Báo động đỏ căn bệnh tưởng đơn giản nhưng giết nhiều người ở VN

Thái Phong |

Nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới rất đáng báo động ở Việt Nam bởi tình trạng lạm dụng kháng sinh khiến cho nhóm kháng sinh liều thấp hầu như không còn tác dụng điều trị các bệnh này.

Nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới - giết người còn hơn cả ung thư

Nhiễm khuẩn đường hô hấp là tình trạng một hoặc một số bộ phận thuộc bộ máy hô hấp bị viêm nhiễm do vi khuẩn hoặc siêu vi gây ra. Xét về mặt lâm sàng, nhiễm khuẩn đường hô hấp bao gồm 2 loại:

- Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên gồm có viêm mũi, viêm họng, viêm amidan, viêm tai giữa, viêm xoang.

- Nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới gốm có viêm thanh quản, viêm khí quản, viêm phế quản, viêm phổi.

Trong các dạng nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới, mà người ta quen gọi chung là viêm phổi, đặc biệt nghiêm trọng.

Theo thống kê của các bệnh viện, có khoảng 30 - 40% số bệnh nhân đến khám do các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp và 90% bệnh nhân đến khám tại các phòng khám chuyên khoa hô hấp là do nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới.

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới có tỷ lệ người mắc ngày càng nhiều và là một trong những nguyên nhân gây tử vong ở người nhiều nhất hiện nay.

Tổ chức này cũng nhận định, đến năm 2020, bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới sẽ là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 4 sau bệnh tim mạch, tiêu hóa và ung thư.


Hình minh họa (Nguồn: Internet)

Hình minh họa (Nguồn: Internet)

Theo PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ, Chủ tịch Hội Lao và Bệnh phổi Việt Nam, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương nguyên nhân của sự gia tăng căn bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp là do tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề.

Thêm nữa, ngày càng nhiều loại virus có khả năng gây nhiễm trùng đường hô hấp với độc lực cao như virus cúm A/H5N1, H7N9… Viêm phổi do virus có thể lây lan nhanh thành dịch lớn như viêm phổi do virus SARS, virus cúm A/H1N1.

Một nguyên nhân khác tuy không trực tiếp nhưng có ảnh hưởng không kém là yếu tố ô nhiễm do khói thuốc lá. Dù đây không phải là nguyên nhân gây bệnh chính nhưng là tác nhân thúc đẩy khiến các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp tăng nặng.

Theo PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ, ở Việt Nam, yếu tố nguy cơ cần phải kể đến là sự lạm dụng kháng sinh diễn ra trong một thời gian dài khiến cho tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp này càng phức tạp.

Các nhóm kháng sinh liều thấp hiện nay hầu như không còn tác dụng trong điều trị các bệnh này.

Những dấu hiệu cảnh báo nhiễm trùng đường hô hấp

Theo TS.BS Nguyễn Thanh Hồi, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng, chuyên gia hàng đầu về bệnh hô hấp, có thể nhận biết dấu hiệu nhiễm trùng đường hô hấp bằng những dấu hiệu sau đây:

- Dấu hiệu chứng tỏ cơ thể đang nhiễm trùng sớm nhất là sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao, có biểu hiện rét run hoặc không).

- Để khẳng định có phải nhiễm trùng đường hô hấp hay không, căn cứ vào những dấu hiệu như ho, có đờm, đau ngực, khó thở

Theo BS Trần Quốc Ninh (Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương), nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính thường có một trong các triệu chứng: Ho, sốt, khó thở, thở nhanh hoặc thở khác thường, đau họng, chảy nước mũi và chảy mủ tai.

Trong đó, ho là triệu chứng hay gặp nhất và ho hay kèm theo sốt (cũng có nhiều người nhất là trẻ nhỏ bị viêm phổi nặng, nhưng không sốt).

BS Trần Quốc Ninh lưu ý các bậc cha mẹ, đa số trẻ bị ho, sốt, chảy nước mũi là do cảm cúm hoặc cảm lạnh. Bệnh sẽ tự khỏi trong vòng vài ngày đến 1 tuần mà không cần dùng kháng sinh.

Tuy nhiên, nếu không cẩn thận, trẻ có thể bị nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới. Nếu không chữa trị kịp thời, bệnh nặng lên rất nhanh và có thể dẫn đến tử vong

(T.H)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại