“Sát thủ tàng hình” B-21 của Mỹ khiến Trung Quốc dè chừng

Hồng Anh |

Sở hữu khả năng tàng hình mà chưa một máy bay nào có được, B21 có thể mang đến rủi ro cho “bất cứ mục tiêu nào ở bất cứ nơi đâu trên thế giới”.

Bộ Quốc phòng Mỹ đang có kế hoạch triển khai máy bay ném bom tàng hình B-21 tại Thái Bình Dương nhằm đảm bảo ưu thế về mặt kỹ thuật, duy trì khả năng răn đe và trong trường hợp cần thiết có thể khiến các bên đối đầu gặp rủi ro.

Có thể chọc thủng mọi hệ thống phòng không

Kế hoạch do Quyền trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về các vấn đề an ninh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương David Helvey trình bày, được kết hợp với các phương tiện giám sát, tàu ngầm và những gì Bộ Quốc phòng cho là một thế hệ công nghệ tàng hình mới có trong B-21.

“Chúng tôi đang đầu tư để đảm bảo duy trì sự sẵn sàng hoạt động và tăng cường năng lực quân sự mà chúng tôi coi đó là lợi thế sẵn có, chẳng hạn như tàu ngầm, máy bay ném bom B-21, máy bay P-8”, ông David Helvey phát biểu với báo chí ngày 18/6.

Ông Helvey đã thảo luận các hoạt động mà B-21 dự kiến thực hiện trong bối cảnh Mỹ và đồng minh gia tăng hoạt động diễn tập quân sự chung, phối hợp về mặt chiến lược và tập trung chống lại “bất cứ nhân tố nào làm suy yếu hoặc đe dọa lợi ích chung của các bên”.

B-21 sẽ tiến hành các nhiệm vụ tuần tra tại Thái Bình Dương như những gì mà các máy bay ném bom B-2, B-52, B-1b thực hiện, tạo ra thách thức mới cho các đối thủ tiềm năng.

Do B-21 là một chương trình vũ khí tuyệt mật nên có rất ít thông tin chi tiết về đặc tính kỹ thuật của loại máy bay này. Tuy nhiên các nhà phát triển cho biết, nó được tích hợp công nghệ tàng hình thế hệ mới. Sở hữu khả năng tàng hình mà chưa một máy bay nào có được ở thời điểm hiện tại, B-21 có thể mang đến rủi ro cho “bất cứ mục tiêu nào ở bất cứ nơi đâu trên thế giới”.

B-21 dự kiến được đưa vào hoạt động trong thời gian tới, ở thời điểm không thể tốt hơn khi mà Trung Quốc đang nhanh chóng phát triển hệ thống phòng thủ đất đối không. Nếu như hệ thống phòng không S-400 và S-500 của Nga từ lâu đã được biết đến là hệ thống tiên tiến nhất trên thế giới, thì giờ đây có một sự đồng thuận ngày càng gia tăng rằng tiến bộ về công nghệ của Trung Quốc trong lĩnh vực này đang nhanh chóng giành được chỗ đứng.

Các hệ thống phòng không tiên tiến nhất ngày càng có khả năng xử lý thông tin nhanh hơn, kết nối mạng kỹ thuật số và được tích hợp công nghệ radar đa tần số. Một bản đánh giá trên trang Deagle.com năm 2017 cho biết, hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 củaTrung Quốc được phát triển một phần dựa trên hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ và hệ thống S-300 của Nga. Phiên bản mới của HQ-9 được cho là có tầm bắn xa tới 300 km.

“HQ-9 sở hữu hệ thống dẫn đường “track-via-missile” (bám sát mục tiêu thông qua đạn tên lửa) và ngòi nổ vô tuyến cận đích tương tự như Patriot, có hệ thống phóng lạnh và khí động học giống hệ thống S-300”, báo cáo cho biết.

Bất chấp những tiến bộ về công nghệ trong các hệ thống phòng không, Tướng không quân về hưu David Deptula - Viện trưởng Viện Nghiên cứu hàng không vũ trụ Mitchell (Mỹ) vẫn cho rằng máy bay ném bom tàng hình hiện đại nhất sẽ rất khó bị tấn công.

Bằng cách phát triển B-21 như một loại khí tài có thể vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ của Trung Quốc, Washington sẽ khiến Bắc Kinh phải chấp nhận một mức độ hợp tác lớn hơn.

Khả năng tàng hình siêu việt

Hình ảnh máy bay B-21 do không quân Mỹ công bố mô tả một thiết kế không sử dụng các bề mặt điều khiển bay thẳng đứng như đuôi. Nó không có bề mặt thẳng đứng phản xạ radar từ các cạnh bên, thay vào đó sẽ có RCS (mặt cắt ngang radar) làm giảm phản xạ không chỉ từ phía trước và phía sau mà còn từ các phía, khiến việc phát hiện từ mọi góc độ trở thành một thách thức, Viện Mitchell cho biết.

Với chủ đề RCS, một bài tiểu luận với tiêu đề “Radar và kỹ thuật mặt cắt ngang radar” từ Trung tâm nghiên cứu hàng không vũ trụ Mỹ đã trích dẫn sự xuất hiện của các công nghệ che phủ mới, trong đó có “vật liệu hấp thụ radar và vật liệu siêu nhân tạo”.

Để máy bay có thể thâm nhập sâu vào lãnh thổ của đối phương, việc triệt tiêu nhiệt và sóng radar là rất cần thiết. Động cơ trong được thiết kế đặc biệt của B-21 kết hợp với các ống xả trên đỉnh máy bay sẽ giúp làm giảm đáng kể lượng nhiệt.

Các chuyên gia cho rằng, B-21 sẽ nhỏ hơn máy bay ném bom tàng hình B-2A, với kích cỡ và trọng lượng chỉ bằng 2/3 máy bay cũ. Điều này được thể hiện qua việc B-21 có ít bánh xe hạ cánh hơn. Càng ít bánh đáp thì trọng lượng của máy bay lại càng nhẹ.

Aviation Week cho biết, hình ảnh công bố cho thấy B-21 có thân ngắn hơn và các cửa hút khí nằm cách xa hơn về phía trước so với máy bay ném bom cũ. Điều này nhằm gia tăng khối lượng bên trong máy bay để hỗ trợ cuộc sống của phi hành đoàn, mang được nhiều nhiên liệu cảm biến và vũ khí hơn.

Là một máy bay tàng hình, B-21 phải chứa được tất cả vũ khí, cảm biến, nhiên liệu và các vật dụng khác ở bên trong, vì vậy nó phải có khoang rộng hơn.

Nhờ sự kết hợp của các yếu tố kỹ thuật hiện đại, trong trường hợp xảy ra chiến tranh, B-21 hoàn toàn có thể là vũ khí duy nhất xuyên thủng hệ thống phòng không tiên tiên tiến của đối phương và được kỳ vọng sẽ là vũ khí dẫn đầu trong các cuộc xung đột./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại