1/5 các dự án BRI bị ảnh hưởng nghiêm trọng
Các nhà ngoại giao Trung Quốc trong những tuần gần đây đang cố gắng khôi phục lại tiến độ của các dự án phát triển hạ tầng và thương mại của chính phủ sau những tác động từ đại dịch COVID.
Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì, một trong những nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, gần đây đã đến thăm Sri Lanka, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Algeria và Serbia, mỗi quốc gia đều đang triển khai ít nhất một dự án thuộc BRI.
Trong chuyến công du nước ngoài, ông Dương thừa nhận kế hoạch BRI đang "đối mặt với thách thức lớn".
Vào tháng 6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết khoảng 1/5 các dự án thuộc sáng kiến này đã "bị ảnh hưởng nghiêm trọng" bởi đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, dịch bệnh không phải là áp lực duy nhất.
Các dự án bị đình trệ, chủ yếu là do vấn đề kinh phí, là các nhà máy ở Ai Cập, Bangladesh và Pakistan, và một dự án đường sắt ở Kenya.
Khi quay trở lại Trung Quốc, ông Dương mô tả 4 quốc gia trên là những đối tác quan trọng trong sáng kiến và chia sẻ Bắc Kinh trong tương lai rất muốn hợp tác thêm với các nước này ở các dự án khác nữa.
Dự án xây dựng cảng Hambantota, Sri Lanka là một trong những dự án gây tranh cãi nhất trong kế hoạch BRI.
Năm 2017, giới chức Colombo buộc phải chuyển giao quyền điều hành dự án này cho một công ty Trung Quốc sau khi nước này không có khả năng trả nợ. Kể từ đó, các nhà phê bình coi dự án này là biểu tượng cho "mặt tối" của cái gọi là ngoại giao "bẫy nợ" của Trung Quốc.
Dịch bệnh không phải áp lực duy nhất
Andrew Small, một thành viên cao cấp của Tổ chức tư vấn Quỹ Marshall Đức ở Mỹ, nói rằng tốc độ phát triển ấn tượng trong những năm đầu triển khai Sáng kiến vành đai và con đường không mang tính bền vững. Theo ông Small, bất chấp tham vọng của Bắc Kinh, việc khôi phục các dự án sẽ không dễ dàng.
Bắc Kinh vẫn đang nỗ lực hết sức để thúc đẩy kế hoạch đầy tham vọng của mình, gần đây nhất là với các đối tác ở Đông Nam Á. Trong chuyến thăm Bangkok gần đây, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cam kết thúc đẩy một kế hoạch cơ sở phát triển hạ tầng, công nghệ và khu thương mại khổng lồ của Thái Lan - được gọi là Hành lang Kinh tế phía Đông - cho các doanh nghiệp Trung Quốc và biến kế hoạch trở thành tâm điểm cho các dự án BRI trong khu vực.
Lee Yinghui, nghiên cứu sinh tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, cho biết Bắc Kinh cần đảm bảo nghiên cứu kĩ lưỡng những nhu cầu của nước chủ nhà khi đàm phán các thỏa thuận.
"Đặc biệt, những nhạy cảm chính trị xung quanh lĩnh vực công nghệ kỹ thuật số như mạng không dây 5G và những ảnh hưởng tiềm tàng tới an ninh quốc gia cần được chú trọng", Bà Ying hui nói.
Trên quy mô toàn cầu, việc hạn chế đi lại có thể vẫn là một thách thức đối với việc tái khởi động các dự án BRI hậu đại dịch. Mặc dù tình hình này có thể tạo cơ hội cho các công ty Trung Quốc sử dụng hiệu quả hơn nguồn nguyên liệu thô và nhân lực ở các nước sở tại.
Lê Hồng Hiệp, chuyên gia nghiên cứu về chính sách đối ngoại tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, cho biết Trung Quốc cần phải chú trọng không chỉ việc phát triển dự án về mặt số lượng mà còn cả phương thức hỗ trợ tài chính nữa.
Không sớm thì muộn, Trung Quốc sẽ phải thu nhỏ quy mô [các dự án BRI và trở nên khắt khe hơn trong việc thẩm định dự án. Trung Quốc không còn đủ nguồn lực để triển khai các dự án một cách thiếu chọn lọc nữa, ông Hiệp nói thêm.