Siêu mẫu Hà Anh "kể khổ" khi mang bầu Rồng con vào tháng cuối, hóa ra bầu bé trai khác biệt bé gái thế này!

An Chi |

Bà mẹ 2 con đang bước vào những tuần cuối của thai kỳ.

Mới ngày nào thông báo có tin vui mà giờ siêu mẫu Hà Anh đã bước vào giai đoạn cuối của thai kỳ. Chỉ còn 9, 10 tuần nữa là đón em bé Rồng con mà trông cô vẫn thon gọn, xinh đẹp. Sở hữu chiều cao đáng mơ ước và chăm chỉ luyện tập trước khi mang bầu là điểm cộng khiến nữ siêu mẫu lúc nào cũng rạng rỡ.

Mới đây, bà mẹ 2 con than vãn, "kể khổ" chuyện mang bầu những tháng cuối. Ai cũng biết mẹ bầu lúc này đã rất nặng nề, mệt mỏi, cơ thể ngại di chuyển và mọi thứ trong cuộc sống đều khó khăn. Các mẹ trong thời gian này đều phải thốt lên "canh từng giờ để đi đẻ" là vì vậy.

"Bầu em Seed khác chị Myla ở chỗ là thèm ngọt và đói thường xuyên. Đêm nằm ngủ mơ được ăn bánh ngọt, vừa thức giấc chưa kịp uống trà bụng đã réo (trong khi bình thường chẳng mấy khi ăn sáng).

30 tuần, bầu đã có chiều hướng u ú lên rồi đây này! Bắt đền Papa bò khô! Chỉ khổ đẻ xong lại phải lo đi xuống cân. Mà kinh nghiệm cho con bú lại đói sôi bụng chả kiêng gì nổi đẩu. Khổ quá là khổ, giờ nặng nề hơn, thở dốc nhiều hơn, tối phải dậy nhiều hơn nhưng mà thôi vẫn còn được ngủ còn hơn lúc phải chăm em bé tí ti.

Siêu mẫu Hà Anh
Siêu mẫu Hà Anh

Còn 9-10 tuần nữa ráng nghỉ ngơi, đi chơi, gặp bạn bè, làm việc gì thì làm, sau đó xắn tay lên... chiến!

Tuần này sơn phòng lại cho em Seed, lắp cũi, soạn đồ, mua đồ, thấy cũng bắt đầu có không khí rồi!", nữ siêu mẫu tâm sự.

Ai cũng khen Hà Anh trông thật rạng rỡ, gọn gàng và tươi tắn bên cạnh chồng cùng cô con gái Myla xinh đẹp. Lần mang thai em bé Seed này, Hà Anh đã cảm nhận sự khác biệt lớn so với lần bầu con gái đầu. Cô cho biết thèm ngọt và đói thường xuyên, ăn nhiều khiến cô lo lắng cho việc giảm cân sau này. Tuy nhiên, các fan chia sẻ mẹ Hà Anh cứ ăn theo chế độ, không nên quá kiêng khem, quan trọng nhất là cả mẹ và con đều khỏe mạnh.

Siêu mẫu Hà Anh
Siêu mẫu Hà Anh

Những cơn thở dốc, người mệt mỏi, nặng nề cũng khiến Hà Anh lo lắng. Tuy nhiên, cảm giác hạnh phúc khi có con giúp cô vượt qua tất cả. Quả thật, làm mẹ là điều gì đó thật kì diệu.

Mẹ bầu 3 tháng cuối phải đối mặt với những lo lắng gì?

1. Bạn rất buồn ngủ nhưng khi nằm lại không ngủ được

Sự nặng nề khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và muốn ngủ nhiều hơn. Nhưng có rất nhiều triệu chứng đang quấy nhiễu giấc ngủ của bạn như:

- Chân bị chuột rút do thai nhi chèn ép các dây thần kinh và mạch máu ở chân.

- Hội chứng chân không yên: Bạn có cảm giác khó chịu, bồn chồn ở chân và nhu cầu phải cử động.

- Ngực dưới thỉnh thoảng đau nhói do dạ con chèn ép dạ dày.

- Thai nhi cử động nhiều

- Hay mắc tiểu.

Để ngủ được ngon hơn bạn nên nằm nghiêng về bên trái, kê một chiếc gối mềm mỏng ở giữa hai chân và dưới bụng.

2. Ngực to và căng hơn

Trong 3 tháng cuối của thai kỳ ngực căng và đau hơn. Điều này có thể làm cho bạn cảm thấy khó chịu khi di chuyển. Đầu vú có thể tiết ra sữa non. Bạn cần phải vệ sinh đầu ti bằng nước ấm.

3. Đau lưng, bụng, xương chậu và hông

Đó là do tử cung chèn ép các dây thần kinh ở lưng, bụng, xương chậu và hông. Ngoài ra các hooc môn thai kỳ đang làm giãn các khớp ở giữa khung xương chậu chuẩn bị cho em bé chào đời. Các cơ và dây chằng nâng đỡ tử cung cũng căng theo làm cho bạn có cảm giác đau bụng, lưng... Bạn cần di chuyển nhẹ nhàng, tìm một tư thế ngủ thuận lợi và một không gian nghỉ ngơi thuận lợi để hạn chế những cơn đau này.

4. Ngứa và tê

Cơ thể bạn bị tăng cân, da bị giãn ra để thích nghi với sự tăng cân nhanh nên thường bị ngứa. Vùng da bị ngứa nhiều nhất là da bụng, đùi, chân. Không chỉ ngứa, da bụng, da đùi của bạn có thể bị rạn nứt. Bạn nên dùng các loại kem trị rạn nứt da và massage đều đặn vào các buổi tối. Các dây thần kinh bị chèn cũng gây nên các chứng tê chân, tay khi giữ quá lâu ở một tư thế hoặc trong khi ngủ. Chứng này sẽ tự hết sau khi sinh xong.

5. Hơi thở ngắn, bạn có cảm giác như bị hụt hơi

Do dạ con của bạn ngày càng lớn, phổi của bạn sẽ bị chèn ép, không gian giãn nở bị thu hẹp. Nếu cảm thấy mệt và hụt hơi khi leo cầu thang, đi bộ, lao động, bạn nên dừng lại nghỉ ngơi, hít thở sâu rồi mới nên tiếp tục.

6. Chứng phù nề

Máu lưu thông chậm làm cho chân, mắt cá chân, bàn chân, bàn tay và mặt bị sưng lên. Đây là dấu hiệu bình thường. Nhưng nếu có kèm theo các dấu hiệu nhức đầu, mờ mắt, chóng mặt và đau bụng – đây là dấu hiệu của chứng tăng huyết áp thai kỳ. Bạn nên đi khám bác sĩ ngay.

7. Âm đạo tiết nhiều chất dịch nhờn

Càng về cuối thai kỳ, âm đạo càng tiết ra nhiều chất nhờn. Bạn cần giữ vệ sinh vùng kín, mặc quần lót có chất liệu thoáng mát để tránh bị viêm nhiễm.

8. Bệnh trĩ

Đây là chứng giãn tĩnh mạch ở trực tràng. Chúng có thể lồi ra ngoài hậu môn và gây ngứa, đau, đôi khi chảy máu khi đi đại tiện. Bạn cần ăn những loại thức ăn có nhiều chất xơ, nhuận tràng, và vệ sinh sạch sẽ vùng hậu môn sau khi đại tiện.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại