Sau 50 tuổi, dù nam hay nữ “lười” làm 4 việc này thì xin chúc mừng, có khả năng sống thọ, thể lực sung mãn

Đinh Anh |

Một vài việc “lười biếng” lại vô tình giúp ích cho sức khoẻ, giảm nguy cơ tử vong.

Trường thọ là điều mà từ lâu mọi người đều theo đuổi. Tuy nhiên, sinh, lão, bệnh, tử là điều mà chẳng ai có thể tránh được. Vì vậy, chúng ta chỉ còn cách duy trì những thói quen tốt và loại bỏ những thói quen xấu trong cuộc sống hàng ngày để cơ thể khỏe mạnh hơn.

Đặc biệt sau tuổi 50, hầu hết mọi người sẽ dần bộc phát những căn bệnh tiềm ẩn khác nhau trong cơ thể. Giai đoạn này còn được gọi là "tuổi nguy hiểm". Nếu không chú ý sức khỏe, bạn có thể bị suy kiệt bất kỳ lúc nào và rất khó để hồi phục. 

Tập thể dục, ăn uống điều độ,… là những thói quen tốt. Tuy nhiên, cũng có một vài việc "lười biếng" lại vô tình giúp chúng ta kéo dài tuổi thọ đến hàng chục năm.

1. ‘Lười’ thức khuya

Những người sống thọ rất ít khi thức khuya. Họ luôn quý trọng giấc ngủ và tuân thủ một lịch trình sinh hoạt lành mạnh, trong đó có việc đi ngủ sớm mỗi ngày.

Các nhà nghiên cứu từ ĐH Northwestern của Hoa Kỳ và Đại học Surrey của Vương quốc Anh đã tiến hành một nghiên cứu quy mô lớn với sự tham gia của 430.000 người. Họ phát hiện ra rằng những người thức khuya có nguy cơ mắc hàng loạt bệnh như tiểu đường, rối loạn chức năng tiêu hóa, các bệnh về hệ thần kinh cao hơn so với những người đi ngủ sớm.

Bên cạnh đó, trong thời gian theo dõi 6,5 năm, những người ngủ muộn có nguy cơ tử vong sớm cao hơn 10% so với những người ngủ sớm.

Vậy nên việc thức khuya đến 2-3 giờ sáng trong thời gian liên tục chính là thói quen xấu khiến bạn đánh mất sức khoẻ và tuổi thọ của chính mình. Nếu cơ thể có một số biểu hiện báo động như chóng mặt, tim đập nhanh, tức ngực, bồn chồn và những cảm giác khó chịu chính là lúc bạn cần chấm dứt việc thức khuya. Hãy đảm bảo rằng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nên ngủ ít nhất 12 giờ, trẻ em và thanh thiếu niên nên ngủ từ 8-10 giờ và người lớn nên ngủ ít nhất 7 giờ mỗi ngày.

2. ‘Lười’ ăn mặn

Chế độ ăn nhiều muối không chỉ liên quan đến huyết áp cao mà còn gây bệnh tim mạch. Điều này đã được các nhà nghiên cứu tại Trường Y tế Công cộng Harvard tiến hành nghiên cứu và chứng minh. Không chỉ dừng lại ở việc có thể gây bệnh, ăn mặn còn gia tăng nguy cơ tử vong cao.

Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí European Heart Journal, các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ 501.379 người tham gia trên cơ sở dữ liệu Biobank của Vương quốc Anh.

Trong thời gian theo dõi trung bình là 9 năm, các nhà nghiên cứu phát hiện ra tần suất thêm muối vào thức ăn tăng lên có liên quan đến việc tăng nguy cơ tử vong sớm do mọi nguyên nhân.

Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy ở tuổi 50, so với người ăn ít muối, nam giới ăn mặn giảm 1,5 năm tuổi thọ, nữ giới giảm 2,28 năm và tăng nguy cơ tử vong sớm.

Nói một cách đơn giản, chế độ ăn càng mặn thì nguy cơ tử vong sớm do mọi nguyên nhân càng cao và tuổi thọ càng ngắn.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị người trưởng thành không nên tiêu thụ quá 5g muối mỗi ngày để đảm bảo cơ thể được khoẻ mạnh.

3. ‘Lười’ ngồi lâu, vận động

Trong cuộc sống bận rộn, nhiều người hầu như không có thời gian tập thể dục. Nhưng nếu ngồi lâu và lười vận động trong thời gian dài, sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Một nghiên cứu đã được công bố trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ cho thấy, so với người ngồi không quá 4 giờ một ngày, những người ngồi hơn 11 giờ mỗi ngày có nguy cơ tử vong cao hơn 40% trong ba năm tiếp theo. Ngoài ra ngồi lâu còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường. 

Theo nghiên cứu này, ngồi lâu còn tác động tiêu cực đến não bộ của người trung niên và người già. Ở những người ít vận động, vùng não cần thiết cho trí nhớ trở nên mỏng hơn. Đây là dấu hiệu báo trước sự suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ ở người trung niên và cao tuổi.

Vậy nên dù bận đến đâu, sau một giờ ngồi hãy cố gắng đứng dậy đi lại, dù chỉ lấy một cốc nước. Mỗi tuần nên tập thể dục ít nhất 3 lần, mỗi lần 20 phút.

4. ‘Lười’ nóng vội

Sống chậm lại một chút không có nghĩa là bạn đang thụt lùi so với xã hội. Trong cuộc sống này, đôi khi chậm chạp một chút lại mang lại hiệu quả cao.

Theo đó, bạn có thể thực hiện cách sống chậm này bằng những thói quen trong cuộc sống như khi ăn nên nhai chậm, nhai kỹ để giúp tiêu hóa thức ăn dễ dàng hơn, giảm tải cho hệ tiêu hoá. Khi tập thể dục thì đừng chọn những bài tập cường độ cao hay tập gắng sức mà hãy chọn những bài tập nhẹ nhàng phù hợp với thể trạng sức khoẻ. Sự từ tốn này sẽ giúp mọi người sống khỏe mạnh và trẻ lâu hơn.

(Tổng hợp) 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại