"Soi" sức mạnh tàu ngầm phi hạt nhân tàng hình thế hệ mới Taigei của Nhật Bản

Lê Ngọc |

Sau nhiều năm nghiên cứu phát triển, Nhật Bản đã cho ra đời lớp tàu ngầm phi hạt nhân tàng hình thế hệ mới Taigei – xương sống lực lượng tàu ngầm của đất nước Mặt Trời mọc trong các thập kỷ tới.

Taigei - công trình của các công trình bài bản và công phu

Ba lớp tàu ngầm chính được vận hành bởi Hải quân thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JMSDF) trong tương lai là lớp Oyashio, được đặt tên theo dòng chảy dưới biển và thủy triều, lớp Soryu (Sōryū) - tên rồng, và có vẻ như lớp “Taigei” mới (trong tiếng Nhật là “Cá voi vĩ đại”) sẽ là tên cá lớn. Taigei cũng từng được dùng làm tên của một cuộc đấu thầu tàu ngầm của Hải quân Đế quốc Nhật Bản.

Năm 2004, một đánh giá về các hệ thống tàu ngầm thế hệ tiếp theo dựa trên các tính năng cơ bản đã được thực hiện. Việc phát triển tàu ngầm lớp Taigei của Nhật Bản được tiến hành đồng thời và tổng hợp bởi nhiều nghiên cứu trong các lĩnh vực khác nhau nhằm có được các cấu phần tàu với tính năng vượt trội để đưa vào hoạt động trong những năm 2020 và sau đó.

Các nhà nghiên cứu Nhật sử dụng các công nghệ mô phỏng để tối ưu hóa thiết kế và phân tích hiệu quả; theo tiến độ, khảo sát được thực hiện từ năm 2005-2008, thử nghiệm nội bộ - từ năm 2007-2009, các tàu ngầm sẽ được ra mắt vào những năm 2020, với tổng kinh phí 800 triệu yên.

Năm 2005, nghiên cứu hệ thống sonar và động cơ đẩy không phụ thuộc không khí (Air-independent propulsion - AIP) đã được bắt đầu với mục tiêu phát triển một mảng sonar mới theo hướng giảm trọng lượng, tiết kiệm năng lượng cũng như nâng cao độ yên lặng và giảm khả năng bị phát hiện; phát triển hệ thống AIP mới để nâng cao tính bền vững dưới nước, cho phép mở rộng phạm vi hoạt động, bao gồm cả các vùng nước nông.

Nghiên cứu các hệ thống sonar và AIP được thực hiện từ 2006-2008 và thử nghiệm từ 2008-2009 với tổng kinh phí 4 tỷ yên.

Năm 2006, một đánh giá về chống phát hiện/chống va chạm liên quan đến hình dạng chân vịt, thân tàu và cấu trúc tàu nhằm giảm tiếng ồn và chống va đập, đã được thực hiện.

Các chuyên gia khuyến nghị sử dụng cấu trúc sàn nổi - các tấm ván sàn được gắn vào lớp vỏ bên trong thông qua cơ cấu đệm để ngăn rung động bên trong tàu ra ngoài và bảo vệ chống va đập từ bên ngoài tàu ngầm. Với kinh phí 400 triệu yên, một nguyên mẫu được phát triển từ năm 2007-2011 và thử nghiệm từ năm 2010-2014.

Soi sức mạnh tàu ngầm phi hạt nhân tàng hình thế hệ mới Taigei của Nhật Bản - Ảnh 1.

Tàu ngầm lớp Taigei được đầu tư nghiên cứu bài bản, công phu; Nguồn: topwar.ru

Năm 2009, các nghiên cứu về hệ thống phát điện của ống thở và hệ thống sonar đã được đánh giá.

Với yêu cầu nhỏ gọn hơn, yên tĩnh hơn và tạo ra lượng điện cao hơn để nâng cao khả năng hoạt động, khả năng sống sót và khả năng tàng hình của tàu, các hệ thống phát điện tiềm năng đã được thử nghiệm, bao gồm động cơ diesel MTU 16V396SE được sử dụng trên tàu ngầm Type 212 và động cơ diesel SEMT Pielstick PA4V200SM, tuy nhiên, cả hai động cơ không đáp ứng được công suất và do đó, việc phát triển một hệ thống phát điện mới đã được triển khai.

1,3 tỷ yên đã được phân bổ để phát triển nguyên mẫu động cơ điện ống thở từ năm 2010-2014 và thử nghiệm từ năm 2014-2015. 4,9 tỷ yên được chi cho việc phát triển nguyên mẫu hệ thống sonar với mục tiêu nâng cao khả năng phát hiện và xử lý thông tin nhằm cải thiện khả năng tác chiến và khả năng hoạt động ở các vùng nước nông từ năm 2010-2013, và thử nghiệm từ năm 2013-2014.

Để phục vụ cho cả tàu ngầm và tàu mặt nước hoạt động trong các môi trường biển đa dạng và phức tạp trong những năm 2030, việc phát triển một hệ thống sonar mới được thực hiện từ năm 2017-2020, thử nghiệm vào năm 2020 với kinh phí 5,1 tỷ yên.

Thông thường, khi bổ sung thiết bị mới vào thiết kế tàu ngầm hiện có giải pháp là mở rộng chiều dài khoang của tàu ngầm, làm tăng kích thước, vật tư và giá cả.

Mục tiêu của dự án nghiên cứu kết cấu tàu ngầm bắt đầu từ 2012 là giảm kích thước và giá cả bằng cách tối ưu hóa dạng cấu trúc của lớp vỏ chịu áp lực của tàu ngầm và thu thập dữ liệu kỹ thuật để phát triển tàu ngầm trong tương lai. Một nguyên mẫu đã được phát triển từ năm 2013-2015 và thử nghiệm nội bộ từ năm 2014-2015 với kinh phí 1,1 tỷ yên.

Năm 2016, công trình nghiên cứu thiết kế thân tàu mới và công nghệ để giảm tiếng ồn chất lỏng giao thoa từ thân tàu và động cơ đẩy và giảm các thành phần tiếng ồn tần số thấp gây ra bởi sự giao thoa tạo ra giữa dòng chảy xung quanh thân tàu và động cơ đẩy và hệ thống sonar mới, đã được tổng kết.

Tổng cộng 1,2 tỷ yên đã được sử dụng để nghiên cứu hệ thống mới thiết kế thân tàu; năm 2017, nghiên cứu về hệ thống truyền động ít ồn cũng đã được nghiệm thu.

Hệ thống truyền động yên lặng được nghiên cứu từ năm 2018-2021 sẽ được thử nghiệm từ năm 2021-2022 với kinh phí phân bổ 5,7 tỷ yên.

Dự án với kinh phí đầu tư 4,4 tỷ yên để tạo mẫu hệ thống cung cấp và lưu trữ điện năng hiệu quả cao theo hướng thu nhỏ hệ thống cung cấp điện, tăng công suất và dung lượng của hệ thống lưu trữ điện kéo dài từ năm 2019-2022 và thử nghiệm để mô phỏng việc lắp đặt trên tàu ngầm sẽ diễn ra vào năm 2023.

Tàu ngầm phi hạt nhân tàng hình thế hệ mới Taigei vừa hạ thủy

Ngày 13/10/2020, tại Nhà máy đóng tàu Kobe Mitsubishi Heavy Industries (Nhật Bản), tàu ngầm phi hạt nhân tàng hình thế hệ mới Taigei đầu tiên đã được hạ thủy.

Thiết kế này trước đây có tên gọi là lớp 29SS, được đặt theo năm thứ 29 của triều đại Nhật hoàng Akihito ở Nhật Bản, tương ứng với năm 2017 trong lịch Gregory. Tàu ngầm JS Taigei SS 513 là tàu ngầm tấn công sử dụng động cơ diesel/điện đầu tiên của lớp Taigei, sẽ thay thế các tàu ngầm lớp Soryu.

Tàu ngầm mới vẫn giữ nguyên cấu hình chung của vỏ tàu ngầm lớp Soryu, nhưng nặng hơn 100 tấn và có một số thay đổi về thiết kế. Taigei sử dụng ắc-quy lithium-ion thay vì 4V-275R Mk, có thể ở dưới nước lâu hơn.

Nhật Bản đã nghiên cứu sử dụng ắc-quy lithium-ion cho tàu ngầm từ đầu những năm 2000 và hiện là quốc gia duy nhất có tàu ngầm hoạt động bằng ắc-quy lithium-ion. Hải quân Nhật Bản có kế hoạch trang bị 7 tàu ngầm lớp này.

Soi sức mạnh tàu ngầm phi hạt nhân tàng hình thế hệ mới Taigei của Nhật Bản - Ảnh 2.

Chiếc tàu ngầm đầu tiên lớp Taigei đã được hạ thủy; Nguồn: defenseworld.net


Ưu điểm của ắc quy lithium-ion là yêu cầu thấp hơn về bảo dưỡng và có khả năng chịu đựng tốc độ cao lâu hơn khi lặn so với ắc-quy axit-chì. Chúng cũng có thời gian xạc nhanh hơn, tuổi thọ dài hơn và đơn giản hơn trong việc thiết kế hệ thống điện tử.

Mặc dù vậy, ắc-quy lithium-ion và hệ thống đi kèm rất đắt đỏ, ước tính đơn giá cho 2 chiếc tàu ngầm Soryu cuối cùng cao hơn 100 triệu USD so với những con tàu sử dụng ắc-quy axít-chì. Bên cạnh đó, ắc-quy lithium-ion cũng có nguy cơ cháy nổ cao hơn, nhưng điều này không phải vấn đề với quốc gia có nền khoa học công nghệ và kỹ thuật tiên tiến như Nhật Bản.

Khả năng của hệ thống sonar và chỉ huy chiến đấu của Taigei đã được nâng cao, cũng như việc sử dụng các vật liệu mới hấp thụ âm thanh và cấu trúc sàn nổi làm cho nó yên lặng hơn; hệ thống ống thở được cải tiến để giảm dấu hiệu bị phát hiện, giảm đáng kể lực cản thủy lực.

Nó cũng được trang bị các thiết bị đối phó ngư lôi (Torpedo Counter Measures - TCM) - phóng mồi nhử để nâng cao khả năng sống sót. Taigei có lượng choán nước tiêu chuẩn khoảng 3 nghìn tấn, chiều dài thân tàu 84m, chiều rộng 9,1m, mớn nước 10,4m, thủy thủ đoàn - 70 người, chi phí sản xuất khoảng 76 tỉ yên (720 triệu USD).

Vũ khí Taigei bao gồm 6 ống phóng ngư lôi HU-606 21 (533mm) có thể phóng ngư lôi Type 89 và tên lửa chống hạm Harpoon.

Type 89 là ngư lôi do Mitsubishi Heavy Industries sản xuất, dẫn đường bằng dây với hai chế độ chủ động và thụ động, được gắn đầu đạn nặng 295kg. A/U/RGM-84 Harpoon là hệ thống tên lửa chống hạm hoạt động trong mọi thời tiết với hệ thống dẫn đường bằng radar chủ động, thiết kế đầu đạn, quỹ đạo hành trình tầm thấp và các thao tác lướt trên mặt biển … đảm bảo khả năng sống sót cao.

Tên lửa này có khả năng phóng từ tàu nổi, tàu ngầm, bờ biển hoặc máy bay với tầm bắn tối đa 124km.

Chiếc Taigei đầu tiên sẽ được bàn giao cho hạm đội vào tháng 3/2022, là chiếc tàu ngầm thứ 22 của Hải quân Nhật Bản; hai chiếc nữa đang được đóng, và Bộ Quốc phòng đã yêu cầu 654,1 triệu USD cho một tàu nữa trong yêu cầu ngân sách mới nhất.

Nhật Bản đang vận hành 9 tàu ngầm lớp Oyashio 2.750 tấn, 11 tàu chiến lớp Soryu 2.950 tấn và đang có kế hoạch tiếp nhận chiếc tàu thứ 12 lớp Soryu vào năm 2021.

Theo tờ Mainichi, Chương trình Phòng thủ Quốc gia năm 2010 của Nhật Bản đã đặt mục tiêu tăng số lượng tàu ngầm của mình từ 16 lên 22 chiếc trong bối cảnh Bắc Kinh gia tăng các hoạt động ở các vùng biển gần Nhật Bản, đặc biệt là xung quanh một nhóm đảo do Nhật Bản quản lý mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Có thông tin, tàu ngầm đầu tiên thuộc lớp Taigei này sẽ được chuyển đổi thành tàu ngầm thử nghiệm. Lý do của sự thay đổi là do nhu cầu có được một tàu ngầm thử nghiệm chuyên dụng thay vì tách một tàu ngầm thông thường khỏi các hoạt động trực chiến của nó để tiến hành các thí nghiệm.

Bằng cách đó, JMSDF có thể tăng ngày giờ hoạt động và tăng cường hoạt động giám sát đối với các tàu ngầm tấn công của họ trong khi tàu ngầm chuyên trách thử nghiệm sẽ giúp đẩy nhanh quá trình nghiên cứu và phát triển.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại