Vũ khí, trạm gác rút hết khỏi DMZ, Hàn – Triều – Mỹ sắp có ngày hòa hợp?

Minh Thu |

Hôm 22/10, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho hay Hàn Quốc, Triều Tiên và Bộ Chỉ huy Liên Hợp Quốc đã đồng thuận rút hết vũ khí và dỡ bỏ đồn kiểm soát ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm trong khu phi quân sự (DMZ) ngay trong tuần này.

Theo Reuters, hành động này được cho là bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy tiến trình cải thiện quan hệ trên bán đảo Triều Tiên.

Trước đó, ba bên đã tổ chức cuộc gặp thứ 2 ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm để thảo luận cách giải giáp vũ khí ở khu vực biên giới theo thỏa thuận giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Bình Nhưỡng hồi tháng trước.

Bộ Chỉ huy Liên Hợp Quốc (UNC) do quân đội Mỹ dẫn đầu, chịu trách nhiệm quản lý DMZ kể từ khi cuộc chiến liên Triều kết thúc vào năm 1953. Hiện UNC chưa đưa ra lời bình luận về thông tin được Bộ Quốc phòng Hàn Quốc công bố. Song trước đó vào ngày 19/10, UNC khẳng định ủng hộ những nỗ lực của Hàn Quốc và Triều Tiên trong việc thực hiện thỏa thuận quân sự.

Thông tin được Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tiết lộ giữa lúc Mỹ quan ngại sáng kiến quân sự của Hàn – Triều có thể ảnh hưởng tới khả năng sẵn sàng chiến đấu của binh sĩ cũng như không tạo ra biến chuyển nào trong việc yêu cầu Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, các quốc gia láng giềng đang vô cùng trông ngóng việc 11 đồn kiểm soát trong vòng bán kính 1 km từ đường phân giới quân sự (MDA) sẽ được dỡ bỏ trước thời điểm cuối năm nay.

Ngoài ra, Hàn Quốc và triều Tiên cũng sẽ rút toàn bộ vũ khí khỏi khu vực an ninh chung (JSA) và giảm số binh lính canh gác xuống 35 người cũng như chia sẻ thông tin từ các thiết bị giám sát.

Hàn Quốc và Triều Tiên còn xác nhận đã hoàn thành việc rà phá bom mìn xung quanh làng đình chiến Bàn Môn Điếm và dừng mọi hành động khiêu khích cũng như hủy bỏ vùng cấm bay tại biên giới.

Trên lý thuyết, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh do cuộc chiến từ năm 1950 – 1953 kết thúc bằng thỏa thuận đình chiến thay vì hiệp ước hòa bình. Tuy nhiên, quan hệ Hàn – Triều đã có những thay đổi tích cực từ năm ngoái.

Sau hội nghị thượng đỉnh thứ 3 ở Bình Nhưỡng, Tổng thống Moon cho hay nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đồng ý để các chuyên gia quốc tế tới theo dõi quá trình phá hủy khu thử nghiệm tên lửa và đóng cửa cơ sở hạt nhân Yongbyon nếu Washington có hành động thiện chí.

Theo ông Moon, những hành động thiện chí bao gồm việc Mỹ mở văn phòng đại diện ở Triều Tiên, cứu trợ nhân đạo và trao đổi chuyên gia kinh tế.

Song Washington khẳng định, Bình Nhưỡng cần phải hủy bỏ toàn bộ kho vũ khí hạt nhân trước, sau đó Mỹ mới hành động.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại