Say nắng, say nóng có nguy hiểm?

BS. Nguyễn Thu Hà |

Khí hậu nắng nóng gay gắt trong những ngày hè là điều kiện thuận lợi khởi phát say nắng, say nóng.

Trong nhiều trường hợp, nếu không được xử trí kịp thời, đúng phương pháp thì nạn nhân có thể gặp phải những di chứng thần kinh không hồi phục, thậm chí tử vong.

Vì sao bị say nắng, say nóng?

Say nắng: Những người làm việc, lao động hoặc đi quá lâu ngoài trời nắng mà không có đồ bảo vệ như nón, mũ, quần áo dài chống nắng sẽ làm tăng lượng tia UV chiếu thẳng vào vùng cổ gáy.

Dưới tác dụng liên tục của tia tử ngoại, trung tâm điều hòa thân nhiệt cơ thể sẽ bị chấn động gây hiện tượng rối loạn và tình trạng mất nước cấp.

Do đó, say nắng thường có biểu hiện bệnh nặng ngay từ đầu, một số trường hợp có tụ máu dưới màng cứng, trong não và một số thể hiện rõ tổn thương có thể hoặc không thể hồi phục.

Say nóng: Thường gặp ở những người làm việc trong môi trường nhiệt độ cao, nóng bức như hầm lò, trong phòng kín...

Ngoài ra cũng có thể gặp ở người phơi mình quá lâu dưới ánh nắng hay hoạt động thể lực quá sức ở người trẻ như làm việc nặng nhọc kéo dài, chơi các môn thể thao cường độ cao...

Với các trường hợp này, hiện tượng lượng nhiệt sinh ra và lượng nhiệt hấp thu lớn hơn nhiều so với lượng nhiệt cơ thể tỏa ra môi trường xung quanh gây ra say nóng với tình trạng mất nước toàn thể kèm theo rối loạn điều hòa thân nhiệt, rối loạn vận mạch.

Say nóng có thể xuất hiện ở ngoài trời, trong hầm lò, trong nhà, trong buồng bệnh, trong toa xe, trên ô tô…

Bên cạnh đó, có nhiều yếu tố nguy cơ dễ dẫn đến say nắng, say nóng khác như thừa hoặc thiếu cân, tuổi quá cao hoặc quá nhỏ, không uống nước, môi trường nóng, mắc các bệnh như đái tháo đường, bệnh tim – phổi – thận, bệnh tâm thần… hay sử dụng các loại thuốc kháng histamin, thuốc giảm cân, thuốc lợi tiểu, thuốc tim mạch, thuốc huyết áp, thuốc chống động kinh…

Say nắng, say nóng có nguy hiểm? - Ảnh 1.

Lao động ngoài trời nắng nóng nhiều giờ dễ bị say nắng.

Nguy hiểm thế nào?

Khị bị say nắng, say nóng, người bệnh thường có các biểu hiện:

Ngất xỉu: Đây là biểu hiện thường xuất hiện đầu tiên.

Tăng thân nhiệt: Đây là đặc điểm chung của cả say nắng và say nóng, là nguyên nhân dẫn đến tăng quá trình đào thải mồ hôi làm cơ thể mất một lượng nước lớn, hiện tượng này nếu không được bù kịp thời sẽ dẫn tới hậu quả giảm khối lượng tuần hoàn gây trụy tim mạch, rối loạn chất điện giải nặng có thể gây tử vong.

Một yếu tố nguy cơ nữa khi nhiệt độ cơ thể tăng cao sẽ gây rối loạn hoạt động chức năng của rất nhiều cơ quan như tim mạch, hô hấp, thần kinh...

Những biểu hiện khác: Nạn nhân bị say nắng thường có da nóng và khô, mệt lả, đau đầu, khó chịu, đỏ mặt, nôn mửa, tiêu chảy, giảm khả năng đánh giá, cử chỉ kỳ cục, ảo giác, thay đổi ý thức, lẫn lộn, mất định hướng và hôn mê, co giật.

Tuy nhiên, các biểu hiện của say nắng, say nóng có thể tùy theo mức độ tăng thân nhiệt và thời gian.

Nạn nhân có thể xuất hiện những biểu hiện nhẹ ban đầu là tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp trống ngực rồi đến trạng thái mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu, tay chân rã rời, kích thích nhẹ, khó thở tăng dần, chuột rút... và cuối cùng là ngất, hôn mê, trụy tim mạch, tử vong.

Thực hiện sơ cứu cho nạn nhân say nắng, say nóng

Trước một trường hợp say nắng, say nóng cần nhanh chóng tiến hành những biện pháp sơ cứu ngay lập tức khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế hay phương tiện y tế:

Đưa người bệnh vào nơi râm mát: Cần chuyển ngay nạn nhân vào chỗ mát, thoáng gió hoặc tới môi trường có điều hòa nhiệt độ và cởi bỏ bất cứ quần áo nào không cần thiết.

Làm mát cơ thể tức thì: Bằng cách sử dụng quạt và làm ướt da bệnh nhân bằng khăn ướt hoặc vòi nước.

Áp túi nước đá vào nách, bẹn, cổ và lưng nạn nhân để làm hạ thân nhiệt nhanh chóng do các khu vực này có nhiều mạch máu gần da. Ngoài ra, có thể nhúng nạn nhân vào vòi hoa sen hoặc bồn tắm có nước mát, bồn tắm nước đá.

Liên tục theo dõi tình trạng nạn nhân: Bao gồm theo dõi liên tục ý thức, tình trạng mất nước nặng nếu cần phải hỗ trợ đường thở, hô hấp, tuần hoàn bằng kỹ thuật CRP (hồi sinh tim phổi) cơ bản.

Nếu nạn nhân hôn mê không uống được nước hoặc nôn liên tục, sốt tăng liên tục, kèm các triệu chứng đau bụng, đau ngực, khó thở thì phải nhanh chóng chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Trong quá trình vận chuyển vẫn thường xuyên chườm mát cho nạn nhân.

Tại cơ sở y tế, nạn nhân sẽ được truyền bù nước và điện giải cũng như các biện pháp hỗ trợ khác.

Trong trường hợp nạn nhân sốt cao có thể dùng paracetamol để hỗ trợ hạ sốt. Nếu có co giật phải dùng các thuốc chống co giật cho bệnh nhân. Trường hợp nạn nhân hôn mê có thể phải đặt ống nội khí quản thở máy.

Say nắng, say nóng có nguy hiểm? - Ảnh 2.

Các biện pháp cần thực hiện để sơ cứu người say nắng, say nóng

Say nắng, say nóng có gây biến chứng không?

Tùy thuộc vào mức độ say nắng, say nóng mà nạn nhân có thể xuất hiện các biến chứng khác nhau.

Theo đó, các biến chứng có thể gặp trên hệ tim mạch là nhịp nhanh xoang, tụt huyết áp, thay đổi ST – T, tăng men tim, thủng cơ tim; ở phổi có thể gặp phù phổi, sặc phổi, kiềm hô hấp và hội chứng suy hô hấp cấp (ARDS); ở thận là tiêu cơ vân, suy thận cấp, hoại tử ống thận cấp; rối loạn đông máu, hạ hoặc tăng kali máu, hạ đường huyết...; tổn thương hệ thần kinh gây liệt nửa người, hôn mê, thay đổi tính cách, thất điều, thất ngôn, mất trí nhớ; tại gan gây vàng da, hoại tử tế bào gan, suy gan.

Đối với nạn nhân bị say nắng, say nóng nếu được điều trị sớm, bù dịch đầy đủ, điều trị tích cực biến chứng thì tỉ lệ sống đạt trên 90%.

Tuy nhiên, có những biến chứng thần kinh có thể không hồi phục vĩnh viễn gây ảnh hưởng đến chất lượng sống sau này.

Phòng bệnh có khó?

Để phòng bệnh, khi lao động, làm việc hay đi lại ngoài trời nắng nóng trong thời gian dài, mỗi người cần tự trang bị cho mình những cách phòng chống bệnh bao gồm:

Không làm việc quá lâu ngoài trời nắng hoặc trong môi trường nóng bức cũng như các hoạt động thể lực quá sức.

Trang bị đầy đủ thiết bị chống nắng khi làm việc như mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng màu, đội mũ rộng vành.

Uống nước dù chưa khát để tránh mất nước, nên uống nhiều nước trái cây, nước rau, nước uống bổ sung điện giải như oresol khi hoạt động trong thời gian nhiệt độ và độ ẩm cao.

Làm thoáng mát môi trường làm việc, đặc biệt là các công xưởng, hầm lò. Đặc biệt, cần tránh làm việc, hoạt động trong thời điểm nắng gắt, nhất là buổi trưa.

Sử dụng kem chống nắng có chỉ số chống nắng SPF trên 30.

Tại nhà, đóng cửa rèm, che chắn cửa…trong thời gian nóng nhất trong ngày. Nghỉ ngơi nơi có điều hòa, nhiều cây xanh hoặc nơi râm mát.

Tránh các chất lỏng có chứa cafein hoặc chất có cồn.

Nên định kỳ sau khoảng 45 phút hay 1 tiếng làm việc thì nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát từ 15 - 20 phút.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại