Sau Nghị quyết 30, có còn cảnh bệnh nhân xếp hàng đến đêm chờ điều trị?

Thiên Bình/VOV.VN |

Hình ảnh người nhà, người bệnh “vạ vật” chờ đợi trong khuôn viên bệnh viện, trong hành lang, bên ngoài phòng bệnh... có thể thấy ở bất cứ bệnh viện nào. Trên gương mặt họ là sự lo lắng, mệt mỏi và ngóng đợi thông tin từ bác sĩ. Họ còn thêm phần lo lắng trước thông tin bệnh viện thiếu trang thiết bị, vật tư y tế… khiến những ngày chờ đợi tiếp tục kéo dài.

Tại Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều), chị T (Cao Bằng) đang điều trị xạ trị cho biết, tình trạng bệnh viện thiếu vật tư y tế đã ảnh hưởng trực tiếp tới người bệnh khi thiếu từ cái kim đến dây truyền.

Từ trước Tết, chị T thực hiện 8 đợt trị xạ, trong đó 3 đợt chị phải đi mua hoá chất vì không bao gồm trong bảo hiểm. Chị cũng cho biết, điều trị theo bảo hiểm có 2 máy trị xạ, nhưng 1 máy đã hỏng nên bệnh nhân không có điều kiện điều trị dịch vụ thì phải chờ đợi, có khi đến một tháng mới đi trị xạ.

Sau Nghị quyết 30, có còn cảnh bệnh nhân xếp hàng đến đêm chờ điều trị? - Ảnh 1.

Chị T (Cao Bằng) phải chờ đến 1h sáng mới có máy để xạ trị

“Tôi có 8 đợt truyền, gồm 7 đợt truyền ở đây và 1 đợt truyền ở Bắc Ninh. Trong đó, 5 đợt truyền ở đây tôi phải đi mua kim và dây truyền. Thông thường khi hoá chất xong, tôi được vào xạ trị luôn nhưng do tình trạng thiếu máy mà bệnh nhân thì quá tải nên phải chờ đợi. Khi được gọi đi trị xạ thì phải xếp hàng đến đêm mới đến lượt”, chị T chia sẻ.

Bày tỏ mong mỏi của mình, chị T nói: “Tôi mong rằng các Bộ ngành quan tâm, đầu tư máy xạ cho bệnh nhân K. Với lượng người bệnh quá tải, tôi phải chờ từ 9h tối đến 1h đêm mới được trị xạ. Đã bệnh nhân rồi, nhưng tôi cứ phải thức thâu đêm, vật vờ chờ đợi”.

Bà N.T.N (Nam Định) đang điều trị tại Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều) cũng nhiều lần chứng kiến máy trị xạ cho bệnh nhân bảo hiểm bị hỏng hay gặp trục trặc. Bà N khẳng định, các bác sĩ trẻ khám và điều trị cho người bệnh rất tận tâm. Nhưng vấn đề máy móc và vật tư y tế người bệnh phải chịu ảnh hưởng hoàn toàn.

Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (BV Việt Đức), bà V.T.T (Yên Bái) đưa con trai xuống khám từ hôm thứ Hai (ngày 27/2) do bị ngã gãy xương đùi, nhưng bác sĩ hẹn lịch khám vào thứ Tư tuần này. Do khó khăn trong đi lại, di chuyển nên con trai bà T chỉ nằm yên trên cáng. Theo lịch hẹn của bác sĩ, hai mẹ con bà đành người nằm cáng, người nằm ghế ngoài khu vực chờ của bệnh viện những ngày qua.

“Con trai tôi cứ nằm cáng ở khu khu vực chờ. Chúng tôi quê ở xa nên rất sốt ruột mong muốn con được mổ sớm, cảnh ban ngày trực chờ trông con, tối nằm tạm ghế ngủ rất khổ”, bà T xót xa chia sẻ.

Sau Nghị quyết 30, có còn cảnh bệnh nhân xếp hàng đến đêm chờ điều trị? - Ảnh 2.

Bà T (Yên Bái) và con trai, người nằm cáng, người nằm ghế ngoài khu vực chờ của bệnh viện những ngày qua

Bị tai nạn phải chuyển tuyến lên BV Việt Đức để mổ cấp cứu, anh P.T.H (Thanh Hóa) vừa làm xong thủ tục ra viện, thở phào cho biết: “Tôi chuyển lên diện mổ cấp cứu gãy xương nên được mổ ngay; còn những trường hợp không khẩn cấp tôi thấy nhiều người bị hoãn vì bệnh viện hết vật tư, thuốc men; theo tôi biết tình trạng thiếu vật tư đã xảy ra một thời gian khá dài. Cứ tình trạng này kéo dài thì bệnh nhân chúng tôi sẽ vất vả”.

Trung bình một ngày tại một khoa phẫu thuật chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Việt Đức) sẽ phẫu thuật cho 40-45 trường hợp, nhưng ngày 1/3, chỉ còn đủ vật tư, hóa chất để mổ 20 ca. Theo phân tích của các bác sĩ, hiện có 3 nhóm bệnh nhân. Với nhóm 1, các bác sĩ phải mổ cấp cứu và ưu tiên hàng đầu. Ở nhóm thứ 2, tùy từng trường hợp các bác sĩ sẽ cân nhắc vì bệnh nhân nặng sẽ phải làm xét nghiệm sau mổ rất nhiều lần, vật tư tiêu tốn bằng 3-4 bệnh nhân nhẹ. Tuy nhiên, hiện các hóa chất để làm các xét nghiệm sau mổ cũng rất hạn chế nên những trường hợp này cũng phải chậm lại.

Nhóm thứ 3 là bệnh nhân có thể trì hoãn được thuộc nhóm gây tê tủy sống, các bác sĩ có thể sử dụng thuốc khác hoặc dùng gây tê thân thần kinh để tiến hành mổ, nhưng con số này cũng rất hạn chế.

“Chủ yếu hầu hết những trường hợp này đã được làm xét nghiệm máu, chờ trước cả tháng thì chúng tôi mổ nốt, còn nhóm mới rất hạn chế”, một bác sĩ cho biết.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cho biết, ngày 2/3, Bộ Y tế cũng đã trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 98 về quản lý trang thiết bị và kéo dài hiệu lực Nghị quyết số 144/NQ-CP về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT.

Sau Nghị quyết 30, có còn cảnh bệnh nhân xếp hàng đến đêm chờ điều trị? - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận thông tin tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023

Đến ngày 4/3/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 30 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế, sửa đổi khoản 4 Nghị quyết số 144 ban hành năm 2022 của Chính phủ.

Theo đó, Chính phủ sẽ cho phép tiếp tục thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) đối với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất theo kết quả lựa chọn nhà thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Đấu thầu.

Lãnh đạo các bệnh viện cho rằng, Nghị quyết 30 đã cơ bản tháo gỡ vướng mắc về thiếu trang thiết bị, vật tư tại các cơ sở khám chữa bệnh. Liên quan đến máy tặng, cho - trước đây không có cơ chế để sử dụng; những máy hết hạn liên doanh, liên kết, sẽ tiếp tục được sử dụng, mặc dù chưa hoàn thành thủ tục xác lập sở hữu toàn dân nhưng BHYT vẫn thanh toán.

Với việc xác định giá để thực hiện kế hoạch mua sắm, Nghị quyết mới cho phép, bệnh viện chỉ cần đưa lên trang thông tin điện tử của đơn vị, nếu như có 1-2 nhà thầu thì vẫn có thể xác định giá mua. Trường hợp có nhiều loại thuốc hay vật tư khác nhau sẽ giao Hội đồng Khoa học xác định chất lượng phù hợp, chứ không phải chọn những loại có giá thấp./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại