Soi gương để tự nhận biết 12 dấu hiệu bệnh tật

Ngọc Mai |

Khi đứng trước gương, bạn có thể kiểm tra xem vùng da dưới cánh tay có dấu hiệu này không, nếu có, rất có thể đó là dấu hiệu sớm của bệnh tiểu đường.

Hãy tận dụng khoảng thời gian tắm mỗi ngày để đứng khoả thân trước gương và quan sát cơ thể.

Soi gương để tự nhận biết 12 dấu hiệu bệnh tật - Ảnh 1.

1. Mảng da thẫm màu ở nách

Bác sỹ Nida Chammas, chuyên khoa nội tiết tiểu đường tại Bệnh viện BMI Clementine Churchill cho biết, các mảng da tối màu và dày này được gọi là bệnh gai đen và có thể là dấu hiệu sớm của tiểu đường type 2.

Vùng da tối này thường có kích thước bằng bàn tay, khô, sờ vào có cảm giác sần sùi, mềm và có thể ngứa nữa.

Theo bác sỹ Chammas: "Dấu hiệu này liên quan tới béo phì, từ đó có thể gây ra tình trạng kháng insulin, tiền thân của tiểu đường là tình trạng khi cơ thể không có khả năng sử dụng đúng hoóc-môn insulin để điều tiết lượng đường trong máu và khiến tuỵ cố gắng tiết thêm ngày càng nhiều insulin.

Nồng độ insulin trong máu cao có thể đã gây ra thay đổi ở các tế bào da từ đó hình thành những mảng da tối màu".

Mặc dù chưa xác định được rõ ràng nguyên nhân, nhưng các mảng da tối này có xu hướng hình thành ở các vùng gấp như nách, cổ, háng.

Thay đổi phong cách sống như giảm cân, giảm tiêu thụ carbohydrate và tăng cường hoạt động thể chất có thể giúp khôi phục màu da ban đầu.

Để giúp những người có bệnh gai đen không bị kháng insulin, bác sỹ có thể kê các loại thuốc làm giảm insulin, từ đó cũng làm giảm tình trạng vùng da tối.

Soi gương để tự nhận biết 12 dấu hiệu bệnh tật - Ảnh 2.

2. Ở háng nổi cục/u

Đây có thể là dấu hiệu của chứng thoát vị, là tình trạng các tạng bên trong đi ra ngoài phần cơ hoặc các mô xung quanh, thông qua một điểm yếu, làm nảy sinh cục u/bướu lộ ở bên ngoài.

Dạng phổ biến nhất là thoát vị bẹn, xảy ra khi một phần ruột đẩy ra ngoài thành bẹn.

Bác sỹ Anton Emmanuel, chuyên gia về dạ dày – ruột tại Bệnh viện Đại học London cho biết: "Có thể bạn chỉ nhìn thấy u khi đứng vì trọng lực và áp lực bụng khiến cục u lồi ra. Và khi nằm xuống thì nó lai biến mất".

Thoát vị bẹn phổ biến nhất ở nam giới, đôi khi nguyên nhân do mang vác nặng. Bệnh có thể cần điều trị bằng phẫu thuật để đẩy phần u lồi trở lại đúng vị trí. Phần yếu điểm của cơ sau đó được xử lý bằng phẫu thuật.3. Một bên vai cao hơn

Nếu quan sát thấy một bên vai cao hơn bên còn lại – hoặc nhìn lưng qua vai và quan sát trong gương thấy một bên xương vai nhô cao hơn, có thể bạn đã bị vẹo cột sống.

Giáo sư Tony Kochhar, bác sỹ phẫu thuật chỉnh hình tại Bệnh viện London Bridge cho hay: "Mọi người thường nghĩ vẹo cột sống khiến xương sống có hình chữ S.

Nhưng vẹo cột sống cũng ảnh hưởng tới xương sườn, vặn xoắn và đẩy xương sườn lên trên và ra phía ngoài, khiến cho vai mất cân bằng".

Các bài tập từ bác sỹ vật lý trị liệu có thể giúp cải thiện vóc dáng, độ linh hoạt, giúp kiểm soát bệnh đau lưng. Trong trường hợp bệnh nặng, có thể tiến hành phẫu thuật.

Vai lệch đôi khi do cơ bị thương tổn, dẫn tới bệnh về thần kinh là đa xơ cứng (MS).

Giáo sư Kochhar cho biết: "Bệnh MS ảnh hưởng tới thông điệp truyền từ não bộ tới các cơ. Nếu không thể truyền tin, sẽ làm ảnh hưởng tới chức năng của cơ, vô hiệu hoá cơ, từ đó làm mất cân bằng vai".

Soi gương để tự nhận biết 12 dấu hiệu bệnh tật - Ảnh 3.

4. Phình tĩnh mạch ngực

Nếu tĩnh mạch ở giữa ngực bị phồng thì có thể là dấu hiệu của tình trạng viêm, còn được gọi là bệnh Mondor.

Theo bác sỹ John Scurr: "Có hiện tượng trên là do tình trạng viêm của mạch dưới vùng da ở vú hoặc thành ngực, cũng có thể do chấn thương".

Bệnh Mondor là một bệnh hiếm gặp, không gây ra ung thư vú, nhưng trong một số trường hợp đó có thể là dấu hiệu của khối u ở vú.

Bệnh Mondor có thể tự hồi phục hoặc điều trị bằng các thuốc chống viêm.

5. Vùng da thẫm màu quanh mắt cá

Vùng da thẫm hoặc nhạt màu ở xung quanh mắt cá chân có thể là xuất phát điểm của bệnh loét chân.

Theo Eddie Chaloner, bác sỹ chuyên phẫu thuật mạch bạch huyết, tình trạng này xảy ra khi tĩnh mạch chân bị yếu, mất khả năng đẩy máu ngược về tim và máu bị rỉ ra khỏi tĩnh mạch.

Sự rò rỉ này gây ra các phản ứng viêm: Hemoglobin, phân tử protein trong tế bào hồng cầu có chức năng vận chuyển oxy từ phổi tới các mô, bị rỉ ra dẫn tới hiện tượng biến đổi màu da.

Có một lập luận là tinh trạng này sau đó sẽ ảnh hưởng tới sự tăng trưởng hoặc hồi phục của da, dẫn tới loét.

Soi gương để tự nhận biết 12 dấu hiệu bệnh tật - Ảnh 4.

6. Phình tĩnh mạch cổ

Đây có thể là dấu hiệu của bệnh suy tim. Theo Bác sỹ Glyn Thomas, chuyên khoa tim mạch tại Tổ chức Tim Bristol, hiện tượng này xảy ra khi tim không bơm đủ máu cho cơ thể ở mức áp lực phù hợp.

Điều này ảnh hưởng tới các tĩnh mạch vận chuyển máu từ đầu tới tim. Nếu không đủ lực để đẩy máu đi, sẽ khiến tĩnh mạch phình lên."

Hiện tượng này thường xảy ra ở cổ - đôi khi ở chân – vì đó là những nơi xa tim nhất.

Phình tĩnh mạch thường đi cùng với các triệu chứng khác của suy tim, như hơi thở ngắn bất thường hoặc chân và mắt cá bị sưng, do tim không thực hiện chức năng bơm máu hiệu quả, dẫn tới máu đọng ở đó.

Nguyên nhân suy tim gồm có tăng huyết áp, làm phá huỷ cơ tim, và đau tim.

7. Vết thâm không rõ nguyên do

Nếu bạn thường gặp các vết thâm không rõ nguyên do, và mất từ một tuần trở lên để hồi phục thì có thể là dấu hiệu của bệnh gan như viêm gan.

Giáo sư David Lloyd, bác sỹ chuyên khoa phẫu thuật gan tại Bệnh viện Đại học Leicester cho biết: "Nếu gan bị bệnh, tiểu huyết cầu có thể giảm.

Tiểu huyết cầu có vai trò làm đông máu, nên khi số lượng tiểu huyết cầu bị giảm có thể dẫn tới chảy máu trong từ đó làm hình thành vết thâm ngoài da".

Vết thâm cũng có thể là dấu hiệu của ung thư bạch cầu do bệnh này cũng gây giảm tiểu huyết cầu. Hãy gặp bác sỹ nếu bạn có những vết thâm bất thường.

8. Sưng đầu gối

U thịt ở gối có thể là dấu hiệu của bệnh gút có thể gây nên sưng đau ở các khớp.

Nguyên nhân gây ra bệnh gút là axit uric, chất có tự nhiên trong cơ thể, làm hình thành các tinh thể ở bên trong và xung quanh khớp xương.

Theo Kailash Desai, bác sỹ chuyên khoa phẫu thuật chỉnh hình tại Đại học Tây Middlesex, các tinh thể cũng có thể hình thành dưới da, dẫn tới các bướu nhỏ màu trắng hoặc vàng gọi là sạn urat.

Các bướu nổi này có thể xuất hiện quanh khớp ở nơi khác như bàn chân, nhưng đáng chú ý nhất là tại gối. Nếu không được điều trị, chúng có thể phát triển to bằng quả bóng golf và phá huỷ xương.

Hãy thường xuyên vận động, tránh các thức ăn chứa nhiều hợp chất nito purine như thịt đỏ, hải sản.

Soi gương để tự nhận biết 12 dấu hiệu bệnh tật - Ảnh 5.

9. Nốt ruồi ở lưng hoặc chân

Đa phần nốt ruồi là một phần vô hại của tế bào gọi là tế bào biểu bì tạo hắc tố. Nhưng trong một số ít trường hợp, đó có thể là u ác tính – một loại dạng xâm lấn của ung thư da.

Ở nữ giới, những nốt ruồi này chủ yếu nằm ở phần chân từ đầu gối trở xuống, trong khi ở nam giới thì chủ yếu hình thành ở lưng.

Theo John Ashworth, bác sỹ chuyên khoa da liễu tại tổ chức Chăm sóc Y tế Cộng đồng Bridgewater của NHS , các u ác tính xuất hiện dưới dạng những nốt ruồi rất sẫm màu hoặc ban đầu là chấm thẫm màu hơn ở giữa nốt ruồi rồi dần lan rộng ra.

Bác sỹ cảnh báo: "Hãy cẩn trọng nếu bạn xuất hiện nốt ruồi mới, hoặc một nốt ruồi cũ nhưng thay đổi kích thước, hình dáng, màu sắc hoặc bị chảy máu". Những trường hợp này có nguy cơ là dấu hiệu của ung thư hơn là các nốt ruồi có từ khi sinh ra.

"Bạn cũng nên lưu ý với những nốt ruồi không phẳng, phần rìa không nhẵn do nốt ruồi thông thường sẽ hình tròn hoặc oval với phần rìa nhẵn".

Soi gương để tự nhận biết 12 dấu hiệu bệnh tật - Ảnh 6.

10. Giữ chất lỏng ở đùi

Theo giáo sư Christopher Eden, bác sỹ chuyên khoa tiết niệu tại Bệnh viện Royal Surrey County tại Guildford cho biết, sưng ở một hoặc cả hai bên đùi có thể là dấu hiệu của ung thư tinh hoàn.

Ung thư tinh hoàn có thể lan rộng tới các hạch bạch huyết ở xương chậu, gây ảnh hưởng tới hệ thống bạch huyết của xương chậu, là hệ thống ống dẫn giúp cơ thể loại bỏ chất lỏng thừa và những chất không cần thiết.

Một dấu hiệu khác của ung thư tinh hoàn là một bên tinh hoàn thấp hơn bên còn lại. Giáo sư Eden giải thích: "Đó là do khối u kéo tinh hoàn xuống".

11. Phát ban ở cổ tay hoặc vùng mông

Bác sỹ Parveen Kumar, chuyên nghiên cứu về dạ dày và ruột tại trường Y London cho biết, tình trạng phát ban, mẩn đó, ngứa có thể là dấu hiệu không dung nạp gluten hoặc bệnh liên quan đến tạng phủ.

Gluten là protein có trong ngũ cốc như lúa mỳ, lúa mạch đen, đại mạch. "Tình trạng phát ban hay bệnh mụn rộp ở da thường xuất hiện ở khuỷu tay nhưng cũng có thể xuất hiện ở nơi khác trên phần thân hoặc đầu gối".

Giáo sư Kumar cho rằng, chuyển sang chế độ ăn không có gluten có thể hữu ích trong trường hợp này.

12. Nếp nhăn ở vú

Những nếp nhăn bất thường ở vú có thể là dấu hiệu của ung thư vú.

Giáo sư Tony Howell, chuyên khoa ung thư tại Đại học Manchester cho biết:

"Khi ung thư hình thành ở vú, các tế bào ở khối u khiến cho mô xung quanh hình thành collagen – loại protein giúp hình thành cấu trúc da và giúp da khoẻ mạnh, và được cơ thể sản sinh ra để phản ứng với sự thay đổi hoặc tổn thương".

"Collagen kéo các mô da vào trong vì thế ở vú xuất hiện nếp lõm hoặc nhăn giống vỏ cam."

Tình trạng núm vú bị kéo vào cũng có thể do tình trạng tương tự gây nên.

Da vú bị nhăn hay núm vú bị kéo vào cũng có thể do các loại ung thư khác gây ra. Vì vậy khi thấy hiện tượng này xuất hiện, hãy đi gặp bác sỹ.

*Theo Daily Mail

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại