Không quân Israel và 50 giây kinh hoàng, báo hiệu cái chết của TT Iraq Saddam Hussein!

Đại tá Trần Danh Bảng |

Theo Không quân Israel, có 16 quả bom rơi trúng lõi khu phức hợp lò phản ứng, nhưng hai trong số đó đã không phát nổ. Hệ thống phòng không của Iraq đã phản ứng quá chậm.

Sự kiện ngày 7 tháng 6 năm 1981, các phi đội máy bay F-16 và F-15 của Không quân Israel đã tiến công, ném bom đánh sập lò phản ứng hạt nhân mới nhất của Cộng hoà Iraq đã lùi xa gần 35 năm.

Nhìn lại sự kiện này, khiến người ta càng chăm chú theo dõi sức mạnh của Không quân Israel (IAF) khi trong tháng 12 -2016 này IAF vừa nhận loại máy bay tối tân, tàng hình tốt nhất là máy bay F-35 của Mỹ.

Những tin tức khó chịu cho Tel Aviv

Vào tháng 9 năm 1975, Saddam Hussein (sau đó là Tổng thống Iraq) thăm Paris. Mục đích chính của chuyến thăm của ông là mở rộng hợp tác năng lượng hạt nhân giữa Iraq và Pháp.

Saddam hỏi về công nghệ hạt nhân và lò phản ứng. Pháp sẵn sàng đáp ứng tất cả các yêu cầu của người Iraq. Lập tức, năm 1976, Iraq đã ký một thỏa thuận về hợp tác quân sự - kỹ thuật với nước Pháp trong việc tạo ra một lò phản ứng hạt nhân.

Ước tính, lò phản ứng này cho phép Iraq làm giàu để sản xuất đến 10 kg nguyên liệu, phục vụ sản xuất vũ khí plutonium, như thế đến năm 1985 nước này sẽ có năm quả bom hạt nhân. Những tin tức này đã khó chịu cho Tel Aviv. Israel quyết không để Saddam Hussein có vũ khí hạt nhân.

Từ năm 1976, tình báo chiến lược của Israel đã biết Iraq đang cố gắng để có được vũ khí hạt nhân. Trong vòng 18 tháng, các điệp viên Israel theo dõi "đơn đặt hàng" của Iraq tại Pháp. Họ biết, đầu tháng 4 năm 1979 hai lò phản ứng hạt nhân (sơ cấp) có tên "Tammuz-1" và "Tammuz-2" đã chuyển đến kho cảng gần Toulon.

Cuối xuân 1979, một nhóm các "tội phạm" không rõ danh tính đã đột nhập kho cảng này, phá hoại lõi 2 lò phản ứng này, mà người Pháp chuẩn bị để gửi đến Vịnh Ba Tư.

Dẫu đau đứt ruột, nhưng rồi các lò phản ứng mới được bảo vệ tốt hơn cũng được chuyển đến Baghdad. Với sự hỗ trợ của Pháp, Iraq xây dựng các lò phản ứng tại Osirak cách Baghdad 25 km.

Người khởi xướng ý tưởng phá kế hoạch sản xuất vũ khí hạt nhân của Iraq là ông Menachem Begin (sau trở thành Thủ tướng). Ông ta đã thuyết phục giới quân sự, an ninh về sự cần thiết phải thực hiện các vụ đánh bom, trước khi chính quyền Iraq có thể có vũ khí hạt nhân.

Trong tháng 10 năm 1979, Begin đã ra lệnh cho Bộ Tổng tham mưu chuẩn bị các đề án. Trong đó có kế hoạch đánh phá đặt mật danh là "Babylon". Nhiệm vụ được giao cho Tổng tham mưu trưởng, tướng Rafael Eitan và Chỉ huy Không lực IAF, tướng David Ivry.

Ngày 14 tháng 10 năm 1980, người Israel đã có trong tay kế hoạch đánh bom lò phản ứng Iraq tại một cuộc họp "hẹp" và "rất kín".

Về thời điểm oanh kích, sau hai lần trì hoãn, cuối cùng nó được quyết định vào ngày 7 tháng 6 năm 1981. Ngày này được lựa chọn bởi là Chủ nhật, các chuyên gia người Pháp nghỉ, lò phản ứng chỉ có số lượng tối thiểu người ở đó.

Tính toán và thực thi

Các sĩ quan tham mưu Không quân Israel tính toán rất kỹ đường bay và phương tiện tấn công tới "Lò Osirak", sao cho bảo đảm đột kích Osirak bất ngờ, bằng phương tiện đường không cơ động tối ưu nhất.

Phải nói thêm rằng, những năm trước đó, IAF đã tính nhiều đường bay của máy bay F-4C, tới Iraq, trong các phương án tấn công mục tiêu khác. Nhưng cản trở lớn nhất là quãng đường xa, trên 1.450km, bảo đảm dẫn đường yểm trợ khó khăn. Lại phải bay qua không vực nước thù địch là Jordan.

Vào thời điểm giữa năm 1981, Israel đã đào tạo xong vài khoá phi công F-16 (việc này bắt đầu từ năm 1979 tại Mỹ). Điều này cho phép Israel tính đến phương án huấn luyện phi công trên sa mạc cho các hoạt đông oanh kích bằng máy bay mới.

Một lò phản ứng mô hình được xây (như thật) trong sa mạc Negev. Các sĩ quan tác chiến đường không của IAF bây giờ chỉ còn tính cụ thể các chặng bay và công tác bảo đảm. Chặng hành trình với tổng chiều dài tiến đánh - rút về, ước tính khoảng 3.000 km.

Việc nghiên cứu thời gian, đường bay được tính rất kỹ. Các phi công cũng dè chừng, nếu lưới phòng không khai hoả, họ sẽ phải lao vào "rọ lửa" rất mạnh, nên coi trọng luyện bay mật tập, thật thấp.

Ngày N, các nhóm không lực sẽ tập trung tại căn cứ không quân Etzion, trên bán đảo Sinai. Căn cứ này cho phép xâm nhập không phận Iraq với lợi thế mong đợi nhất, vì bay trên khoảng sa mạc của Ả Rập Saudi và Jordan, nơi sóng radar cảnh giới thưa thớt nhất.

Phương pháp tấn công đường không nói gọn là: "Bay thấp, đánh lén, rút nhanh". Không thể khác vì lượng dầu có hạn, không thể tiếp dầu hoặc hạ cánh trên đất "thù địch".

Lại nói đến máy bay được chỉ định ném bom là F-16A của Israel. Có 8 chiếc F-16A, trang bị mỗi chiếc hai quả bom không điều khiển, loại Mark-84, chuyên phá bê tông nặng 900 kg. Mỗi chiếc mang ba thùng dầu bay phụ, 2 dưới cánh, và 1 dưới thân.

Không quân Israel và 50 giây kinh hoàng, báo hiệu cái chết của TT Iraq Saddam Hussein! - Ảnh 1.

Bom Mk-84. Ảnh minh họa.

Bốn chiếc F-16 trong nhóm đầu có tên mật danh là "dao mổ", dẫn đầu là Trung tá Zeev Raz từ phi đội 117. Nhóm thứ hai mang mật danh là "Eshkol", phi đội trưởng Đại tá Amir Nahum từ phi đội "Hiệp sĩ miền Bắc".

Tham gia các tốp oanh kích, còn có 6 máy bay tiêm kích F-15 hộ tống, dưới sự chỉ huy của Trung tá Moshe Miller, tạo thành 3 nhóm bay gần các tốp F-16A.

Như điều lệ tác chiến, các máy bay làm nhiệm vụ yểm trợ, cứu nạn, phục vụ là các trực thăng CH-53. Chúng trực ở các khu vực an toàn, sẵn sàng tham chiến nếu có sự cố phi công nhảy dù, cứu nạn…

Chỉ huy IAF còn cẩn thận hơn, yêu cầu quân đội đưa các biệt kích đặc nhiệm bằng trực thăng, bí mật ém trước xuống dọc đường bay, thậm chí ở bên kia mục tiêu không xa để làm dấu, chỉnh đường bay cho F-16A không chệch, ném bom nhầm. Chỉ vì F-16 phải tiết kiệm tối đa nhiên liệu, do đường dài, không thể quần vòng tìm mục tiêu.

Các tài liệu sau này ở thập kỷ XXI đã trích lời một Đại tá Liên Xô, Valery Yaremenko rằng: "Vào giữa năm 1981 tại Iraq, đã có 14 lữ đoàn phòng không trang bị 37 bệ tên lửa S-75M (SA-2M); 35 bệ tên lửa S-125 (SA-3) dạng 4 đạn.

Ngoài ra còn có các tổ hợp tên lửa phòng không "3 ngón tay thần chết" Kub (SA-6). cùng hàng trăm tên lửa phòng không tầm thấp. Tất cả đều có gốc xuất xứ từ Liên Xô.

Bên cạnh đó, trong vùng lân cận của các lò phản ứng còn hệ phòng không tầm ngắn "Roland" cực tiên tiên của phương Tây mà Iraq mới nhập về.

Lực lượng không quân Iraq lúc đó đã có hơn 100 máy bay tiêm kích đánh chặn, đáng gờm là MiG-23, MiG-21 đời mới nhất.

Vì thế Tổng tham mưu trưởng, tướng Rafael Eitan và Chỉ huy Không lực IAF, tướng David Ivry của Israel rất chú trọng tính đến việc, trên hành trình bay đến lò phản ứng hạt nhân, các phi công Israel phải vượt qua hệ thống phòng không "Made in Liên Xô" rất mạnh triển khai xung quanh Baghdad và mục tiêu này.

Điều nổi bật hơn nữa là đội tấn công của Israel phải bay qua một số nước Ả Rập có máy bay cảnh báo sớm AWACS. Nó hoàn toàn có khả năng phát hiện chúng cách hàng trăm dặm về phía bắc.

Không quân Israel và 50 giây kinh hoàng, báo hiệu cái chết của TT Iraq Saddam Hussein! - Ảnh 2.

Tranh minh họa tiêm kích F-16 của Không quân Israel ném bom cơ sở hạt nhân của Iraq năm 1981.

Giờ G!

Những chiếc máy bay F-16A lặc lè taxi ra đường băng căn cứ không quân "Etzion". Lệnh khởi đầu tấn công vào đúng 15:55 giờ địa phương. Các tốp máy bay lẩn nhanh vào vùng trời thấp của Jordan và sau đó là Saudi Arabia, duy trì độ cao chỉ khoảng 300 mét. Một thùng nhiên liệu phụ được dùng trước, "cho nhẹ mình" được thả xuống sa mạc Nafud.

Các nhóm F-15 hỗ trợ trên không phận Iraq được chia ra, hai chiếc F-15A tiếp tục thực hiện hộ tống theo tuyến đến các lò phản ứng, còn lại tản ra đánh lạc hướng tên lửa phòng không của Iraq.

Nhóm tấn công (8 máy bay F-16A và 2 F-15A) hạ thấp xuống đến 30 mét, cố gắng bay dưới chiều cao phát hiện (vùng mù) radar Iraq. Để ngụy trang cho máy bay, các tốp bay trong chế độ im lặng vô tuyến hoàn toàn, khoảng cách sát gần.

IAF cho rằng trong trường hợp bị phát hiện trên màn hình radar, thì tín hiệu về chỉ giống như một chiếc máy bay dân sự lớn.

18:35 phút, đã thấy vùng oanh kích, các máy bay F-15A gây nhiễu và F-16A tăng cao lên đến 2.100 mét, chúng lập một góc 35 độ lao vào các lò phản ứng ở tốc độ 1.100 km/h. Khi đạt đến độ cao 1.100 mét máy bay ném bom theo cặp, tần suất khoảng năm giây, nối nhau vào phóng bom Mark 84.

Trang Livejournal của Nga viết: Những người ở gần đó kể lại, họ bất thần thấy những đụn khói trắng-đen bùng lên, kèm theo những tiếng nổ dữ dội, cửa rung bần bật, tiếng nổ liên tiếp làm vỡ tan các cửa kính khu nhà phụ cận.

Còn tin từ Không quân Israel, có 16 quả bom rơi trúng lõi khu phức hợp lò phản ứng, nhưng hai trong số đó đã không phát nổ. Hệ thống phòng không của Iraq đã nổ súng phản ứng chậm, trong khi máy bay Israel đã leo vọt lên độ cao 12.200 mét, lộn theo hướng ngược lại. Lúc đó các tốp hộ tống F-15 đã quần vòng trên cao khoảng 5.486 m canh chừng.

Tất cả cuộc không kích vỏn vẹn có 50 giây!

Một chiến đấu cơ F-15 và F-16 chuyển hướng khác với để đánh lạc hướng các nỗ lực đánh chặn. Còn những chiếc máy bay khác, sau hơn 1.000km bay về đã hạ cánh xuống Etzion, hoàn thành sứ mệnh kéo dài 3 giờ đồng hồ.

Phòng không Iraq phản ứng quá yếu ớt

Theo một sĩ quan cao cấp Liên Xô, là Anatoly Mokrousov (sau lên Trung tướng) phục vụ tại thời điểm đó ở Iraq, thừa nhận, đã có khoảng 1.200 sĩ quan Xô Viết phục vụ tại Iraq. Ông viết:

"18:00 ngày 07 tháng 6, tại các trạm giám sát tình báo của chúng tôi bất ngờ xuất hiện dấu hiệu tốp mục tiêu lớn. Bật nút yêu cầu trả lời "bạn hay thù" không thấy đáp ứng. Một vài phút sau, màn hình radar "trắng". Rõ ràng có nhiễu can thiệp?

Các trắc thủ đã nhìn thấy "đối tượng không xác định", sau này so sánh, đó chính là nhóm F-15, với tốc độ khủng khiếp bay lách sang bên, gần trung tâm hạt nhân.

Tiếp theo đó là sự bùng lên của loạt bom đầu tiên. Sau đó, trong vòng vài chục giây, vụ đánh bom lặp lại. Máy bay ném bom vọt lên đến độ cao 6 km, rẽ trái theo hướng ngược lại. Tổng trạm của chúng tôi phát hiện hơn 10 mục tiêu của đối phương.

Ngay lập tức phòng không khu vực phóng nhiều tên lửa đuổi theo, nhưng vô ích. Các "máy bay lạ" đều đã ra ngoài tầm với. Tên lửa S-75 và S-125 đã lỡ thời cơ, bắn đuổi không có kết quả.

Máy bay chiến đấu của Iraq không bay lên kịp để chặn những kẻ xâm lược. Mười phút sau đó là sự im lặng chết. Rất lâu sau đó, chúng tôi được biết rằng các cuộc tấn công được thực hiện từ Israel".

Phân tích mật độ khí tài phòng không các loại lúc này, người ta thấy, nếu cảnh giác cao, phòng không Iraq có thể đã phát huy cao độ năng lực bảo vệ 2 lò phản ứng, vì họ đã dựng lên vùng sát thương giả định: Nằm trong cự li (tính từ tâm) đạt 4 đến 23 km, và tầm cao bảo vệ từ 30 m đến 12 km.

Trong thực tế, nếu cần thiết, các bệ phóng cùng một lúc phóng lên diệt 5 mục tiêu, hai tên lửa cùng một lúc! Đánh các loại mục tiêu tốc độ lên đến 600 m/s (2.160 km/h), một tên lửa có thể đạt xác suất trúng mục tiêu là 0,8-0,95.

Nhưng rất tiếc, đó chỉ mới là lý thuyết đồ giải!

Kết cục, lò phản ứng hạt nhân Osirak của Iraq bị phá hoại, không thể khôi phục nổi. 10 quân nhân cùng 1 chuyên gia công nghệ thiệt mạng vì bom vùi. Đây là vụ oanh tạc đầu tiên trên thế giới nhằm vào một cơ sở hạt nhân.

Không quân Israel và 50 giây kinh hoàng, báo hiệu cái chết của TT Iraq Saddam Hussein! - Ảnh 3.

Tiêm kích F-16 Israel bay trên sa mạc.

Những chuyện bây giờ mới biết

Sau này các chuyên gia Pháp cho biết, lò phản ứng Osirak có công suất thiết kế là 70 Megawatt, lúc này chưa đến giai đoạn nạp nhiên liệu hạt nhân, nên vụ ném bom thảm hoạ phóng xạ rò rỉ đã không xảy ra!

Một chuyện trớ trêu, đúng ngày hôm đó, khi máy bay Israel bay rất thấp qua một vùng thuộc Jordan, radar của Jodan không nhìn thấy, nhưng vua Hussein của Jordan, vốn là một quân nhân, tình cờ thấy bằng mắt thường, Hussein sốt sắng rằng, đó là cuộc tấn công của Israel vào Iraq và cố gắng cảnh báo Saddam Hussein.

Tuy nhiên, không rõ lý do gì, điện cảnh báo tới Baghdad đã không phản ứng. Khi đó máy bay Israel đã vượt tiếp qua 1.100 km. Tiến đánh lò phản ứng mà không bị bắn chặn, cuộc tấn công đã thành công.

Từ năm 1981, hành động của Israel đã buộc Saddam Hussein xem xét lại các tham vọng hạt nhân của mình. Trước khi xảy ra cuộc tấn công, trong nghiên cứu hạt nhân của Iraq có sự tham gia khoảng 400 nhà khoa học, các nhu cầu chi tiêu tới 400 triệu USD.

Sau cuộc tấn công, số lượng cán bộ nghiên cứu tiếp tục được tăng lên đến 7.000 người, kinh phí được phân bổ 10 tỷ USD. Mọi công việc bắt đầu được giữ bí mật với IAEA.

Avner Cohen (Avner Cohen), tác giả của "Israel và bom" viết: Iraq bắt đầu tích cực mua công nghệ hạt nhân và thiết bị trong thế giới "chợ đen". Cơ sở hạt nhân mới của Saddam Hussein đã được ngụy trang tốt và tên lửa phòng không bảo vệ rất chặt chẽ.

Sự lụn bại của "đế chế Saddam Hussein" sau đó bị Mỹ tăng cường tìm mọi cách liên tục phá hoại, kể cả lợi dụng LHQ, tiến công quân sự.

Sau này, vào thập kỷ 90 và sau nữa, lực lượng không quân liên minh chống Iraq, do Mỹ cầm đầu, ít nhất 9 lần đánh bom tiếp tục vào lò Osirak , khiến nó bị hư hỏng nặng.

Năm 1991, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Dick Cheney trình bày với Tướng David Ivry, chỉ huy Không quân Israel vào năm 1981: "Với lòng biết ơn và đánh giá cao các công việc xuất sắc để ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iraq, khiến chiến dịch "Bão táp sa mạc" trở nên dễ dàng hơn nhiều".

Trong số các phi công được lựa chọn cho cuộc oanh kích bí mật này, toàn "phi công át chủ bài của Israel", mỗi người đã có chiến tích hạ hàng chục máy bay chiến đấu của đối phương: Như phi công Amos Yadlin, Dubi Yaffe, Spektor, Zeev Raz, Amir Nahum, Yoram Peled, Eitan Ben-Iliyahu, Menachem Einav, Miki Lev, Moshe Miller ...

Hiệu quả nhất là phi công chiến đấu Trung tá Spektor và Đại tá Amir Nahum, mỗi người từng hạ được 15 máy bay các nước thù địch.

Người trẻ nhất trong số đó là Ilan Ramon, sau trở thành phi hành gia Israel đầu tiên. Anh ta đã thiệt mạng trong một vụ phóng tàu vào vũ trụ.

Phi công Miller phục vụ không quân Israel 38 năm, sau lên thiếu tướng. Ông đã bay hơn 6.500 giờ, trong đó có 1.500 trên máy bay F-15. Có 9,5 lần chiến thắng trongđánh chặn. Ngày 27/06/1979 Miller từng lái F-15, bắn hạ 1 MiG-21 của láng giềng, trở thành phi công đầu tiên trên thế giới, bắn hạ kẻ thù trên F-15.

Qua trận tập kích này, cùng với những câu chuyện IAF tấn công trong thập kỷ 70, từng đánh sập không quân 4 nước, cho thấy IAF đúng là một lực lượng không quân đẳng cấp!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại