Nội dung chia sẻ này được trích từ buổi Giao lưu trực tuyến với TS Nguyễn Hữu Khai: Thải độc cơ thể, phòng chống ung thư, do Báo Trí Thức Trẻ, Soha.vn tổ chức sáng 9/12/2015.
Vì sao phải giải độc gan?
Tôi xin được phân tích ý nghĩa của việc giải độc gan. Tại sao người ta không tính đến chuyện giải độc phổi, giải độc tim, giải độc tụy,.. mà chỉ nói đến giải độc gan là có cơ sở của nó.
Một trong những nhiệm vụ của gan là làm một cái kho để chứa máu, đồng thời, làm nhiệm vụ điều tiết máu hài hòa với mọi hoạt động của cơ thể.
Trong cơ thể của chúng ta có khoảng 6-7 lit máu. Không phải lúc nào toàn bộ số máu cũng được đưa vào các đường mạch của hệ tuần hoàn. Khi chúng ta nằm ngủ, hầu hết máu được dồn về cái kho chứa đó là gan.
Chỉ có một số ít máu được duy trì ở các mạch máu để phù hợp với hoạt động của cơ thể trong khi ngủ.
Khi chúng ta ngồi dậy, gan lập tức đưa thêm một lượng máu phù hợp vào mạch để thực hiện hoạt động ngồi. Khi chúng ta đi, gan lại tiếp tục đưa thêm một lượng máu nữa đủ cho hoạt động đi.
Khi chúng ta chạy hoặc làm việc hết sức thì gan đưa hầu hết lượng máu trong kho chứa vào các đường mạch. Khi ấy, mạch máu của chúng ta phải giãn hết cỡ để ổn định áp lực (hay còn gọi là huyết áp).
Mạch máu của ai kém đàn hồi thì không làm được việc nặng, bởi, áp lực trong thành mạch tăng lên làm mệt mỏi chịu không nổi.
Thế mà, máu cũng có nhiệm vụ là đi vào tới từng ngóc ngách của các tế bào để đem “hàng hóa” của mình cung cấp cho sự sống, trong đó, thứ hàng hóa cần thiết nhất đó là ô xi.
Máu đi vào cả các vi mạch vô cùng nhỏ bé mà chiều dài của nó chỉ bằng thiết diện của một sợi tóc, thậm chí, tế bào hồng cầu còn phải uốn cong để đi qua ngã ba các vi mạch.
Sau khi giải phóng “hàng hóa”, máu gom “rác thải” trong đó có cả các độc tố mà chúng ta đưa từ đồ ăn nước uống vào cơ thể. Khi gom hết ‘rác thải’ và độc tố, máu sẽ chuyển về gan để gan làm nhiệm vụ giải độc và ‘xử lý rác thải”.
Vì thế, trong đồ ăn nước uống mà có nhiều độc tố thì làm khả năng xử lý và bài độc của gan bị quá tải, gan sẽ tự nhiễm độc vào mình.
Ngoài ra, khi máu “không sạch” thì cũng làm kho chứa là gan cũng bị “bẩn” lây. Chính vì vậy mà người ta rất quan tâm đến việc thải độc gan.
Muốn giải độc cho gan thì việc cần thiết ban đầu là thanh lọc cơ thể như tôi đã trình bày ở trên.
Lương y Nguyễn Hữu Khai trong buổi giao lưu trực tuyến về thải độc cơ thể, phòng tránh ung thư. Ảnh: Thành Đạt.
Bài thuốc giải độc gan
Nếu gan nhiễm độc nặng (tức là có rất nhiều cặn bẩn và độc tố tàng tích trong gan tạo thành các u, các cục lẫn trong tế bào gan, nó làm cho bề mặt gan xù xì, không còn láng bóng) thì rất cần phải tăng cường biện pháp giải độc.
Trường hợp này nên nhờ chuyên môn hỗ trợ. Nếu vì không có điều kiện gặp gỡ chuyên môn thì chúng ta dùng các phương thuốc cổ đã trải qua hàng ngàn năm kinh nghiệm điều trị để giải quyết.
Phương thuốc rất đơn giản và dễ kiếm, tôi xin được trình bày sau đây:
- Nhân trần 20g (khô)
- Diệp hạ châu 15g (khô)
- Cà gai leo 15g (khô)
- Bông mã đề 15g (khô)
Bài thuốc trên có tác dụng thanh nhuận gan, bài độc, tiêu u, lợi tiểu và có khả năng giải độc cho gan.
Mỗi ngày chúng ta dùng liều lượng như trên xay thô sau đó cho vào ấm như hãm trà tươi và uống thay nước trong ngày hoặc có thể sắc uống như một thang thuốc.
Chúng ta có thể uống duy trì để giải độc hàng ngày mà không hề có phản ứng phụ hoặc có thể dùng trong liệu trình 2-3 tháng để phục hồi chức năng gan.
Ngoài ra, chúng ta có thể dùng các loại đồ ăn thức uống thông dụng: Bột sắn dây, nước rau má, nước râu ngô, nước rễ cỏ chanh, nước lá đậu ván...
TOÀN BỘ NỘI DUNG CUỘC GIAO LƯU TRỰC TUYẾN