Mỹ cấm vận công ty TQ giúp xây đảo trái phép ở biển Đông: Đòn giáng vào "Vành đai, Con đường"?

Thúy |

Mỹ hôm 26/8 áp lệnh trừng phạt nhằm vào 24 công ty Trung Quốc giúp quân đội nước này xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp trên biển Đông, theo thông cáo của Bộ Thương mại Mỹ.

Trong những tháng qua, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã trừng phạt hàng chục công ty bằng cách đưa họ vào danh sách đen, từ đó cấm họ mua một số sản phẩm nhạy cảm nhất định của Mỹ vì nỗi lo an ninh quốc gia hoặc cáo buộc khác, nhưng đây là lần đầu tiên chính quyền Trump đưa các công ty Trung Quốc vào danh sách đen vì vấn đề biển Đông.

Lệnh trừng phạt của Mỹ không làm Trung Quốc tổn hại về mặt kinh tế

Tuy nhiên, theo Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), hoạt động nạo vét của Công ty Xây dựng giao thông Trung Quốc (CCCC) - thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc - sẽ không gặp ảnh hưởng tiêu cực bởi các lệnh trừng phạt mới của Mỹ. Câu hỏi ở đây là liệu lệnh trừng phạt có thể gây thiệt hại về danh tiếng cho các công ty con của CCCC ở Úc và Mỹ, bao gồm một tập đoàn kỹ thuật hàng hải ở Texas.

Trong danh sách đen 24 công ty quốc doanh Trung Quốc có 5 công ty con của CCCC. Mỹ cho rằng hoạt động của các công ty là phục vụ mục đích "quân sự hóa" của Bắc Kinh ở biển Đông.

Danh sách đen (Entity List) của Mỹ có khoảng 300 thực thể khác của Trung Quốc bao gồm cả Công ty Công nghệ Huawei. Mỹ cấm các công ty nước mình làm ăn hoặc xuất khẩu tới các công ty trong danh sách đen trừ khi có giấy phép đặc biệt.

CCCC sau đó tuyên bố trong một báo cáo rằng 5 công ty con nằm trong danh sách đen, bao gồm cả công ty nạo vét CCCC Dredging Group, không có bất kỳ hoạt động kinh doanh nào với Mỹ và chính vì thế không bị ảnh hưởng về mặt kinh tế khi các biện pháp trừng phạt được áp dụng.

"Hoạt động kinh doanh nạo vét ở nước ngoài chiếm một phần tương đối nhỏ, và không có hoạt động nạo vét nào được thực hiện ở Mỹ. Ngoài ra, các thiết bị cốt lõi cho hoạt động nạo vét của công ty không sử dụng bất kỳ công nghệ nào do các doanh nghiệp Mỹ cung cấp hoặc nhập khẩu từ Mỹ," báo cáo cho biết.

Tuy nhiên, CCCC cho biết, họ sẽ tiến hành đánh giá sâu hơn hoạt động kinh doanh của mình để xác định thêm các tác động. Các biện pháp trừng phạt theo sau những bất đồng ngày càng gia tăng giữa hai nước ở biển Đông.

Vào năm 2016, hình ảnh vệ tinh cho thấy công ty con thuộc CCCC Dredging điều khiển sà lan khổng lồ đào cát từ đáy biển và chất lên các Đá Vành Khăn, Đá ngầm Xu bi và Đá Chữ Thập của Việt Nam.

Chính công ty của Úc và Mỹ lại chịu ảnh hưởng

Mặc dù các tác động trực tiếp tới CCCC nhưng làm thế nào để các công ty con của CCCC tại nước ngoài, bao gồm Tập đoàn kỹ thuật hàng hải Friede & Goldman (Texas) có thể giao dịch được với công ty mẹ? CCCC không trả lời bình luận về Friede & Goldman.

CCCC mua Friede & Goldman vào năm 2010 từ chủ sở hữu người Nga, United Heavy Machinery, với giá 125 triệu USD.

Theo SCMP, danh sách đen mới gồm "24 công ty" được mô tả giống như "hạn chế kinh tế" hơn là một biện pháp trừng phạt, tuy nhiên, đối với các công ty con khác như Friede & Goldman, những phức tạp có thể phát sinh.

Một công ty khác có thể phải đối mặt với ảnh hưởng tiêu cực từ việc bị Mỹ đưa vào danh sách đen là John Holland - một trong những công ty xây dựng và kỹ thuật lớn tại Úc, thuộc sở hữu của CCCC.

Mặc dù John Holland không bị liên đới trực tiếp, mối liên hệ với danh sách đen của công ty mẹ có thể làm suy yếu khả năng dành được các dự án tại địa phương, các chuyên gia cho hay. Đặc biệt, trong bối cảnh Úc ngày càng muốn giảm phụ thuộc kinh tế vào Bắc Kinh, John Holland có thể càng gặp thêm bất lợi.

John Holland, được CCCC mua lại từ Leighton Holdings vào năm 2015 với giá 1 tỷ đô Úc, đang hoạt động tại Australasia (Úc, New Zealand, một số đảo lân cận trong khu vực) và tại Đông Nam Á với các dự án như đường hầm tàu điện ngầm Melbourne Metro của chính quyền bang Victoria trị giá khoảng 8.1 tỷ USD. Tuy nhiên, công ty này cũng không tiến hành các hoạt động kinh doanh ở Mỹ.

Nicholas Turner, luật sư của Steptoe&Johnson và là chuyên gia về các biện pháp trừng phạt kinh tế và kiểm soát xuất khẩu cho biết, không phải là CCCC mà chính là John Holland hoặc Friede & Goldman sẽ bị ảnh hưởng về danh tiếng. Ông gọi lệnh trừng phạt là một "phát súng cảnh cáo cho thấy Mỹ đang chuyển sang một giai đoạn mới ở biển Đông."

Mỹ cấm vận công ty TQ giúp xây đảo trái phép ở biển Đông: Đòn giáng vào Vành đai, Con đường? - Ảnh 2.

Trụ sở của Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc (CCCC) tại một dự án đường sắt ở Malaysia. Ảnh: The New York Times

Mục tiêu khác của Washington?

Hành động trừng phạt sẽ mang lại hậu quả là căng thẳng ngoại giao giữa hai nước chứ không phải là ảnh hưởng kinh tế đối với CCCC hoặc các công ty khác như Công nghệ Điện tử Trung Quốc (CETC) - công ty con của CTEC cũng nằm trong số 24 công ty mới được đưa vào danh sách đen, theo SCMP.

Nguồn tin giấu tên của SCMP cho biết CCCC và các công ty khác nằm trong danh sách đen sẽ chỉ gặp bất lợi nếu phụ thuộc nặng nề vào hàng hóa, phần mềm hoặc công nghệ từ Mỹ.

Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, việc đưa các công ty nạo vét của CCCC và CETC vào danh sách đen có thể gây khó khăn cho các đối tác thương mại của Trung Quốc trong Sáng kiến "Vành đai và Con đường" do phải tránh các công ty Mỹ trong những dự án tiếp theo. Lý do là bởi cả CCCC và CETC đều liên quan nhiều đến sáng kiến này.

Theo công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, CCCC tham gia vào 923 dự án ở 157 quốc gia và sự tham gia của CCCC thường được đánh giá xem có phải là một phần của mạng lưới vành đai và con đường hay không.

Mặc dù mục đích công khai của lệnh trừng phạt là liên quan đến việc xây dựng "đảo nhân tạo" phi pháp ở Biển Đông, nhưng theo quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, thì động thái này còn nhằm "đánh động" vào "Vành đai và Con đường" bằng cách nhắm vào một trong những doanh nghiệp nhà nước chủ chốt của sáng kiến này.

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại