Các trường hợp ngộ độc thực phẩm với nguyên nhân do Listeria monocytogenes thường dễ bị bỏ qua, hoặc không nghĩ tới, do thời gian ủ bệnh thường kéo dài (có thể tới 3 tuần).
Triệu chứng khi bị ngộ độc do ăn phải thực phẩm nhiễm Listeria monocytogenes thường không đặc hiệu. Các triệu chứng hay gặp như: sốt nhẹ, nôn, ỉa chảy, đôi khi có các biểu hiện giống cúm.
Tỷ lệ bị ngộ độc vi khuẩn Listeria monocytogenes cũng không cao (khoảng 0,7 ca/100.000 người), nhưng tỷ lệ tử vong lại rất cao. Phụ nữ có thai, trẻ sơ sinh, người già và những người suy giảm miễn dịch, nếu bị ngộ độc loại vi khuẩn này sẽ dễ gặp tình trạng nguy hiểm hơn.
Vi khuẩn Listeria monocytogenes có nhiều trong tự nhiên, trong đất, phân súc vật, nước thải, bùn lầy, rau hỏng. Đặc biệt Listeria monocytogenes có nhiều trong sữa, các sản phẩm từ sữa mà không được bảo quản lạnh thích hợp.
Vi khuẩn Listeria monocytogenes có thể phát triển ở nhiệt độ 10 độ C mà một số vi khuẩn thông thường không thể phát triển.
Ảnh minh họa.
Ngoài ra Listeria monocytogenes còn thấy ở patê, thịt tươi sống hoặc thịt đông lạnh, gà vịt, rau quả tươi, tôm, cua, bắp cải trộn… Listeria monocytogenes có thể tăng trưởng trong các loại thực phẩm ướp mặn hoặc có chất ngọt và có thể tăng trưởng ngay cả khi thực phẩm được trữ lạnh.
Đặc biệt Listeria monocytogenes có nhiều trong sữa, các sản phẩm từ sữa mà không được bảo quản lạnh thích hợp.
Phụ nữ mang thai có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Listeria monocytogenes vì cơ thể có sự thay đổi về miễn dịch tại chỗ và toàn thân trong thời kỳ mang thai.
Vi khuẩn Listeria monocytogenes thường gây ra nhiễm trùng não và tủy sống dẫn đến rối loạn chức năng thần kinh hoặc nghiêm trọng hơn có thể gây tử vong. Do đó, phụ nữ có thai nhiễm bệnh có thể gặp nguy cơ bị sảy thai hoặc thai chết lưu.
Vì vậy, trong thời gian mang thai, để giảm thiểu rủi ro nhiễm khuẩn Listeria, bà bầu nên thực hiện những thói quen tốt khi chế biến thực phẩm như:
- Ăn thức ăn đã nấu chín thực phẩm có nguồn gốc động vật (các loại thịt, hải sản, thịt gia cầm và trứng) ở nhiệt độ ít nhất là 74°C (165 °F) và tránh ăn sản phẩm tươi sống (như cá hồi sống).
- Giữ nhiệt độ tủ lạnh ở mức 4°C (40°F) hoặc thấp hơn.
- Rửa sạch rau cải sống trước khi ăn.
- Cất riêng thịt còn sống chưa nấu chín tránh xa rau và các thực phẩm chế biến khác.
- Tránh uống sữa chưa khử trùng và nước ép trái cây cũng như phô mai làm từ sữa chưa được khử trùng.
- Rửa tay, dao và thớt sau khi chế biến thực phẩm chưa nấu chín.
Vì vi khuẩn Listeria có thể tăng trưởng từ từ ngay cả ở nhiệt độ trữ lạnh, vì vậy các bà bầu không nên giữ thực phẩm trong tủ lạnh hơn 3 ngày. Tất cả thức ăn còn thừa phải được đun nóng thật kỹ (ít nhất 74 độ C) trước khi ăn.
(Tham khảo tài liệu của giáo sư Trần Đáng, nguyên cục trưởng Cục an toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế).