Sợ hãi, tăng tốc nghẹt thở, "Thần Mã" của Mỹ vẫn bị thiết giáp Việt Nam bắt sống!

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Xe thiết giáp M113 có tốc độ cao, nhưng với tay lái đã vượt Trường Sơn, khoảng cách giữa 2 xe ngày càng ngắn lại. Bọn địch lộ rõ vẻ hốt hoảng song vẫn ngoan cố không chịu hàng...

Xe thiết giáp M113 do Mỹ sản xuất và có mặt trong chiến tranh Việt Nam với số lượng khá lớn. Chúng nổi tiếng vì có khả năng cơ động việt dã vượt mọi địa hình, đặc biệt nó có tốc độ rất cao và được mệnh danh là "Thần Mã". Dẫu vậy, Thần Mã cũng có phen bị bắt sống bởi thiết giáp của ta!

Từ tấm Huân chương trao muộn

Một ngày đầu năm 1999, Phòng Cán bộ Binh chủng Tăng - Thiết giáp (TTG) nhận được một tấm Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất được gửi từ Phòng Chính sách, Bộ Tư lệnh quân khu 5 ra với một lời nhắn:

"Sau chiến tranh, chúng tôi được biết đồng chí Bùi Tiến Hợp đã được cử đi học sĩ quan xe tăng. Vì vậy cho đến nay chắc đã trở thành sĩ quan quân đội. Vì vậy, kính nhờ cơ quan chuyển giúp tấm huân chương này đến tay đồng chí đó".

Nhìn thấy tấm Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất được Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ ký Quyết định số 1531/112 ngày 15-10-1975 trao tặng cho Trung sĩ Bùi Tiến Hợp mà đồng chí Trưởng phòng cán bộ binh chủng TTG hết sức xúc động.

Như vậy là tấm huân chương đã được ký cách đây 24 năm mà vẫn chưa đến tay chủ nhân của nó. Anh thầm cảm ơn những người đồng đội đã giữ gìn cẩn thận tấm huân chương này và tự hứa sẽ phải tìm bằng được Bùi Tiến Hợp để trả lại vinh dự cho anh.

Sợ hãi, tăng tốc nghẹt thở, Thần Mã của Mỹ vẫn bị thiết giáp Việt Nam bắt sống! - Ảnh 1.

Bùi Tiến Hợp trong buổi Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Tra cứu lại những tài liệu còn lưu trữ được, quả thật Trung sĩ Bùi Tiến Hợp, quê quán Thượng Trưng, Vĩnh Tường, Vĩnh Phú, chiến sĩ lái xe của Lữ đoàn xe tăng 203 đã nhập học Khóa 2 Trường sĩ quan TTG. Tuy nhiên, sau đó một thời gian anh đã xuất ngũ vì lý do sức khỏe. Vậy là đầu mối đầu tiên đã mất!

Căn cứ vào địa chỉ quê quán ghi trên huân chương, Phòng Cán bộ cho người tìm về Thượng Trưng, Vĩnh Tường, Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc) để tìm song câu trả lời của địa phương là:

"Đồng chí Bùi Tiến Hợp đúng là người địa phương này, nhập ngũ tháng 12 năm 1971 vào binh chủng TTG. Từ đó đến nay đồng chí đó không về địa phương, chỉ nghe nói giờ đang ở Hà Nội!". Vậy là lại "bặt vô âm tín"!

Chợt nhớ đến một số sĩ quan TTG khóa 2 hiện còn công tác trong binh chủng, họ đã tìm đến gặp và đã có câu trả lời: "Bùi Tiến Hợp hiện đang kinh doanh mặt hàng đồ gỗ và sơn mài ở Đê La Thành, Hà Nội". Như trút được gánh nặng, phòng nhờ họ báo giúp cho Bùi Tiến Hợp vào nhận huân chương.

Mấy hôm sau, hai anh em Bùi Tiến Hợp vào cơ quan Bộ Tư lệnh TTG nhận huân chương của mình. Ôm tấm bằng huân chương trước ngực Bùi Tiến Hợp vừa tự hào, vừa xúc động. Anh nghẹn ngào cảm ơn các đồng đội ở Quân khu 5, ở Binh chủng Tăng - Thiết giáp đã không quản khó khăn để trả lại nó cho anh.

Sợ hãi, tăng tốc nghẹt thở, Thần Mã của Mỹ vẫn bị thiết giáp Việt Nam bắt sống! - Ảnh 2.

Xe tăng Lữ đoàn 574 (Quân khu 5) thực hành diễn tập.

Đến câu chuyện của người bắt sống "Thần Mã"

Là con trai út của một liệt sĩ thời chống Pháp nhưng chưa đầy 18 tuổi Bùi Tiến Hợp đã xung phong nhập ngũ khi đang học năm cuối của trường phổ thông. Có sức khỏe và với trình độ văn hóa như vậy anh được chọn đi học lái xe tăng, sau đó được điều về Tiểu đoàn xe tăng 177B để đi chiến đấu.

Sau hơn 1.000 km hành quân vượt Trường Sơn dưới mưa bom bão đạn của Không quân Mỹ ngăn chặn, đơn vị anh đã có mặt tại chiến trường Quảng Nam và là tiền thân của Lữ đoàn xe tăng 574, Quân khu 5 sau này.

Ngay khi vừa vào tới chiến trường, đơn vị của Hợp đã tham gia chiến đấu tiến công quận lỵ Tiên Phước và sau đó tham gia nhiều trận chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng trước và sau khi ký Hiệp định Pa-ri.

Đặc biệt, trong cuộc Tổng Tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đơn vị và cá nhân anh đã lập công lớn trong các trận đánh giải phóng Thị xã Tam Kỳ ngày 24.3.1975.

Trong trận này, Đại đội TTG2 được tăng cường cho một trung đoàn bộ binh (BB) của Sư đoàn 2 đánh vào thị xã theo 3 hướng. Trung đội Thiết giáp 1 trang bị các xe K-63, do trung đội trưởng Nguyễn Quốc Vinh chỉ huy tham gia trên hướng số 2. Quân địch chống cự điên cuồng, song trước sức mạnh của TTG và bộ binh ta, bọn chúng đã bị đẩy lui.

Các xe thiết giáp K-63 của ta chở theo bộ binh nhanh chóng đột nhập vào trung tâm thị xã làm cho bọn địch càng hoang mang hoảng sợ và bỏ chạy tán loạn.

Tuy nhiên, trong quá trình đánh địch hầu hết các chiến sĩ bộ binh và xạ thủ bắn 12,7 mm trên xe 046 đã hy sinh và bị thương, chỉ còn lái xe Bùi Tiến Hợp và trung đội trưởng Nguyễn Quốc Vinh là còn khả năng chiến đấu.

Khi thấy một xe thiết giáp M113 tăng tốc chạy về phía nam, vừa chạy vừa bắn loạn xạ, Bùi Tiến Hợp lập tức tăng tốc đuổi theo. Trong lúc đó trung đội trưởng Vinh dùng 12,7 mm bắn vào xe địch.

Xe thiết giáp M113 vốn nổi tiếng là có tốc độ cao nhưng với tay lái thuần thục đã từng vượt Trường Sơn của Hợp, khoảng cách giữa 2 xe ngày càng ngắn lại. Bọn địch lộ rõ vẻ hốt hoảng song vẫn ngoan cố không chịu hàng.

Đến lúc này trung đội trưởng Vinh cũng bị thương không bắn 12,7 mm được nữa. Biết thế nhưng Hợp quyết định phải bắt kỳ được xe này. Anh nhấn thêm ga cho xe mình tiến lên gần ngang xe địch rồi kéo nhẹ cần lái bên phải ép xe mình vào xe địch. Xích sắt hai xe chạm nhau tóe lửa.

Không chịu nổi sức ép của xe 046, chiếc M113 dạt xuống vệ đường rồi chết máy dừng lại, mấy tên địch trong xe lóp ngóp bò ra giơ cao tay xin hàng. Một lát sau, xe thứ hai của trung đội và một đơn vị bộ binh mới đến nơi. Hợp bàn giao tù binh địch cho bộ binh. Còn con "Thần Mã" M113 được đại đội trưng dụng để chở bộ phận phục vụ.

Sợ hãi, tăng tốc nghẹt thở, Thần Mã của Mỹ vẫn bị thiết giáp Việt Nam bắt sống! - Ảnh 3.

Xe thiết giáp 113 thu được của VNCH tiếp tục phục vụ trong biên chế QĐNDVN. Ảnh: Hoàn thành nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia hành quân về nước.

Sau khi giải phóng thị xã Tam Kỳ, đơn vị của Hợp còn tham gia tiến công Đà Nẵng và các căn cứ xung quanh thành phố. Kết thúc chiến dịch, trong khi bình công, báo công Bùi Tiến Hợp với thành tích bắt sống "Thần Mã" đã được anh em trong đơn vị bình bầu đề nghị lên trên tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất.

Đó chính là tấm huân chương anh đang ôm trước ngực hôm nay.

Ngay sau đó, tiểu đoàn của Bùi Tiến Hợp được điều chuyển sang tăng cường cho Lữ đoàn xe tăng 203, quân đoàn 2 với phiên hiệu là Tiểu đoàn TTG 5. Nằm trong đội hình cánh quân Duyên Hải, Tiểu đoàn TTG 5 được phái đi trước mở đường cho quân đoàn 2 cùng với Tiểu đoàn TTG 4.

Họ đã giải phóng Phan Rang, Phan Thiết, Hàm Tân rồi tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh đến tận dinh Độc Lập trưa 30.4.1975. Tiếp đó, tháng 7.1975, Bùi Tiến Hợp được cử đi học sĩ quan nhưng do không bảo đảm sức khỏe anh đã ra quân.

Thêm hơn chục năm lưu lạc nước ngoài rồi về định cư tại Hà Nội. Đó chính là lý do tấm huân chương đã phải lưu lạc những 24 năm mới tới tay anh.

Ngày 30 tháng 10 năm 2013, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Bùi Tiến Hợp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại