Việc Mỹ cho phép chiến đấu cơ Singapore tiếp cận căn cứ không quân Anderson (ở đảo Guam của Mỹ) là một dấu hiệu mới xác nhận Đảo quốc Sư tử và Mỹ tích cực đề phòng mối đe dọa từ Trung Quốc, theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 9.12.
Hồi cuối tháng 9.2019, một thỏa thuận song phương từng được ký năm 1990 (thời ông Lý Quang Diệu lãnh đạo Đảo quốc Sư Tử) cũng được gia hạn, tiếp tục cho phép quân đội Mỹ đến các căn cứ không-hải quân của Singapore. Thỏa thuận mới có hiệu lực đến năm 2035, so với thỏa thuận cũ được gia hạn hồi năm 2005 và có hiệu lực đến năm 2020.
Khi dự Đại hội đồng LHQ, Thủ tướng Lý Hiển Long của Singapore và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký thỏa thuận mới. Ông Lý nói thỏa thuận “phản ánh sự hợp tác rất tốt về vấn đề phòng vệ” giữa hai nước, còn ông Trump nói Mỹ có “một mối quan hệ đặc biệt” với ông Lý và Singapore.
Tàu chiến đấu cận duyên hải quân Mỹ thăm Singapore - Ảnh: AP
Đích xuất phát của Mỹ vào Biển Đông tranh chấp
Tờ báo Hồng Kông ngày 7.12 nêu thỏa thuận gia hạn nói trên khiến Singapore là điểm xuất phát cần thiết cho quân Mỹ đi vào Biển Đông tranh chấp, nơi mà Mỹ thường tiến hành các cuộc diễn tập và nhất là các cuộc tuần tra thực hiện quyền tự do hàng hải (FONOP).
Ngày 6.12, chỉ huy không quân Mỹ ở Thái Bình Dương, Tướng Charles Brown nói tại một hội thảo của các vị chỉ huy không quân khu vực Thái Bình Dương ở Hawaii: bất chấp Trung Quốc lập cơ sở phòng không trên các đảo nhân tạo xây trái phép trên Biển Đông, các máy bay ném bom do thám, ném bom và máy bay tự hành của không quân Mỹ đã thực hiện các cuộc tuần tra FONOP từ 15 năm qua, cùng với các máy bay tuần thám chống ngầm P-3 và P-8 của hải quân Mỹ.
Qua ngày 7.12, hai vị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ-Singapore, các ông Mark Esper và Ng Eng Hen đã ký một thỏa thuận, qua đó không quân Cộng hòa Singapore (RSAF) được đưa các chiến đấu cơ F-15SG và F-16 đến căn cứ Anderson tại đảo Guam, nơi sẽ có đơn vị quân Singapore thứ bảy ở nước ngoài, gồm 2 đơn vị ở Úc và Pháp, và 2 đơn vị ở các bang Arizona và Idaho (Mỹ).
Bộ Quốc phòng Singapore ra tuyên bố: “Không gian tập luyện rộng lớn ở Guam sẽ cho phép RSAF tiến hành thực tập, nâng cao khả năng và sẵn sàng chiến đấu”, đồng thời nói thêm rằng các phân đội này cho phép “tái triển khai nhanh các tài sản về đảo quốc” khi được lệnh, và phục vụ các yêu cầu duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu” của hệ thống phòng không Singapore.
Tuần trước, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ John C. Rood đã báo cáo với một Ủy ban Thượng viện Mỹ, rằng Washington đang tăng cường quan hệ quân sự với một số quốc gia Đông Nam Á:
“Không nước nào ở khu vực này thúc đẩy sự hiện diện của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cho bằng Singapore”, và ông cho biết mỗi năm có hơn 100 tàu chiến và từ 800 đến 1.000 máy bay Mỹ đi qua Singapore.
Các nhà quan sát quân sự nói Singapore đã nhận vai trò hậu cần cho quân Mỹ ở phía Tây Thái Bình Dương, sau khi Mỹ phải trả căn cứ hải quân Vịnh Subic và căn cứ không quân Clark cho Philippines.
Tàu chiến hải quân Mỹ - gồm các tàu sân bay và tàu ngầm- thường thăm Quân cảng Changi (Singapore), một điểm tiếp liệu cho quân đội Mỹ ở phía Tây Thái Bình Dương. Từ năm 2013, Singapore bắt đầu tiếp đón các tàu chiến đấu cận duyên (LCS) được triển khai luân phiên, sau đó đón tiếp các máy may tuần thám biển P-8 Poseidon hiện đại.
Thỏa thuận Mỹ-Singapore khiến Bắc Kinh phải “trợn mắt”...
Các chuyên gia nói thỏa thuận đưa không quân Singapore đến đảo Guam là tín hiệu mới của mối quan hệ sâu sắc giữa hai quốc gia, và đó là cách Singapore khẳng định sự trung thành với Mỹ, dù nước này đang tăng cường hợp tác quan hệ với Bắc Kinh.
Và các thỏa thuận này cho thấy tầm quan trọng của Đảo quốc Sư tử trong chiến lược châu Á của Washington. Nhà nghiên cứu Collin Koh của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng (IISS, của Singapore) nói các thỏa thuận cho thấy Mỹ xem Singapore là “một đối tác an ninh quan trọng”, trong khi hai bên không gọi nhau là “đồng minh”, cũng không gọi các cơ sở Mỹ ở đảo quốc này là “căn cứ Mỹ”.
Ông Koh là một chuyên gia quân sự - hải quân của Singapore, còn nói trong khi một số quốc gia Đông Nam Á láng giềng của Singapore lo ngại với thỏa thuận tiếp đón quân Mỹ hồi năm 1990, ông Koh nói sự sợ hãi này đã giảm, vì nhiều nước chứng kiến giá trị của sự hiện diện của quân sự Mỹ trong khu vực.
Nhà nghiên cứu Koh nhận định chính quyền Tổng thống Donald Trump tiếp tục theo đuổi chính sách “Xoay trục về châu Á” của tiền nhiệm Obama, vốn nhằm tập trung quân Mỹ về châu lục này thay vì Đại Tây Dương. Và các thỏa thuận Mỹ với Singapore cho thấy các điều sau:
Singapore thể hiện ý muốn tiếp tục duy trì một sự hiện diện quân sự Mỹ đáng tin cậy và thực hiện cam kết an ninh của Mỹ tại khu vực. Singapore muốn chứng minh nước này tiếp tục ủng hộ cam kết Mỹ bảo đảm an ninh cho khu vực, và phát đi một sự cam kết vào mối quan hệ song phương”.
Bên cạnh đó, Singapore muốn trấn an Mỹ rằng Singapore vẫn trung thành với Mỹ. Và có nhiều lý do để Singapore và Mỹ ký thỏa thuận quân sự mới: Guam là “điểm trung gian rất thuận lợi” cho các chuyến bay giữa hai nước, và các “chặng dừng” này sẽ có ích cho các lý do kỹ thuật cũng như cho các cơ hội huấn luyện.
Nhà nghiên cứu Faizal Abdul Rahman của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) dẫn việc Singapore tham gia liên quân do Mỹ dẫn đầu ở Afghanistan và liên quân quốc tế chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS): “Singapore luôn là bạn thân của Mỹ. Thỏa thuận là sự tiếp diễn của quan hệ đối tác chiến lược đó”.
Ông cũng nói việc chọn đảo Guam là có ý nghĩa, do Singapore mua và sử dụng công nghệ quân sự Mỹ. Và trong khi Singapore cần bảo đảm có sự hiện diện của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á, đảo quốc này cũng có một quan tâm lâu dài là xây dựng sức mạnh kinh tế bằng cách đầu tư vào thị trường lớn của Trung Quốc.
Đảo Guam ở phía tây Thái Bình Dương, tạo ra cơ hội để thực tập trong một môi trường biển, theo ông Brian Harding, một cựu quan chức Lầu Năm Góc (thời Tổng thống Mỹ Barack Obama) và từng phụ trách mảng quan hệ quốc phòng với Singapore.
Ông Harding hiện là phó chủ nhiệm Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS, Mỹ), cũng tin tưởng thỏa thuận mới “chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh trợn mắt”.
Chiến đấu cơ F-15 Đại bàng Singapore của không quân Singapore - Ảnh: Bộ Quốc phòng Singapore
...Dù Singapore đã trấn an Bắc Kinh
Theo SCMP, Singapore từ lâu đã duy trì quan hệ kinh tế-chiến lược với Mỹ, nhưng điều này không có nghĩa đảo quốc này “về phe” với Mỹ để chống Trung Quốc. Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu từng nói ông không phản đối việc cả Mỹ lẫn Trung Quốc lập cơ sở hậu cần tại nước ông.
Hồi tháng 10.2019, Singapore đã ký một thỏa thuận quốc phòng sửa đổi với Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Đó là Thỏa thuận hợp tác an ninh và trao đổi quốc phòng (ADESC), mà hai bên nhất trí tiến hành các cuộc đối thoại và phối hợp diễn tập giữa quân đội hai nước.
ADESC từng được Singapore và Trung Quốc ký năm 2008 nhằm tăng cường hợp tác an ninh và quốc phòng song phương. Năm 2020 sẽ có cuộc tập trận hải quân Singapore -Trung Quốc, sau khi tổ chức cuộc diễn tập tương tự năm 2015.
Khi được hỏi về việc Singapore tăng cường hợp tác với Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng Mỹ -Trung đang nóng, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore đã khẳng định Đảo quốc Sư tử "luôn muốn quan hệ hữu hảo với tất cả các nước và chúng tôi đang đối xử với Trung Quốc như vẫn làm trước đây".
Chuyên gia quân sự Koh nói vụ thỏa thuận ADESC với Trung Quốc cũng là cách Singapore muốn trấn an các lãnh đạo Trung Quốc, là Singapore không tham gia “chủ trương kiềm chế, chống Trung Quốc” của Mỹ.
Ông nói Trung Quốc (đang vướng cuộc chiến thương mại và đối đầu địa-chiến lược với Mỹ) chắc chắn sẽ cảnh giác trước tình hình mà ông bảo là “không thể tránh được”. Và trong khi Trung Quốc từ lâu cảnh giác trước mối quan hệ thân cận giữa Singapore với Mỹ, thì “luận điểm hiện có ở Trung Quốc là không có cách nào để lật ngược quan hệ an ninh và quốc phòng lâu dài giữa Mỹ và Singapore. Thay vào đó, điều Trung Quốc cố gắng thực hiện là khuyến khích Singapore tăng cam kết quốc phòng với Bắc Kinh”.
Nhà nghiên cứu cấp cao William Choong cũng của IISS nói Bắc Kinh không nhất thiết chấp nhận thỏa thuận này, nhưng ông nghĩ họ đã quen với việc Singapore đón tiếp các phương tiện quân sự Mỹ: “Trung Quốc sẽ không xem xét việc này theo hướng tích cực, nhưng tôi không nghĩ họ sẽ khiến các họng súng bốc khói. Đó là một tiến trình tự nhiên”.
Ông Choong cũng nói thỏa thuận giữa Mỹ với Singapore phản ánh một khát vọng ổn định nhân danh Singapore và Mỹ. Singapore và các nước dựa cậy vào thương mại được lợi nhờ sự hiện diện của Mỹ bảo đảm an ninh cho các tuyến vận tải hàng hóa, còn các thỏa thuận cho phép quân Mỹ tiếp cận Đông Nam Á.