phải lưu ý vì sốt xuất huyết đốt ban ngày nên phải có quần áo đầy đủ, khi đi làm tránh muỗi đốt.

Muỗi gây bệnh sốt xuất huyết khác với muỗi gây bệnh sốt rét. Còn đêm, người dân phải thực hiện nằm màn cùng các điều kiện dự phòng khác.

Điều trị đối với bản thân, mỗi người, gia đình, em bé phát hiện dấu hiệu sốt, kém ăn phải đưa ngay đến cơ sở y tế, điều đầu tiên phải suy nghĩ ngay đến sốt xuất huyết.

Khi trong nhà người thân, ở lớp có bạn bè nào bị sốt xuất huyết thì các bậc phụ huynh và những người bệnh nên nghĩ đầu tiên là sốt xuất huyết, đặc biệt là các tỉnh trọng điểm là khu vực Đông Nam Bộ, Khánh Hòa đang vào mùa mưa.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại