Chuyên gia Việt Nam: Lính tên lửa phòng không phá bẫy hiểm của phi công Mỹ, vít cổ B-52!

Đại tá Trần Danh Bảng |

Khoảng 21 giờ, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 44 là Phạm Minh Hoàng báo cáo Sở chỉ huy Trung đoàn: "Có nhiễu B-52". Đó là một nhận định nghiêm trọng.

Trận đánh "pháo đài bay" B-52 đêm 22 tháng 11 năm 1972, tại Nghệ An (trước gần 1 tháng B-52 ra đánh Hà Nội) là trận thực chiến có ý nghĩa kinh điển, khẳng định những bài học trong "Sách đỏ - Cẩm nang đánh B-52" của Quân chủng PK-KQ là thực tế sinh động, chứ không phải lý thuyết.

Sang tháng Chạp năm 1972, Chiến dịch 12 ngày đêm đánh trả cuộc tiến công đường không bằng máy bay ném bom chiến lược B-52 của Không quân Mỹ đã giành thắng lợi vẻ vang trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng.

Nhưng câu chuyện về trận thắng B-52 của hai tiểu đoàn 43 và 44, Trung đoàn Tên lửa 263 tại Nghệ An từ tháng 11 này sớm khẳng định rằng đánh B-52 trong nhiễu dày đặc, phải nắm chắc tính chất, dạng hình hình của nhiễu, từ đó làm cơ sở áp dụng thành công phương pháp bắn.

Chuyên gia Việt Nam: Lính tên lửa phòng không phá bẫy hiểm của phi công Mỹ, vít cổ B-52! - Ảnh 1.

"Bảo bối" giúp Việt Nam bắn rơi pháo đài bay B-52.

Khu 4, những ngày cam go

Năm 1972, Chính quyền Nixon ra lệnh đánh Miền Bắc Việt Nam ồ ạt, mang tính huỷ diệt. Trước hết là các trận địa radar, tên lửa, sân bay, cầu cống, chân hàng, bến cảng. Bắc miền Trung (Khu 4) là vùng chịu nhiều tổn thất.

Dải đất hẹp này có các tuyến giao thông, chân hàng quan trọng, chi viện cho chiến trường lớn. Nên Mỹ quyết huỷ diệt cả bằng bằng máy bay ném bom chiến lược B-52.

Chúng tôi được Đại đội trưởng radar 45 (Trung đoàn radar 291) Đinh Hữu Thuần kể lại, các tốp máy bay cường kích Mỹ rất coi trọng việc săn lùng, diệt rada cảnh giới, dẫn đường ở khu vực này. Đại đội 45 bị tổn thất đài dẫn đường vì tên lửa cao tốc sơ-rai của Mỹ, nên liên tục phải cơ động.

Vùng Bắc Trung Bộ bề ngang hẹp, Không quân Mỹ bay từ Lào - Thái Lan sang, hoạt động không kể ngày đêm, đánh phá rất dữ dội, sau đó rất nhanh, chúng vội vã chuồn ra biển.

Truông Bồn ( Hà Tĩnh), ngã ba Vọt, phà Bến Thuỷ, thành phố Vinh đường sá bị bom cày nát, không một ngôi nhà gạch nào ở thành phố này còn nguyên vẹn, không một cây cầu, bến vượt nào mà không bị bom đánh đi đánh lại nhiều lần.

Khí tài radar, tên lửa cơ động rất khó khăn, không chỉ vì đường sá, cầu cống hỏng, mà còn vì máy bay địch rình rập, đánh suốt ngày đêm. Nhưng hàng chục xe tải hạng nặng, chở đạn, chở bệ phóng, khí tài… vừa hành quân, vừa trinh sát tìm chọn trận địa triển khai chiến đấu.

Trong điều kiện địa hình mới lạ, đường dài, qua phà, cầu hỏng, khó đi, thời tiết thay đổi khắc nghiệt, nhưng tham số chiến đấu vẫn bảo đảm. Đó là sự nỗ lực rất cao của các chiến sĩ tên lửa với vũ khí điện tử trong môi trường nhiệt đới, cơ động dã ngoại.

"Được trên giao nhiệm vụ cơ động chiến đấu vào sâu vùng cán xoong Bắc Ttrung Bộ, thuộc chiến trường Quân khu 4 từ năm 1971, mặc dù Trung đoàn tên lửa 263 đã tiêu diệt nhiều loại máy bay của không quân Mỹ, nhưng cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn vẫn còn "món nợ" với nhân dân Nghệ An.

Vì đêm 10-4-1972, khi B-52 lần đầu liều lĩnh đánh rộng ra miền Bắc - thành phố Vinh, Trung đoàn 263 chúng tôi chưa đánh được B-52", Ðại tá Ðoàn Thế Hùng, Nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân chủng PK-KQ kể.

Chuyên gia Việt Nam: Lính tên lửa phòng không phá bẫy hiểm của phi công Mỹ, vít cổ B-52! - Ảnh 2.

Siêu pháo đài bay B-52 tan xác, rơi xuồng hồ Hữu Tiệp, Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội.

Đối tượng tác chiến mới, phải tìm cách đánh phù hợp

Ðầu tháng 11, Trung đoàn 263 tổ chức tập huấn cách đánh B-52 tại Sở chỉ huy ở xã Mỹ Sơn (huyện Ðô Lương, Nghệ An).

Cơ quan tác huấn được giao nhiệm vụ nghiên cứu phân tích các thủ đoạn chiến thuật, kỹ thuật của Không quân Mỹ trước và trong trận đánh của B-52, tổng hợp kinh nghiệm từ các trận đánh B-52 (thắng và không thắng) của chính Trung đoàn 263 để đề ra cách đánh cụ thể.

Trắc thủ phương vị Trần Bá Dương, thuộc Tiểu đoàn 44 kể: "Với hình nhiễu B-52, chúng tôi lúc này đã cơ bản "nằm lòng", bởi lẽ từ tháng 4 năm 1972 các tiểu đoàn của trung đoàn 263 đã cọ sát với B-52, phóng trúng đạn vào mục tiêu, nhưng chưa được công nhận bắn rơi tại chỗ. Ai cũng háo hức đón chờ cơ hội được diệt "bọn B" này.

Chúng tôi khi đó còn trẻ, nhưng tiếp thu nhanh, nhớ lâu, lại được chỉ huy các cấp xuống ra bài tập, trực tiếp huấn luyện, đến lúc này sự ăn ý, hiệp đồng các thành phần chiến đấu trong xe điều khiển có thể nói rất thuần thục.

Ba chúng tôi là trắc thủ cự ly Nguyễn Văn Ninh, trắc thủ góc tà Ðào Quang Cơ và tôi trắc thủ phương vị, rất chú ý từng mệnh lệnh của sĩ quan điều khiển Nguyễn Văn Hưởng.

Thậm chí khi anh Hưởng chưa nói dứt câu, chúng tôi đã hành động "coi như xong", rất chuẩn, "độ ăn ý" rất cao.

Chính vì thế, nhiều lần được huấn luyện từ "tủ giả", do cơ quan tham mưu trực tiếp "cài" tình huống, chúng tôi phân biệt rất tốt các dải nhiễu khác nhau, trong đó chú ý từ hình dạng, mật độ và sự chuyển động của dải nhiễu, khi tách nhiễu, xuất hiện tín hiệu mục tiêu trên nền nhiễu…so sánh với những gì từng cọ sát, chúng tôi rất tự tin.

Khi động tác của Sĩ quan điều khiển phát sóng giả, là các trắc thủ chúng tôi hiểu ngay, đó là động thái phân biệt các tốp F với các tốp B-52, cho dù độ cao của mục tiêu gần giống nhau.

Với kíp bắn, tôi cũng hiểu, cái khó nhất là làm sao phát hiện được dải nhiễu B-52 thật. Chỉ huy tiểu đoàn, là chỉ huy kíp bắn luôn nhắc nhở các thành phần tập trung phân tích dải nhiễu của B-52; làm sao phát hiện được đúng tín hiệu B-52 khi phát sóng. Từ đó để tiểu đoàn xác định được phương pháp bắn, cự ly bắn tối ưu".

Giờ G, phút B-52 rớt đài và tan xác

Ngày 22-11, buổi sáng chỉ có hai tốp phản lực A-6 đánh phá khu vực ngã ba Truông Bồn và ngã ba Vọt, buổi trưa có một tốp trinh sát hoạt động.

Toàn khu vực Nghệ An ngớt tiếng gào rít của máy bay Mỹ. Buổi chiều, điện của Quân chủng PK-KQ thông báo: "Ðêm nay có khả năng B-52 đánh phá Nghệ An và Hà Tĩnh". Trung đoàn 263 vào báo động cấp 1, các tiểu đoàn lệnh mở máy thu, nhìn hình sóng nhiễu trên các mặt phẳng toạ độ, nghiên cứu các thủ đoạn của địch.

Khoảng từ 20 giờ, cường độ đánh phá của máy bay tiêm kích và cường kích mạnh dần lên và kéo dài tới khoảng 21 giờ 15 phút. Để bịt mắt đối phương, không quân Mỹ dùng các loại F lùng sục đánh trận địa radar.

Nhưng các đơn vị đã cơ động bí mật, khiến "bọn F" đánh nhầm vào các trận địa giả và trận địa cũ. Nhờ cơ động tốt, đội hình radar của trung đoàn 291 và các tiểu đoàn tên lửa của trung đoàn 263 an toàn.

Ngoài tin tình báo trên không từ mạng B1, trung đoàn 263 còn có tin trinh sát từ trạm radar khu vực, nhất là trạm 45. Trạm này đặt tại trận địa Đồi Si, có cả đài sóng mét giám sát xa, có cả đài đo cao, dẫn đường sóng xăng-ti-mét, xác đinh tốt kiểu loại mục tiêu.

Từ lúc này, các tiểu đoàn của Trung đoàn 263 liên tục được thông báo tình hình trên không, với tần suất dày hơn. Trên màn viko của các đài rada nhìn vòng P-12, nhiễu tăng dần, từ mờ nhạt, sang đục màu nước gạo, choán hết toàn phương vị. Khi bật về tỷ lệ cự ly xa, màn hình cũng sáng trắng, chứng tỏ cường độ nhiễu rất mạnh, quy mô gây nhiễu rộng.

Tiêu đồ viên trên xe điều khiển, nghe trên cáp, liên tục đánh dấu các tốp, dày đặc từ hướng tây. Khoảng 21 giờ, tiểu đoàn phó 44 là Phạm Minh Hoàng báo cáo Sở chỉ huy Trung đoàn: "Có nhiễu B-52". Đó là một nhận định nghiêm trọng.

Ðại tá Ðoàn Thế Hùng, khi đó là cán bộ tác chiến Ban Tham mưu Trung đoàn 263 nhớ lại: "Qua điện thoại của 44 và 43, tôi trao đổi rất nhanh với các tiểu đoàn, nhấn mạnh phải kiểm tra tốc độ thay đổi của góc tà, tốc độ biến thiên phương vị của dải nhiễu, phân biệt kỹ dạng nhiễu".

Ngay lúc đó, các tiểu đoàn phát lệnh "phóng giả" khi mục tiêu vào gần. Từ các thao tác trên, quả nhiên các kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 43 và 44 đã nhanh chóng kết luận được đó là tốp B-52 giả. Không khí tại các sở chỉ huy cấp trung đoàn và tiểu đoàn rất căng.

Những bài học về tốp F nghi binh, bay ở độ cao B-52, phát nhiễu giả B-52, khiến các thành phần chiến đấu phải tỉnh táo phát hiện thật - giả, tránh bị chúng lừa. Đây không phải lần đầu.

Khoảng 21 giờ 30 phút, trên bảng tiêu đồ 9x9 lại xuất hiện tốp nghi B-52. Trắc thủ Trần Bá Dương nhớ lại, bằng các thao tác, xử lý kỹ thuật kết tinh từ kinh nghiệm và kết quả huấn luyện, kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 44 chọn và bám sát ngay được dải nhiễu nghi B-52 từ xa.

Lệnh trên: "Tiêu diệt tốp B, từ 22 đến 25 km". Sĩ quan điều khiển Nguyễn Văn Hưởng và trắc thủ cự ly Nguyễn Văn Ninh của chúng tôi báo cáo: "Ðã thống nhất dải nhiễu". Trắc thủ góc tà Ðào Quang Cơ và tôi liên tục báo cáo thông số biến thiên chậm của góc tà và phương vị.

Như vậy toàn kíp chúng tôi đã thống nhất rất cao, tuy không nhìn thấy mục tiêu, nhưng chúng tôi chọn dải nhiễu sáng, mịn, ít xao động, và ngầm hiểu, tiểu đoàn sẽ phóng đạn theo phương pháp bắn 3 điểm, phát sóng sau.

Nói thì nhanh, nhưng để có sự đồng nhịp, tinh đời này là cả quá trình gạn lọc, cọ sát, tranh luận, thực tế thao tác mới "ra" được sự thống nhất cao và phán đoán rõ ràng B-52 núp trong dải đó, với tốc độ trên 900km/h, chuẩn xác đến như vậy. Mục tiêu vào vùng phóng. Lệnh phóng đạn 2 quả.

2 trái đạn tên lửa S-75 (SAM-2) nối nhau rời bệ phóng nhắm vào trục hướng và trục góc phán đoán có B-52. "Nâng cao thế"... "Có mục tiêu"... "Bám sát mục tiêu", những khẩu lệnh nối tiếp nhau, sau đó là giọng đều đều báo cáo khoảng cách đạn, máy bay.

Trần Bá Dương kể tiếp, rất nhanh sau đó, sĩ quan điều khiển và 3 trắc thủ chúng tôi cùng lúc vỡ oà giọng vừa là báo cáo, vừa là thảng thốt nỗi vui mừng. "Mục tiêu bị tiêu diệt". Vì chúng tôi căn cứ vào các dấu hiệu ở thời điểm đạn nổ, ở cự ly 24km, cùng điểm sáng nhoè trên màn hình, tại cùng thời điểm rất ngắn ngủi.

Xác thực hơn, gày hôm sau hãng AP đưa tin: "... máy bay ném bom chiến lược B-52 đã bị tên lửa Bắc Việt bắn trúng ở gần Vinh. Một chiếc "Siêu pháo đài bay", có 8 động cơ phản lực giá hơn 8 triệu Mỹ kim đã bị rơi cách Nakhom - Phanom 19 km trong khi đang cố bay về căn cứ U-ta-pao cách đó 64 km...".

Sau này phía Mỹ cũng xác nhận thiệt hại này. Đây là chiếc B-52 đầu tiên mà Binh chủng Tên lửa bắn rơi, được phía Mỹ công nhận. Trận đánh thắng này có công của Tiểu đoàn 43 cùng phóng 2 trái đạn.

Trận thực chiến đánh B-52 từ đêm 22-11-1972 của Trung đoàn 263 đã đi vào lịch sử. Trận đánh đó khẳng định khả năng diệt B52 tại chỗ của Bộ đội Tên lửa phòng không Việt Nam.

Những kinh nghiệm đánh thắng B52 của hai tiểu đoàn (tiểu đoàn 43 và 44), Trung đoàn 263 từ trận chiến đấu này đã được Quân chủng nhanh chóng phổ biến đến các đơn vị.

Qua đó, đóng góp một phần quan trọng để Bộ đội Tên lửa bảo vệ Thủ Đô đánh thắng cuộc tập kích chiến lược điên cuồng bằng B-52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội từ ngày 18 đến 30-12-1972, lập nên kỳ tích "Ðiện Biên Phủ trên không - 12 ngày đêm".

Chuyên gia Việt Nam: Lính tên lửa phòng không phá bẫy hiểm của phi công Mỹ, vít cổ B-52! - Ảnh 3.

Bảo tàng Chiến thắng B-52 ở Hà Nội.

Kết

Rời Hà Nội vào sâu chiến trong chiến trường, sau chiến công đầy ý nghĩa ngày 22 tháng 11 năm 1972 đánh B-52 rơi trên vùng trời Bắc Trung Bộ, sang năm 1973, vào đêm 14-1, (sát ngày Hiệp đinh Pa-ri ký kết), Trung đoàn 263 lại bắn rơi tiếp 2 chiếc B-52, là những chiếc cuối cùng ra Miền Bắc, tại Nghệ An.

Sau đó Trung đoàn nhận nhiệm vụ vào bảo vệ vùng trời Quảng Trị giải phóng, trở thành Trung đoàn tên lửa phòng không đầu tiên và duy nhất của Quân Giải phóng miền Nam.

Trong 294 trận, trung đoàn này bắn rơi 67 máy bay Mỹ với 9 máy bay chiến lược B-52, trong đó có 22 chiếc rơi tại chỗ; bắt sống 7 giặc lái.

Những trái đạn tên lửa diễu binh trong ngày Toàn thắng tại TP. Hồ Chí Minh, là đội hình của Trung đoàn 263 đã làm nức lòng quân dân hai miền Nam Bắc.

"Phát sóng giả", "Phát sóng nhử"

Thuật ngữ quân sự "Phát sóng giả", "Phát sóng nhử", thực chất là phát sóng thật, búp sóng có góc hẹp này có tác dụng để điều khiển đạn tên lửa, khi tên lửa phóng lên hướng về mục tiêu.

"Phát sóng giả" chỉ khác là, khi đó sóng cứ phát, nhưng đạn vẫn nằm ở bệ phóng, vì không được lệnh phóng. Chỉ có sóng phát lên.

Động thái này làm cho các máy thu trên máy bay chiến thuật của Không quân và Hải quân Mỹ nhầm tưởng là đạn đã phóng, đang nhắm vào mình. Khiến cho các phi công này nháo nhào cơ động phương vị và góc để lẩn tránh.

Chính sự cơ động, chao đảo, làm cho hình nhiễu phía trước các tốp máy bay nghi binh, hộ tống B-52 này "nháo nhào" theo. Dải nhiễu đang ổn định, bỗng nhiên xao động hỗn loạn, độ cao tốp mục tiêu thay đổi nhanh.

Điều này vô tình tạo sự khác biệt cơ bản với hình nhiễu của chính B-52 vốn ổn định, vì đường bay ổn định góc, hướng, độ cao (đặc tính của máy bay ném bom chiến lược).

Với đôi mắt tinh đời, trắc thủ tên lửa Việt Nam đã không bị lừa, nhắm đúng vào tốp "B-52 thật" để đón đánh bằng cách đánh hiệu quả.

Tuy vậy, khi đã phát sóng thật, là lúc phải chấp nhận "tạo thêm luồng sóng" cho tên lửa đối phương sơ-rai có cơ hội bắn trả. Trắc thủ phải có bản lĩnh can trường và thủ pháp chiến đấu nhanh, sáng tạo, mới tránh được đòn phản kích lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại