Thảm họa Chernobyl xảy ra ngày 26/04/1986 khi một trong những lò phản ứng của Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl (Ukraine) bị nóng chảy, là nguyên nhân của một vụ nổ khủng khiếp đến mức thổi bay cả phần nóc nặng nghìn tấn của lò phản ứng số 4, gây nên thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử loài người.
Vụ nổ đã phát tán vô số bụi phóng xạ vào môi trường sống ở nhiều vùng phía tây Liên Xô, Đông và Tây Âu, Scandinavia, Anh và phía đông nước Mỹ. Ukraine, Nga, Belarus là những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề. Thảm họa khiến 31 người thiệt mạng ngay lập tức và 400.000 người phải sơ tán.
Lượng bức xạ từ vụ nổ lớn hơn gấp 400 lần so với quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản trong Thế chiến II.
Các máy bay trực thăng được sử dụng để bao bọc lò phản ứng bằng thuốc khử phóng xạ, cát và chì. Sau đó, một cỗ quan tài bằng bê tông bịt kín lò phản ứng đã được dựng lên.
Tuy nhiên, trong quá trình xử lý thảm họa, có không ít vụ tai nạn nghiệm trọng xảy ra, tiếp tục cướp đi thêm nhiều phương tiện hiện đại và sinh mạng con người.
Điển hình là vụ việc xảy ra hôm 02/10/1986 khi cánh quạt của một chiếc trực thăng Mi-8 va quệt vào dây cáp của một cần cẩu, khiến toàn bộ phi hành đoàn gồm 1 phi công và 3 người khác thiệt mạng. Nguyên nhân chính thức, theo báo cáo điều tra, là do phi công bị lóa mắt vì ánh nắng nên không nhận thấy nguy hiểm.
Đoạn phim về khoảnh khắc bi thảm ấy được ghi lại bởi nhà làm phim Vladimir Shevchenko, người sau này cũng bị thiệt mạng do nhiễm phóng xạ.
Trực thăng Mi-8 gặp nạn ở Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl