Gia tăng ca mắc đột quỵ ở người trẻ
Theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, trong những ngày qua khi miền bắc lạnh sâu, số ca đột quỵ tới bệnh viện cấp cứu có xu hướng gia tăng. Trung bình mỗi ngày Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận 50 - 55 người bệnh bị đột quỵ. Đặc biệt, số đột quỵ ở người trẻ gia tăng, chiếm khoảng 8% số ca tới bệnh viện cấp cứu. Đây là một con số đáng báo động, cần phải được lưu tâm và phòng ngừa.
PGS.TS. Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ đột quy cao nhất, với khoảng 200.000 người bị đột quỵ mỗi năm. Đột quỵ là nguyên nhân phổ biến thứ hai gây tử vong tại Việt Nam.
Gánh nặng của đột quỵ đối với gia đình và xã hội là rất lớn. Điều này là do tỷ lệ bị khuyết tật ở những bệnh nhân sống sót sau đột quỵ thường ở mức cao.
Dù đã tích cực tuyên truyên các thông tin về đột quỵ nhưng số người bị đột quỵ đến viện điều trị sớm chỉ đạt khoảng 20%. Con số này vẫn là rất thấp so với thế giới.
Để giúp giảm thiểu gánh nặng bệnh tật do đột quỵ, PGS Tôn cho biết khi phát hiện 1 người lên cơn đột quỵ, mọi người nên làm 6 điều và tránh làm 3 việc dưới đây.
"6 nên" khi sơ cứu bệnh nhân đột quỵ
- Nên lập tức gọi xe cấp cứu: Xe cứu thương 115 sẽ đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất để thực hiện kỹ thuật cấp cứu bệnh nhân đột quỵ chuẩn nhất và nhanh nhất. Nhân viên y tế có thể hỗ trợ cứu sống bệnh nhân trên đường đến bệnh viện và có thể giúp giảm nguy cơ gặp biến chứng của đột quỵ não.
- Nên nói rõ tình trạng đột quỵ khi gọi xe cấp cứu: Theo PGS Tôn, khi gọi 115 hãy thông báo cho người điều hành rằng bạn nghi ngờ bệnh nhân bị đột quỵ não. Nhân viên cấp cứu 115 sẽ chuẩn bị phương tiện y tế phù hợp và chọn bệnh viện chuyên điều trị đột quỵ não trước khi họ vận chuyển bệnh nhân.
- Nên theo dõi triệu chứng, hỏi chuyện người bệnh: Trong khi chờ xe cứu thương đến, hãy hỏi người bệnh càng nhiều thông tin càng tốt. Hỏi về tất cả các loại thuốc mà người bệnh đang dùng, tình trạng sức khỏe, có dị ứng gì không. Mọi người cần lưu ý ghi lại tất cả các triệu chứng của bệnh nhân bao gồm: thời điểm đột quỵ, tiền sử bệnh tật của người bệnh như tăng huyết áp, bệnh tim, ngừng thở khi ngủ, tiểu đường...
- Nên khuyến khích người bệnh nằm xuống: Nếu người bệnh đang ngồi hoặc đứng, hãy khuyến khích họ nằm nghiêng với tư thế đầu cao. Tư thế này giúp tăng cường lưu lượng máu đến não. Tuy nhiên, nếu người bệnh bị ngã thì đừng cố di chuyển họ. Ngoài ra, mọi người cần nới lỏng quần áo của người bệnh để giữ cho họ thoải mái.
- Nên hồi sinh tim phổi (CPR): Trường hợp bệnh nhân bị bất tỉnh trong cơn đột quỵ não, hãy đánh giá tình trạng hô hấp của người bệnh. Nếu phát hiện bệnh nhân ngừng thở, mọi người cần phải lập tức thực hiện hồi sinh tim phổi cho họ...
- Nên bình tĩnh: Cố gắng giữ bình tĩnh trong suốt quá trình chờ xe cứu thương 115 đến.
"3 không" khi sơ cứu bệnh nhân đột quỵ
- Không được cho người bệnh uống thuốc: Tuyệt đối không cho người đột quỵ uống bất kỳ loại thuốc nào bởi đã có nhiều trường hợp gặp sự cố đáng tiếc khi người thân cho bệnh nhân đột quỵ uống thuốc.
- Không cho bệnh nhân ăn: Bệnh nhân đột quỵ não thường không tỉnh táo và có thể gặp tình trạng rối loạn nuốt. Do đó, việc cho người bệnh ăn hoặc uống có thể dẫn đến tình trạng nghẹn, gây sặc dẫn đến suy hô hấp và hệ quả là viêm phổi.
- Không cho người bệnh tự đi xe đến bệnh viện: Nếu bạn phán đoán người bệnh đang bị đột quỵ não thì tuyệt đối không để người bệnh tự đi xe đến viện mà hãy gọi 115 và chờ sự giúp đỡ.
PGS. Tôn nhấn mạnh, khi phát hiện bệnh nhân đột quỵ não, chúng ta cần đưa người bệnh vào viện ngay để điều trị sớm nhất có thể. Việc điều trị sớm giúp tăng hiệu quả điều trị cho bệnh nhân.