GS.TS Lê Trung Hải, Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam cho biết: “Việt Nam hiện có tỉ lệ cao viêm gan virus, nhất là viêm gan B . Xơ gan chiếm gần 25% với nguyên nhân nhiều nhất do sử dụng rượu bia và viêm gan virus. Vấn đề đáng lo ngại là ung thư biểu mô tế bào gan (HCC) chiếm tỉ lệ cao và có số tử vong cao nhất (khoảng 25.000 trường hợp/ 1 năm). Các bệnh lí trên đang là những thách thức lớn đối với Việt Nam”.
Bệnh nhân mắc viêm gan B được điều trị tại BV
Viêm gan B do virus HBV (Hepatitis B Virus) gây ra. Sau khi lây nhiễm vào cơ thể, virus có thời gian ủ bệnh từ 3 đến 6 tháng, nếu sau 6 tháng, cơ thể người bệnh không thể tự miễn dịch được với virus, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính và nhiễm virus HBV suốt đời. Viêm gan virus nếu không được phát hiện sớm và điều trị tốt sẽ gây nhiều biến chứng nặng như xơ gan, ung thư gan và được coi như là một “sát thủ thầm lặng” đối với sức khỏe con người.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) cảnh báo thực trạng nhiều thế hệ trong gia đình mắc viêm gan B. Chỉ đến khi thấy người thân lần lượt ra đi vì ung thư gan thì các thành viên mới đi khám.
Một bệnh nhân nữ 45 tuổi đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương khám cho biết có chị và em gái đã mất vì ung thư gan. Sau khi thăm khám kĩ lưỡng, các bác sĩ xác định chị này mắc viêm gan B, đồng thời có u gan 2 cm. Do phát hiện bệnh sớm nên kết quả điều trị của bệnh nhân tốt, tiên lượng sức khỏe ổn định.
Bác sĩ Huyền cho biết, khi điều tra tiền sử bệnh tật của gia đình, bác sĩ phát hiện các con, cháu của người phụ nữ đều mắc viêm gan B, trong đó hai trẻ bị u gan. Các thế hệ trước trong gia đình bệnh nhân này có tuổi thọ thấp, trung bình 40-45 tuổi, người thọ nhất là 65 tuổi.
“Đây không phải là trường hợp hiếm gặp bởi trong quá trình thăm khám hằng ngày các bác sĩ thường xuyên phát hiện nhiều trường hợp cả gia đình cùng mắc viêm gan B; hoặc gia đình vừa mắc viêm gan, vừa có u gan. Ngoài ra, nhiều bệnh nhân khác bị u gan khi mới 20-25 tuổi. Điều này cảnh báo thực trạng bệnh viêm gan B tiềm ẩn trong cộng đồng và vẫn đang là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng tại Việt Nam”, bác sĩ Huyền nhận định.
"Bệnh viêm gan được coi là "sát thủ thầm lặng" với các triệu chứng rất kín đáo, khó phát hiện nếu không xét nghiệm máu. Đến khi phát hiện thì hầu hết bệnh nhân đã ở giai đoạn mạn tính, xơ gan, xơ gan mất bù, ung thư gan và tử vong".
BS. Nguyễn Nguyên Huyền, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư
Cần tiêm vắc xin phòng bệnh
Hiện nay, dù đã có vắc xin phòng bệnh viêm gan B và nhiều khuyến cáo phòng bệnh từ ngành y tế song bệnh viêm gan B vẫn đang là bài toán nhức nhối vì nhiều người dân chưa thực sự quan tâm đến vấn đề phòng chống. Ước tính, trong khoảng 8 triệu người mắc chỉ có khoảng trên dưới 1/10 thực sự được chăm sóc y tế, còn lại vẫn cho rằng bệnh có thể điều trị không đúng cách hoặc tự dùng các thuốc do mách bảo nhau đến khi biến chứng nặng mới nhập viện làm mất đi cơ hội điều trị.
GS.TS Lê Trung Hải cho rằng bệnh viêm gan cần được quản lí tốt hơn, hạn chế hậu quả của bệnh. Trong đó, việc triển khai tiêm phòng viêm gan B phải đảm bảo bao phủ được tất cả các trẻ sơ sinh. Những bà mẹ đã bị viêm gan B, C mạn tính cần phải được giám sát chặt giai đoạn mang thai để điều trị và kiểm soát đường lây truyền bệnh từ mẹ sang con hiệu quả.
Với các bệnh nhân đã bị mắc viêm gan mạn tính cần xây dựng mạng lưới kiểm soát quản lí người bệnh tương tự như quản lí các bệnh mạn tính để làm giảm nguy cơ tiến triển thành xơ gan và ung thư gan.
Theo bác sĩ Huyền, bệnh viêm gan B tiến triển thầm lặng, có thể làm xuất hiện các khối u gan sớm. Dịch tễ viêm gan B của Việt Nam rất cao, đây cũng là căn nguyên hàng đầu gây ung thư khiến cho tỉ lệ ung thư gan tại Việt Nam đứng thứ ba trên thế giới và thứ hai trong khu vực châu Á. Do đó, bác sĩ khuyến cáo người dân nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe.
“Nếu chưa mắc bệnh, mọi người hãy tiêm vắc xin ngừa viêm gan B và kiểm tra lượng kháng thể viêm gan B sau tiêm. Nếu đã mắc bệnh, mọi người cần khám định kì 6 tháng một lần, tuân thủ đơn điều trị bằng thuốc kháng virus, tầm soát ung thư gan thường xuyên. Phụ nữ đang trong tuổi sinh nở, mang thai càng cần tiêm chủng, tầm soát, phòng chống viêm gan B.
Nếu được xác định viêm gan B, sản phụ sẽ được điều trị bằng thuốc kháng virus sau 24 tuần đầu, em bé sinh ra được tiêm huyết thanh và vắc xin ngừa viêm gan B”, bác sĩ Huyền khuyến cáo.
Việt Nam được nhận định là 1 trong những nước ở khu vực Tây Thái Bình Dương có tỉ lệ nhiễm virus viêm gan cao. Ước tính có khoảng 8,7 triệu người bị viêm gan B mạn tính và 1 triệu người bị viêm gan C, gấp gần 40 lần số người nhiễm HIV ở Việt Nam.