Số phận mơ hồ của Hiệp ước START-3 và nguy cơ bùng phát cuộc chạy đua hạt nhân mới nguy hiểm

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Nếu Hiệp ước START-3 chấm dứt, thì cuộc chạy đua vũ trang sắp tới sẽ diễn ra chủ yếu giữa Mỹ với Trung Quốc, chứ không phải với Nga.

Rút khỏi Hiệp ước START-3 nằm trong kế hoạch của Mỹ

Năm 1991, Liên Xô sụp đổ, khối Hiệp ước quân sự Warsaw tan rã, coi mình là người chiến thắng, Mỹ đã công khai tìm mọi cách rút khỏi các thoả thuận quốc tế được coi là ngăn cản tham vọng của họ vươn lên nắm vai trò lãnh đạo thế giới.

Trong lĩnh vực ổn định chiến lược, tháng 12/2001, Mỹ dưới thời Tổng thống George W. Bush đã rút khỏi Hiệp ước ABM (The Anti-Ballistic Missile Treaty) ký với Liên Xô năm 1972. Tháng 8/2019, chính quyền của Tổng thống D. Trump quyết định chấm dứt hiệu lực Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung INF (The Intermediate-Range Nuclear Forces Treaty) ký với Liên Xô năm 1987.

Washington bằng mọi cách đã cản được các nước thành viên NATO phê chuẩn Hiệp ước Vũ khí thông thường ở châu CFE (Treaty on Conventional Armed Forces in Europe) ký năm 1990 đã được điều chỉnh. Tháng 5/2019, chính quyền Trump rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở OST (The Open Skies Treaty).

Mỹ cũng tìm mọi lý do để tránh mọi cuộc đối thoại mang tính xây dựng khác về các lĩnh vực kiểm soát vũ khí.

Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới START-3 (New Strategic Arms Reduction Treaty) là Hiệp ước song phương duy nhất còn lại giữa Nga và Mỹ nhằm hạn chế sức mạnh tên lửa hạt nhân của mỗi bên. Hiệp ước được ký kết năm 2010, sẽ hết hạn vào tháng 2/2021.

Theo thoả thuận, Hiệp ước này có thể gia hạn thêm 5 năm nữa mà không cần phải có sự đồng ý của Quốc hội hai nước. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh mâu thuẫn gay gắt hiện nay giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ.

Từ khi bước vào Nhà Trắng, Tổng thống D.Trump đã theo đuổi một kế hoạch nhằm rút khỏi các thoả thuận quốc tế mà ông cho là bất lợi cho Mỹ. Tuy nhiên, trong trường hợp START-3, động cơ thực sự của chính quyền Trump đang gây nhiều tranh cãi trong giới quan sát. Hiệp ước này vẫn đang nhận được sự ủng hộ rộng rãi của chính các chuyên gia Mỹ.

Số phận mơ hồ của Hiệp ước START-3 và nguy cơ bùng phát cuộc chạy đua hạt nhân mới nguy hiểm - Ảnh 2.

Từ khi bước vào Nhà Trắng, Tổng thống D.Trump đã theo đuổi một kế hoạch nhằm rút khỏi các thoả thuận quốc tế mà ông cho là bất lợi với Mỹ. Ảnh: Reuters

Các nhà phân tích chính trị cho rằng, hiện nay trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân chiến lược giữa Nga và Mỹ có ba khả năng: gia hạn START-3, đàm phán về một thỏa thuận mới và huỷ bỏ hoàn toàn, sau đó một thời gian sẽ nối lại đàm phán để bổ sung các điều khoản mới.

Trong bối cảnh quan hệ căng thẳng hiện nay giữa Nga và Mỹ rất khó, nếu không muốn nói là không thể nhanh chóng đạt được một thỏa thuận mới. Trong khi đó, việc duy trì START-3 trong 5 năm nữa là phương án tốt nhất cho cả Moscow và Washington có thêm thời gian để nhận thức và hiểu biết về chính sách, tư duy của nhau về sự ổn định chiến lược trong tình hình mới.

Tháng 6/2020, Nga và Mỹ đã gặp nhau tại Vienna và thảo luận vấn đề kiểm soát vũ khí và khả năng gia hạn START-3. Hai bên đã thoả thuận tiếp tục tham vấn, nhưng mục tiêu làm sụp đổ hệ thống kiểm soát vũ khí hiện tại vốn đã nằm trong chính sách của Mỹ từ trước khi Trump trở thành Tổng thống rất lâu, nên rất ít hy vọng gia hạn Hiệp ước này.

Vì sao Mỹ đòi đưa Trung Quốc vào đàm phán về vũ khí hạt nhân?

Hiện nay, chính quyền Mỹ đòi Trung Quốc cũng phải tham gia đàm phán về giới hạn vũ khí hạt nhân. Theo Washington, chỉ khi đó, việc Mỹ thực hiện các cam kết cắt giảm vũ khí mới hợp lý.

Do đó, Mỹ đang tìm cách đưa ra các điều kiện mới, hoặc đàm phán về một thỏa thuận hạt nhân mới ba bên giữa Moscow, Washington và Bắc Kinh, hoặc sẽ ngừng thực hiện các nghĩa vụ của mình trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân.

Động cơ đằng sau những đòi hỏi của Washington về sự cần thiết Trung Quốc phải tham gia các thỏa thuận giữa Washington và Moscow về kiểm soát vũ khí cũng rất mơ hồ.

Một mặt, về quân sự, tháng 5/2019, phát biểu tại Viện Hudson, Tướng Robert Ashley, Giám đốc Cơ quan Tình báo Bộ Quốc phòng Mỹ DIA (The Defense Intelligence Agency), tuyên bố Mỹ lo ngại về tiềm năng hạt nhân của Trung Quốc.

Ông cho biết, trong năm 2018, Trung Quốc đã thực hiện các vụ phóng thử nghiệm và tổ chức các khoá huấn luyện tên lửa đạn đạo nhiều hơn tất cả các nước khác trên thế giới cộng lại.

Trung Quốc hiện nay có khoảng 300-320 vũ khí hạt nhân, tương đối nhỏ so với Nga và Mỹ. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn đang tích cực hiện đại hóa và phát triển các lực lượng hạt nhân chiến lược của mình. Lầu Năm góc cho rằng, Trung Quốc hoàn toàn có khả năng tăng gấp đôi vũ khí hạt nhân trong vòng 10 năm tới.

Do đó, bằng cách cáo buộc Trung Quốc tự do gia tăng kho vũ khí của mình, Mỹ muốn để Moscow cũng thấy mối đe dọa từ Trung Quốc đối với ổn định chiến lược toàn cầu nói chung, vì trên thế giới hiện nay có ba cường quốc hạt nhân là Mỹ, Nga và Trung Quốc thì việc để một nước đứng ngoài, Hiệp ước sẽ không còn ý nghĩa.

Mặt khác, một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại chính của chính quyền D. Trump là tìm mọi cách kìm hãm tốc độ phát triển của Trung Quốc, không để Trung Quốc trở thành vừa là siêu cường kinh tế, vừa là siêu cường về quân sự.

Các nhà phân tích quân sự cho rằng, Mỹ khó có thể đánh bại được Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh toàn cầu. Nhưng ông Trump lại cho rằng, Washington sẽ tìm cách lôi kéo Bắc Kinh vào một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém nhất là tên lửa hạt nhân.

Hơn nữa, ngày nay, khi trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang gây ra cuộc khủng hoảng toàn cầu, việc dùng đòn bẩy kinh tế để gây áp lực đối với Trung Quốc không còn tác dụng như trước nữa.

Trung Quốc đã bác bỏ ý tưởng này.

Đầu tháng 7/2020, Cục trưởng Cục kiểm soát vũ khí của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Fu Cong, nói, Trung Quốc sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán ba bên với Mỹ và Nga về hạn chế vũ khí chiến lược nếu Mỹ đồng ý giảm kho vũ khí hạt nhân của mình xuống mức ngang bằng với Trung Quốc.

Nhiều nhà quan sát Mỹ gọi đề nghị của Nhà Trắng đưa Trung Quốc vào đàm phán hiệp ước này vào thời điểm quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh căng thẳng chưa từng có hiện nay là phi thực tế.

Các chuyên gia quân sự cho rằng, trong tương lai an ninh toàn cầu sẽ phụ thuộc chủ yếu vào mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ. Nếu Hiệp ước START-3 chấm dứt, thì cuộc chạy đua vũ trang sắp tới sẽ diễn ra chủ yếu giữa Mỹ với Trung Quốc, chứ không phải với Nga.

Nhiều nhà phân tích chính trị cho đây là chiến thuật của ông D. Trump để tranh thủ lá phiếu của cử tri. Cũng có nhiều người chia sẻ ý kiến của Trump rằng, trước đây Mỹ đã nhận về phía mình quá nhiều cam kết và nếu được bầu lại, ông sẽ đàm phán và ký kết các thoả thuận mới với các điều kiện tốt hơn.

Một số người lạc quan vẫn hy vọng việc chính quyền của Tổng thống D. Trump hiện nay quyết định rút khỏi các thỏa thuận về kiểm soát và hạn chế vũ khí chiến lược, trong đó có Hiệp ước INF, Hiệp ước OST, chỉ là nhằm lấy con bài để mặc cả trong đàm phán các thỏa thuận sắp tới.

Hệ quả nguy hiểm nếu Hiệp ước START-3 bị khai tử

Theo Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Nga RAS (The Russian Academy of Sciences) Alexei Arbatov, việc huỷ bỏ START-3 sẽ đặt ra câu hỏi về sự tồn tại của toàn bộ các hiệp ước quốc tế liên quan đến lĩnh vực vũ khí hạt nhân, bao gồm cả Hiệp ước cấm thử nghiệm toàn diện hạt nhân CTBT (The Comprehensive Nuclear-Test-Ban Treaty) và Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Cuối năm ngoái, Mỹ cũng đã tìm cách huỷ bỏ CTBT.

Điều 6 là một trong hai điều khoản cơ bản mang tính chất nguyên tắc của CTBT liên quan đến các vấn đề giải trừ hạt nhân và là một trong hai điều khoản nền tảng của NPT.

Nếu điều này bị xoá đi, thì coi như hiệp ước không còn giá trị gì nữa, nó sẽ gây ra phản ứng dây chuyền rút khỏi Hiệp ước NPT, không ai tuân thủ các quy định của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nữa và hệ thống có nguy cơ sụp đổ nhanh chóng.

Ví dụ, ở châu Á, nếu Trung Quốc tham gia cuộc đua vũ trang chiến lược với Mỹ, các cường quốc hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia có thể sẽ phải đưa ra các quyết định riêng của mình trong lĩnh vực an ninh chiến lược.

Việc tăng cường tiềm lực vũ khí chiến lược của Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ với Ấn Độ gần đây đang xấu đi đáng kể, chắc chắn New Dehli sẽ hành động đáp trả. Điều này sẽ dẫn đến sự thay đổi trong chính sách hạt nhân của Pakistan. Như vậy, có thể sẽ diễn ra một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Nguy cơ không gia hạn Hiệp ước START-3 ngày càng tăng đang tạo ra những dấu hiệu thực sự về việc phá hủy toàn bộ chế độ ổn định chiến lược toàn cầu tồn tại đến nay. Đồng thời, nếu bắt đầu một vòng chạy đua vũ trang mới giữa Mỹ và Trung Quốc, trong bối cảnh quan hệ Trung-Mỹ hiện nay thì triển vọng để hai nước bước vào một cuộc đối thoại có ý nghĩa trong lĩnh vực quân sự-chiến lược dường như hết sức mù mịt.

Hiệp ước START-3 liệu có triển vọng gia hạn hay không?

Moscow đề nghị duy trì Hiệp ước START-3 song phương Nga-Mỹ. Trong khi chưa có bất kỳ thoả thuận nào mới, thì Hiệp ước này là văn bản mang tính pháp lý duy nhất ràng buộc giám sát lẫn nhau.

Số phận mơ hồ của Hiệp ước START-3 và nguy cơ bùng phát cuộc chạy đua hạt nhân mới nguy hiểm - Ảnh 7.

Nếu không có một cơ chế như vậy, cuộc đối thoại về vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân sẽ bị lùi lại nhiều thập kỷ. Không chỉ Nga và Mỹ, mà bất kỳ quốc gia nào muốn đàm phán về việc hạn chế hoặc cắt giảm vũ khí hạt nhân, trên thực tế sẽ phải bắt đầu lại từ đầu.

Đến nay vẫn rất khó để dự đoán số phận của Hiệp ước START-3. Mới đây, Đại diện Đặc biệt về kiểm soát vũ khí của Tổng thống Mỹ - Marshall Billingsley - đã đưa ra tuyên bố gây tranh cãi rằng, Hiệp ước START-3 sẽ sớm được gia hạn và một thỏa thuận về nguyên tắc đã đạt được với Nga.

Về vấn đề này, người đứng đầu Viện hàn lâm khoa học Nga RAS, Alexei Arbatov cho biết:

"Chính quyền Trump cuối cùng đã nhận ra rằng START-3 không tệ như người ta hiện nay vẫn thường nói so với thiệt hại mà nó gây ra. Tổng thống D. Trump đang cố gắng chứng minh với cử tri của mình trước cuộc bầu cử rằng ông đã ký kết một thỏa thuận trong lĩnh vực an ninh. Nhưng để cứu vãn thể diện, phía Mỹ đề xuất thỏa thuận gia hạn START-3, kèm theo một gói điều kiện mới."

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói, số phận của Hiệp ước START-3 đã được Washington định đoạt từ trước và ông không thấy trước mắt triển vọng gia hạn Hiệp ước Hiệp ước này giữa Nga và Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại