Sống khác mùa COVID-19: Nhiếp ảnh gia Hải An bước qua sợ hãi kể chuyện bằng ảnh

Quỳnh Phạm thực hiện (Ảnh: Ngô Trần Hải An) |

Liên tục đi vào những điểm nóng của dịch COVID-19 tại TP.HCM thời gian qua để bấm máy, nhiếp ảnh gia Ngô Trần Hải An đã có nhiều bức ảnh lay động lòng người.

Dịch bệnh COVID-19 ập tới Sài Gòn khiến thành phố thời gian qua phải căng sức khống chế, ngăn chặn để đưa cuộc sống sớm trở lại trạng thái bình thường mới.

Anh xuyên đêm đồng hành với "bác sĩ 91" Trần Thanh Linh ở Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP.HCM, thành trì cuối cùng của bệnh nhân nguy kịch. Anh rong ruổi khắp Sài Gòn sau 18 giờ, để thu vào ống kính của mình một Sài Gòn những ngày không may "đổ bệnh" với biết bao cảm xúc.

Sống khác mùa COVID-19: Nhiếp ảnh gia Hải An bước qua sợ hãi kể chuyện bằng ảnh - Ảnh 1.

Nhiếp ảnh gia Ngô Trần Hải An (bên trái) xuyên đêm đồng hành với "bác sĩ 91" Trần Thanh Linh ở Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP.HCM

Nhiếp ảnh gia Ngô Trần Hải An cũng rong ruổi cùng các nghệ sĩ đến bệnh viện dã chiến để ghi lại hình ảnh các ca sĩ biểu diễn, truyền đi năng lượng tích cực và gác lại nỗi âu lo, gánh nặng cho y bác sĩ, người không may bị nhiễm bệnh… Những hành trình, câu chuyện của nhiếp ảnh gia Ngô Trần Hải An được anh chia sẻ nhiều trên trang cá nhân, rất nhiều người yêu thích.

Sống khác mùa COVID-19 của Báo Sức khỏe & Đời sống đã có cuộc trò chuyện với nhiếp ảnh gia Hải An. Qua đây mong muốn sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm về chuyện "bếp núc" và hậu trường của anh cũng như các nhà báo trong đó có phóng viên bản Báo khi tác nghiệp ở những nơi COVID-19 còn diễn biến phức tạp.

Bi quan cũng không giải quyết được gì

Sài Gòn từ khi giãn cách xã hội phòng chống dịch hẳn đem lại cho anh nhiều chất xúc tác và chất liệu để anh thực hiện những ý tưởng qua chiếc máy ảnh?

Nhiếp ảnh gia Ngô Trần Hải An: Thật ra tôi không nghĩ dịch đến thì sẽ có chất liệu để chụp ảnh. Tôi là một phóng viên ảnh, cũng là một người đam mê đi du lịch, hai con người ấy giờ đây hòa làm một. Trong lúc này tôi càng muốn lăn xả, khám phá, để tìm hiểu, để thấy được những điều mới mẻ.

Sống khác mùa COVID-19: Nhiếp ảnh gia Hải An bước qua sợ hãi kể chuyện bằng ảnh - Ảnh 2.

Người công nhân ngồi ăn sáng trước ga metro ngầm đoạn Nhà hát Thành phố đến Chợ Bến Thành

Ở góc độ báo chí, tôi muốn truyền tải những thông điệp, những góc nhìn cho người dân. Phải cố gắng làm sao cho mọi người thấy được sự đa chiều trong những thông tin, tránh tình trạng một chiều gây hoang mang dư luận. Tất cả những yếu tố đó tác động và tôi rất muốn có những bức ảnh, để chuyển tải những câu chuyện đã, đang diễn ra trong mùa dịch tới độc giả.

Tôi vẫn giữ quan điểm một bức ảnh hơn ngàn lời nói. Đó là thứ tôi luôn chú trọng khi cầm trên tay chiếc máy ảnh. Tất nhiên, dịch COVID-19 có rất nhiều những góc nhìn khác nhau, câu chuyện phải chuyển tải.

Chẳng hạn lực lượng chức năng thì phải tuần tra ngày đêm, y bác sĩ ở tuyến đầu, các tình nguyện viên hỗ trợ chống dịch hoặc những khó khăn của người dân phải đối mặt. Đó là muôn mặt của những mảnh ghép khác nhau, những cung bậc cảm xúc khác nhau. Và đứng ở góc độ nhiếp ảnh, tất nhiên nó cũng có rất nhiều điều mà mình cần phải ghi lại và nó làm cho mình có thêm nhiều cảm xúc.

Sống khác mùa COVID-19: Nhiếp ảnh gia Hải An bước qua sợ hãi kể chuyện bằng ảnh - Ảnh 3.

Một con đường ở TP.HCM sau 18 giờ những ngày giãn cách xã hội

Kể từ khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19, anh đã đến những điểm nóng để ghi lại nhiều khoảnh khắc bằng góc nhìn của mình rồi lan tỏa ở trên mặt báo, trang mạng cá nhân. Cảm xúc của anh khi thực hiện những lần bấm máy trong hoàn cảnh ấy thế nào?

Nhiếp ảnh gia Ngô Trần Hải An: Nói chung đại dịch là một sự kiện mà chưa bao giờ tôi có thể tưởng tượng được. Nó làm xáo trộn rất nhiều thứ trong cuộc sống so với trước đây. Mình sống bao nhiêu năm, có những điều mình chưa thể tưởng tượng được, rồi bây giờ nó cứ diễn ra. Cảm xúc mỗi ngày mở mắt ra không biết chuyện gì sẽ xảy ra ngày hôm nay. Giống như mình đi trên con đường nhưng không thể biết trước được điều gì sẽ đến.

Sống khác mùa COVID-19: Nhiếp ảnh gia Hải An bước qua sợ hãi kể chuyện bằng ảnh - Ảnh 4.

Một cụ bà người Chăm đang được điều trị tại phòng ICU, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP.HCM

Ví dụ như lần tôi tác nghiệp ở trong bệnh viện thì thấy sự đau thương, sự mất mát nhưng ở đó cũng có sự ân cần của các y bác sĩ với người bệnh. Rồi khi tôi chụp các chiến sĩ cảnh sát giao thông ngày đêm chống dịch. Bình thường những người vi phạm giao thông không mấy thích các anh, thậm chí trách móc họ.

Nhưng giờ dưới trời nắng đổ lửa, tôi chỉ đứng đó 5 – 10 phút đã thấy mệt mỏi, muốn ngất rồi. Thế mà các chiến sĩ cảnh sát giao thông cứ trần mình, mồ hôi nhễ nhại, cứ quần quật làm việc, người gác xuyên đêm. Rồi những người dân ngồi vỉa hè để chờ được cứu trợ, những người trong khu cách ly , bệnh nhân COVID-19…

Sống khác mùa COVID-19: Nhiếp ảnh gia Hải An bước qua sợ hãi kể chuyện bằng ảnh - Ảnh 5.

Lực lượng chức năng làm việc tại một chốt kiểm soát dịch COVID-19 ở Sài Gòn

Cảm xúc của tôi muôn vàn. Tuy nhiên, COVID-19 là dịch bệnh mà tôi và tất cả chúng ta đều không mong muốn, khi nó xảy ra thì phải đối mặt và phải nhìn nhận theo hướng tích cực. Cuộc sống đâu phải lúc nào cũng toàn điều tốt đẹp. Bây giờ bi quan cũng không giải quyết được gì. Từ góc độ tích cực, mình sẽ làm được những thứ tích cực hơn.

Chụp ảnh trong môi trường COVID-19 không đơn giản

Điều gì khiến anh cảm thấy khó khăn nhất khi chụp ảnh ở những bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19, khu cách ly người nghi nhiễm?

Nhiếp ảnh gia Ngô Trần Hải An: Tôi nghĩ mỗi một nơi sẽ có sự khác biệt. Với dịch COVID-19, tôi chưa bao giờ tác nghiệp trong điều kiện phải mặc một bộ đồ bảo hộ kín mít, đeo găng tay rồi đeo kính chắn không nhìn rõ được mọi thứ.

Chính điều này khiến lúc tôi bấm máy không "trúng" ngay. Một lần chỉnh thông số cũng khó rồi. Tôi thường bắt khoảnh khắc của những sự việc, sự vật, nhân vật đang diễn ra nên trong điều kiện như đã nói, thì nhìn qua ống kính máy ảnh rất mờ. Vậy nên không bắt được những cảm xúc, các góc nhìn chuẩn xác nhất. Có những khoảnh khắc y bác sĩ họ rất gấp gáp, rồi họ căng thẳng cứu chữa cho bệnh nhân, tôi muốn ghi lại hình ảnh đó nhưng không thể bắt kịp.

Sống khác mùa COVID-19: Nhiếp ảnh gia Hải An bước qua sợ hãi kể chuyện bằng ảnh - Ảnh 6.

Các bác sĩ chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP.HCM

Thêm nữa, khi mặc đồ bảo hộ và trong điều kiện nhạy cảm có thể bị lây nhiễm bất cứ lúc nào, tôi cũng phải đặc biệt cẩn thận. Nếu hoạt động chân tay mạnh quá có thể làm bộ đồ bảo hộ bị rách, khi chạm vào các thiết bị trong phòng, máy ảnh thì nguy hiểm cho cả bản thân và mọi người bên cạnh. Đó là những hạn chế khi tác nghiệp trong những điểm nóng của dịch bệnh.

Ngoài ra, tôi cũng không có kiến thức nhiều về lĩnh vực y khoa nên khi chụp hình xong, tôi đều phải hỏi ý bác sĩ đây là thiết bị, máy móc gì, mục đích của nó là gì? Bởi vì một bộ ảnh có ý nghĩa, chuyển tải đúng được về mặt hình ảnh, kiến thức và những công đoạn, những công việc phải diễn ra trong lĩnh vực đó chứ không phải là một bức ảnh đẹp theo kiểu nghệ thuật.

Chẳng hạn tôi chụp bác sĩ cứu nạn nhân thì phải đủ thao tác. Chụp từ bước đầu tiên như kiểm tra, đo nhịp tim, đo mạch làm sao, bóp bình ô xy thế nào. Tức là việc trang bị kiến thức, lên ý tưởng câu chuyện thì tôi đã mất rất nhiều thời gian.

Chưa kể chụp xong, tôi về phải hỏi lại các y bác sĩ, đưa ảnh ra để họ tư vấn, góp ý nhằm có được một bộ ảnh vừa đúng về chuyên môn, vừa là một câu chuyện và cho thấy đó là ảnh báo chí, có tư tưởng nghệ thuật. Một công đoạn, một chuỗi làm việc cực nhọc của các y bác sĩ là những khó khăn, do đó nó cũng không dễ dàng như khi tôi đi chụp ảnh du lịch và các lĩnh vực khác.

Chụp ảnh ở Bệnh viện Hồi sức COVID-19, đường phố Sài Gòn sau 18 giờ đem lại cho anh cảm xúc gì đặc biệt?

Nhiếp ảnh gia Ngô Trần Hải An: Đó là những thứ chưa bao giờ xảy ra với mình và chưa bao giờ mình tưởng tượng được trong đời. Nó khác biệt ghê gớm lắm. Như việc tôi chụp ảnh trong Bệnh viện Hồi sức COVID-19. Ở đó có những sự trống rỗng, thường trực những nỗi đau thương tột cùng. Có những phút giây mà mình cảm thấy không biết phải diễn tả như thế nào. Ở đó tôi thấy đời người nhiều khi mong manh.

Sống khác mùa COVID-19: Nhiếp ảnh gia Hải An bước qua sợ hãi kể chuyện bằng ảnh - Ảnh 7.

Áp phích tuyên truyền phòng chống COVID-19 tại Nhà hát lớn TP.HCM

Còn khi mình chụp ở ngoài đường, sau giờ giới nghiêm thì lại cho thấy một Sài Gòn rất là tĩnh lặng nhưng không có bình yên, có điều gì đó đang bao trùm là nỗi buồn. Tôi phải nói thật sự là như vậy. Chưa bao giờ tôi thấy Sài Gòn trải qua những ngày mà ra đường, khắp nơi đều có các chốt của các lực lượng chức năng, với một nhiệm vụ là ngăn chặn sát thủ vô hình SARS-CoV-2.

Đó còn là cảm giác một mình đi trên con đường đêm chỉ có bóng đèn, không một bóng người. Một Sài Gòn phồn hoa náo nhiệt, những con đường mà mình đi qua đã từng kẹt xe, từng tấp nập hàng quán thì giờ đây vắng lặng tới mức nghe cả tiếng dế, tiếng ễnh ương. Và những lúc như vậy, tôi thầm nghĩ rằng, trong cuộc đời điều gì cũng có thể xảy ra và chúng ta phải biết học cách để chấp nhận nó. Dịch COVID-19 cũng là lúc ta phải học cách sống tích cực hơn.

Việc của chúng ta không phải là sợ hãi hay trốn tránh

Đâu là âu lo, nỗi sợ lớn nhất khi anh đi vào những điểm nóng tác nghiệp? Anh vượt qua âu lo, nỗi sợ ấy thế nào?

Nhiếp ảnh gia Ngô Trần Hải An: Thật ra đi vào những điểm nóng dịch bệnh để chụp ảnh rất nguy hiểm, bởi vì khả năng bị lây nhiễm rất cao. Như khi bước vào căn phòng ICU để chụp, đây là môi trường đặc biệt và nếu không cẩn thận, sai sót một quy trình hoặc hành động nhỏ thì virus sẽ không buông tha ai.

Sống khác mùa COVID-19: Nhiếp ảnh gia Hải An bước qua sợ hãi kể chuyện bằng ảnh - Ảnh 8.

Không chỉ tác nghiệp, nhiếp ảnh gia Hải An còn tham gia làm thiện nguyện, trao nhu yếu phẩm cho người dân trong khu phong tỏa do ảnh hưởng của dịch COVID-19

Nhưng bản thân sợ một phần thôi, còn lo cho người thân, gia đình lớn hơn. Mình đã xác định đi làm là đã có sự chuẩn bị về tinh thần và chấp nhận những rủi ro, còn người thân ở nhà đâu có như thế. Gia đình tôi cũng người làm công việc khác nhau, tôi cũng có con nhỏ, ba mẹ đã lớn tuổi. Do đó nếu như mắc sai sót có thể tạo nên những hậu quả, có hối cũng không kịp. Thật sự đó là nỗi sợ lớn nhất với tôi.

Mỗi một người sinh ra, tôi tin rằng họ sẽ có một sứ mệnh, có một cái vị trí họ phải ngồi ở vị trí đó, họ phải làm những công việc đó và việc của chúng ta không phải là sợ hãi hay trốn tránh. Chúng ta phải bảo vệ mình tốt nhất, làm sao mình cẩn trọng, tốt nhất có thể.

Lần gần đây tôi đi vào bệnh viện hồi sức COVID-19 TP.HCM, đều tuân thủ tất cả quy định chặt chẽ trong phòng điều trị. Bác sĩ Trần Thanh Linh dặn dò, hướng dẫn, nói cái gì tôi làm theo rất kỹ. Rời bệnh viện, trước khi về tới nhà thì dặn mọi người trong gia đình qua bên nhà ngoại, để nhà trống. Sau tôi về tắm rửa sạch sẽ, xịt dung dịch sát khuẩn tất cả mọi thứ. Mấy ngày liền tôi không dám chơi với con gái nhỏ.

Sống khác mùa COVID-19: Nhiếp ảnh gia Hải An bước qua sợ hãi kể chuyện bằng ảnh - Ảnh 9.

Chiến sĩ biên phòng thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn người nhập cảnh trái phép ở biên giới Tây Nam Bộ

Rồi có lần tôi đi tác nghiệp ở biên giới, khi về tự nhiên ho, sốt nên không dám về nhà. Tôi ở bên ngoài khách sạn khoảng 20 ngày để theo dõi, xem có bị vấn đề gì không. Rất may khi xét nghiệm rồi tự theo dõi, tôi không là nạn nhân của COVID-19.

Gia đình có phản đối khi anh lao vào những điểm nóng của dịch bệnh để tác nghiệp không? Nếu có anh đã thuyết phục người thân thế nào để "xách ba lô lên và đi"?

Nhiếp ảnh gia Ngô Trần Hải An: Thật ra không ai dám ủng hộ, vì đây không phải là chuyện cá nhân mà nó ảnh hưởng đến mọi người. Nhưng mọi người trong gia đình tôn trọng tôi, họ hiểu rằng đó là công việc của tôi. Đó là điều khiến cho mọi người trong gia đình tôi luôn gắn kết.

Sống khác mùa COVID-19: Nhiếp ảnh gia Hải An bước qua sợ hãi kể chuyện bằng ảnh - Ảnh 10.

Tình người Sài Gòn trong đại dịch

Tôi có tâm sự về công việc cho mẹ nghe. Đó là khi tác nghiệp phải làm gì, cẩn trọng như thế nào, phải tuân thủ các quy định ra sao, hạn chế tiếp xúc gần với các bệnh nhân…Khi đi từ thiện thì tôi cũng giữ đúng khoảng cách theo quy định. Đem những câu chuyện ấy chia sẻ cùng mẹ và người thân, mọi người thấy yên tâm hơn. Mẹ cũng lo nhưng tôn trọng quyết định của con cái.

Nói đúng hơn, để rong ruổi tác nghiệp những ngày COVID-19, tôi đã thuyết phục người thân bằng sự trưởng thành, chín chắn và sự cẩn thận, kỹ càng của mình trong quá trình làm việc.

Bức ảnh nào trong mùa dịch đến thời điểm hiện tại do anh bấm máy anh ưng ý nhất, vì sao?

Nhiếp ảnh gia Ngô Trần Hải An: Nếu nói bức ảnh nào tôi ưng ý, chưa cần ưng ý nhất, tôi không trả lời được. Thật ra mỗi bức ảnh cho một góc nhìn, một cảm xúc và nó là một mảnh ghép mang trong đó câu chuyện khác nhau. Một bức tranh có nhiều mảnh ghép thì không thể nói mảnh ghép nào là quan trọng hơn, mảnh ghép nào nói được nhiều khoảnh khắc hơn.

Sống khác mùa COVID-19: Nhiếp ảnh gia Hải An bước qua sợ hãi kể chuyện bằng ảnh - Ảnh 11.

Phút ngả lưng của các nhân viên Y tế trong cuộc chiến với dịch COVID-19

Nhưng tôi trân quý những bức ảnh ghi lại khoảnh khắc xúc động ở buổi trao cơm cho người nghèo. Là khoảnh khắc bác sĩ cứu chữa bệnh nhân, các nhân viên phun khử trùng người đã mất để đưa đi an táng…

Đó là những khoảnh khắc rất khó nói. Kể cả khoảnh khắc lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ ngoài đường. Bình thường, nhiều người có cái nhìn không thiện cảm với họ nhưng khi đứng ở đó, đi trong khoảnh khắc đó mới thấy rằng họ đã nỗ lực tới mức kiệt sức để bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho tất cả chúng ta.

Sống khác mùa COVID-19: Nhiếp ảnh gia Hải An bước qua sợ hãi kể chuyện bằng ảnh - Ảnh 12.

Lực lượng cảnh sát giao thông TP.HCM thực hiện nhiệm vụ tại một chốt kiểm dịch

Theo anh, ngoài thực hiện nghiêm Chỉ thị của Chính phủ, 5K và vaccine để phòng COVID-19, yếu tố nào tiếp theo mà mỗi người dân cần làm để ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm này?

Nhiếp ảnh gia Ngô Trần Hải An: Tôi nghĩ quan trọng nhất là ý thức của mỗi người. Chúng ta phải ý thức được dịch bệnh nghiêm trọng, mỗi người phải biết bảo vệ bản thân mình, tự biết thế nào để giữ gìn cho người khác. Ý thức chính là một "vũ khí" ở thời điểm khó khăn như thế này.

Được biết, nếu không có dịch COVID-19, có thể anh đã đến Trường Sa lần thứ hai. Vậy những kỷ niệm mà anh có được trong lần trước đó ở Trường Sa ra sao?

Tôi đã có dịp đến với Trường Sa 14 ngày. Tôi đã đi đến tất cả những ngọn hải đăng ở Trường Sa. Mỗi một nơi cho mình một cảm xúc đặc biệt, nhưng trên hết là được đặt chân đến một vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Cảm giác được đi tới những cái nơi tận cùng xa xôi của hải đảo, khi đứng ở ngọn hải đăng Tiên Nữ, nơi cực Đông của Việt Nam, đâu phải ai cũng có thể ra đó. Rồi được gặp những người lính đảo, những người dân sống ở nơi nắng gió, biển bao la.

Họ sống trong điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, họ gìn giữ mọi thứ. Họ sống một cách thầm lặng nhưng họ vẫn cống hiến hết mình. Điều đó khiến tôi thêm yêu cuộc sống, thêm yêu Tổ quốc và tự hào là con người Việt Nam.

Sống khác mùa COVID-19: Nhiếp ảnh gia Hải An bước qua sợ hãi kể chuyện bằng ảnh - Ảnh 13.

Hải đăng Đảo Đá Tây, huyện đảo Trường Sa.

Trân trọng cảm ơn anh về cuộc trò chuyện với độc giả Sức khỏe&Đời sống, chúc anh thật nhiều sức khỏe và bình an đi qua đại dịch, tiếp tục những cuộc hành trình với chiếc máy ảnh của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags

covid

Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại