Hạm đội tàu cá Trung Quốc "quần thảo" ngoài khơi Galapagos
Ở phía nam đảo Marchena thuộc quần đảo Galapagos của Ecuador có một khu vực lặn được người dân bản địa gọi là "đấu trường cá" - với số lượng phong phú các loài sinh vật biển sinh sống.
Ngày nay, một mạng lưới không chính thức gồm các tàu du lịch và tàu cá địa phương tham gia vào chương trình bảo vệ vùng biển này, bằng cách giám sát những đối tượng có ý định gây tổn hại cho hệ sinh thái biển. Tuy nhiên đại dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm nay khiến hoạt động giám sát bị ngưng trệ, mở ra cơ hội cho những người nhòm ngó.
Hãng tin AP cho hay, vào đầu mùa hè vừa qua, hơn 300 tàu cá Trung Quốc - gồm nhiều tàu được thiết kế để đánh bắt 1.000 tấn hải sản - đã "rình rập" ở bên ngoài khu bảo tồn, sẵn sàng đánh bắt các loài sinh vật biển khi chúng di cư về phía nam đến vùng biển ngoài khơi Peru và Chile.
Theo một số ước tính, hạm đội "xa bờ" của Trung Quốc có đến 17.000 tàu dính líu vào những tranh chấp đánh bắt ở ngoài khơi bờ biển Tây Phi, Argentina, và Nhật Bản trong những năm gần đây. Hạm đội khổng lồ này đang làm dấy lên làn sóng giận dữ tương tự ở ngoài khơi Ecuador và Peru - hai nước phụ thuộc lớn vào ngành đánh bắt gần bờ.
"Đây là một cuộc tấn công vào nguồn tài nguyên của chúng tôi. Họ (tàu cá Trung Quốc) đang giết chết các loài sinh vật mà chúng tôi bảo vệ và làm ô nhiễm hệ sinh thái của chúng tôi bằng rác thải nhựa mà họ thải ra. Họ đang cưỡng hiếp quần đảo Galapagos," người đứng đầu tỉnh Santa Cruz ở Galapagos, ông Angel Yanez Vinueza, nói.
Fernando Ortiz thu gom chai lọ, giày, bao bì có chữ Trung Quốc từ bãi đá trên đảo Mosqueta, quần đảo Galapagos. Ảnh: TNS
Nhóm tàu Trung Quốc trang bị "tận răng"
Fernando Ortiz, cựu giám đốc khu vực của Tổ chức Bảo tồn Quốc tế, cho biết tình trạng đáng buồn được ghi nhận khi di chuyển ở các rìa đá quanh hòn đảo Mosqueta, với số lượng lớn chai nhựa, giày dép và bao bì thiết bị với ký tự Trung Quốc được thu gom.
"Những thứ này đến từ các con tàu [Trung Quốc]," Ortiz cho hay, nhấn mạnh những vật dụng thu được "vẫn còn mới", nhãn hiệu chưa bị Mặt trời và nước biển làm mờ.
Hồi tháng 7, hải quân Ecuador đã được báo động khi hạm đội tàu cá Trung Quốc tiếp cận khu vực 321km xung quanh khu vực bảo tồn - nơi hoạt động đánh bắt thương mại là trái phép.
Trong nhiều năm qua, các đội tàu cá đã lượn lờ quanh khu vực này với kỳ vọng thu hoạch từ thành quả của hoạt động bảo tồn, khi nguồn cá phong phú và khỏe mạnh tăng lên - theo Boris Worm, nhà nghiên cứu về ngư nghiệp tại Đại học Dalhousie, Canada.
Số lượng tàu đánh bắt bùng nổ từ hè năm ngoái. Hồi cuối tháng 8 vừa qua, một tàu tuần duyên của Cảnh sát biển Mỹ đã được đề nghị tham gia hỗ trợ hải quân Ecuador tuần tra vùng biển quần đảo Galapagos.
Thuyền trưởng Brian Anderson, sĩ quan chỉ huy trên tàu tuần duyên Bertholf của Mỹ, nói rằng những người Trung Quốc mang theo cả tàu chở dầu đến vùng biển này để tiếp tế nhiên liệu cho các tàu bè khác, ngoài ra còn có các tàu chế biến - cho phép tàu cá tập kết hải sản để tiếp tục trở lại đánh bắt.
"Nó giống như một thành phố," ông Anderson nói, lưu ý rằng hạm đội của Trung Quốc có đầy đủ phương tiện cần thiết để duy trì hoạt động trên biển trong nhiều tháng liền mà không cần về cảng.
Các tàu hải quân Ecuador di chuyển quanh một tàu cá ở Thái Bình Dương, tháng 8/2020. Ảnh: Reuters
Ông cho hay một số tàu thuyền của Trung Quốc không không dùng phương tiện điện tử để báo cáo vị trí của họ, trong đó có một chiếc tàu thông báo vị trí ở... Alaska. Tuy nhiên, khi Cảnh sát biển Mỹ không có quyền tài phán ở vùng biển khu vực, và không có hành vi trái phép trắng trợn nào được báo cáo đến hải quân Ecuador, thì phía Mỹ chỉ có thể đóng vai trò quan sát.
Về phần mình, Trung Quốc tuyên bố nước này "không nhân nhượng" với hoạt động đánh bắt phi pháp. Trong thông cáo ngày 23/7, Đại sứ quán Trung Quốc tại thủ đô Quito, Ecuador, khẳng định Bắc Kinh tôn trọng các biện pháp bảo vệ môi trường và bảo tồn tài nguyên biển của nước sở tại.
Vào năm 2017, một tàu cá Trung Quốc bị chặn lại ngoài khơi Galapagos và bị phát hiện đánh bắt 300 tấn cá - bao gồm hàng chục nghìn con cá mập bị đánh bắt trái phép.
Ông Vinueza cảnh báo sự hiện diện tiếp diễn của đội tàu Trung Quốc là một sự công kích nhằm vào khu bảo tồn cùng đời sống của cư dân bản địa, đặc biệt trong bối cảnh địa phương đang hứng chịu sự tàn phá kinh tế.
Hồi tháng 8, hàng trăm cư dân ở Santa Cruz đã xuống đường phản đối nhóm tàu cá Trung Quốc do lo ngại việc đánh bắt của họ làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, và khiến du khách có thêm lý do để không quay trở lại nơi này.
Những thách thức với Ecuador
Chuyến bay thương mại từ Guayaquil đến đảo Baltra ngày 24/9 chỉ có 9 hành khách, dù hãng Avianca Airlines đã giảm tần suất từ bay hàng ngày xuống còn 2-3 chuyến/tuần. Sự thiếu hụt du khách làm tổn hại nghiêm trọng hoạt động kinh doanh ở Galapagos, cùng với đời sống của những ngư dân và nông dân sống dựa vào du lịch.
Lượng du khách sụt giảm cũng ảnh hưởng lớn đến khu bảo tồn sinh vật biển - di sản được UNESCO công nhận, với nguồn thu lớn từ mức phí vào cửa 100 USD/du khách. Nguồn thu nhập này cung cấp kinh phí cho hoạt động bảo tồn, gìn giữ, duy trì và chấp pháp. Hơn 97% diện tích Galapagos là các công viên được bảo vệ, phần còn lại là các khu dân cư.
Thu nhập ngày 24/9 của khu bảo tồn là 1.240 USD từ hai sân bay trên các hòn đảo - chỉ bằng 4% so với thu nhập cùng ngày vào năm ngoái - theo Norman Wray, chủ tịch Hội đồng chính quyền Galapagos.
Ông Wray nhận định, để khu bảo tồn "sống sót" được và đời sống hoang dã tại đây phát triển, tương lai của ngành du lịch trên đảo và trong khu vực cần phải thay đổi.
Dù đại dịch Covid-19 và hạm đội tàu cá Trung Quốc là những mối đe dọa - ông Wray nói, những vấn đề này cũng mang tới cơ hội để các lãnh đạo khu bảo tồn cân nhắc những mô hình bền vững hơn cho Galapagos, cũng như hệ sinh thái mà du khách tới để trải nghiệm.
Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus