Với sự phát triển như vũ bão của khoa học - công nghệ, con người đã chế tạo ra nhiều loại robot có thể thay thế nhân lực trong những công việc nguy hiểm như các robot chữa cháy, robot thám hiểm, robot làm việc trong điều kiện phóng xạ v.v...
Không dừng lại ở đó, các nhà kỹ thuật quân sự còn có tham vọng chế tạo những robot chiến đấu thực thụ, có thể thay thế được người lính trên chiến trường. Các cường quốc trên thế giới đã nhận ra sự lợi hại của trang bị này và đang dồn tiền bạc cũng như chất xám nhằm nhanh chóng làm chủ công nghệ và đã có những thành công nhất định.
Robot chiến đấu có những thành tố nào?
Cho đến nay, đã có nhiều mẫu robot chiến đấu được chế tạo và đem ra thử nghiệm. Về cơ bản, các loại robot này đều có hai thành tố chính:
Thiết bị tự hành: Đây là loại thiết bị có thể tự mình di chuyển qua nhiều loại địa hình phức tạp theo điều khiển từ xa hay tự động theo bản đồ số, có thể sử dụng bánh hơi, bánh xích hoặc hỗn hợp. Thiết bị được bọc giáp, có khả năng tự bảo vệ trước các loại bom đạn thông thường.
Trên đó là tích hợp các loại vũ khí trang bị có hỏa lực tối ưu đối với nhiệm vụ, mục tiêu sử dụng, đặc biệt là các thiết bị quan sát, cảm biến và truyền tin.
Robot chiến đấu Uran-9.
Trung tâm chỉ huy, điều khiển: Là nơi lưu trữ bản đồ, thu nhận thông tin quan sát và ra lệnh điều khiển tới thiết bị tự hành cũng như các thiết bị gắn kèm trên đó. Bên cạnh đó là hệ thống truyền tin được đảm bảo an toàn bằng thuật toán mã hóa có độ an toàn rất cao. Trung tâm chỉ huy thường đặt ở vị trí an toàn, có thể đặt trên ô tô.
Nguyên lý làm việc cơ bản của robot chiến đấu có thể hoàn toàn tự động, bán tự động hoặc hỗn hợp.
Trong trường hợp hoàn toàn tự động, robot chạy theo đường đã được lập trình sẵn trên bản đồ số. Các thiết bị quan sát, cảm biến cho phép phát hiện đánh giá mục tiêu, phân biệt địch- ta và tự động sử dụng các loại vũ khí hiện có để tiêu diệt.
Ở chế độ bán tự động, các thiết bị quan sát, cảm biến từ robot sẽ truyền các thông tin về trung tâm chỉ huy. Tại đó, các kỹ thuật viên sẽ phân tích, đánh giá tình hình, đưa ra quyết định rồi truyền đạt lại cho robot thực hiện.
Còn ở chế độ hỗn hợp, một số công đoạn sẽ do robot tự động thực hiện, một số công đoạn sẽ do trung tâm chỉ huy điều hành. Tất nhiên, dẫu có ở chế độ tự động thì trung tâm chỉ huy vẫn có thể can thiệp được khi cần thiết.
Mặc dù đã đổ rất nhiều công sức, trí tuệ và tiền của vào công việc này song mục tiêu chế tạo được những robot chiến đấu hoàn chỉnh, có thể thay thế những người lính trên chiến trường vẫn là một mục tiêu xa vời.
Robot chiến đấu Uran-9.
Từ chiến trường Syria đến Quảng trường Đỏ
Trong cuộc chạy đua chế tạo robot chiến đấu, Quân đội Nga đã đạt được nhiều tiến bộ vững chắc và tỏ ra có nhiều lợi thế. Một số robot của họ đã được thử nghiệm thành công và đem ra thực nghiệm trên chiến trường. Trong số đó, robot chiến đấu Uran-9 được coi là thành công nhất.
Uran-9 là sản phẩm của Công ty cổ phần 766 UPTK, Bộ Quốc phòng Nga. Dòng robot chiến đấu này được trang bị hỏa lực đủ để bắn hạ xe tăng của đối phương. Cơ cấu điều khiển thông minh, góc nâng và hạ nòng súng rộng cho phép Uran-9 phù hợp với tác chiến bất đối xứng trong môi trường đô thị.
Một số tính năng cơ bản của Uran- 9 như sau:
Kích thước: Dài 5,1 m, rộng 2,53m, cao 2,5m. Nặng 10 tấn
Vũ khí bao gồm: 1 pháo chính 2A72 cỡ 30mm, 1 súng máy song song 7,62mm và 6 ống phóng đạn nhiệt áp Shmel-M có tầm bắn đến 1700mét, sức công phá tương đương đạn pháo cỡ 152mm.
Trong các nhiệm vụ đặc biệt, Uran-9 có thể trang bị đạn tên lửa chống tăng Ataka 9M120 để tấn công các mục tiêu tăng thiết giáp của đối phương ở khoảng cách 400 mét đến 6 km.
Bên cạnh đó, trên Uran-9 còn có 2 hệ thống tên lửa phòng không 9S846 Strelets MANPADS (mỗi hệ thống lắp 3 quả tên lửa 9K33 Igla).
Hệ thống vũ khí, trang bị trên robot Uran-9.
Thân xe được bọc giáp có khả năng chống vũ khí cá nhân. Xe sử dụng khung gầm bánh xích cho phép di chuyển trên nhiều địa hình khác nhau. Động cơ diesel đa nhiên liệu đạt tốc độ tối đa 35 km/h. Tầm hoạt động hàng trăm km.
Uran-9 có thể phát hiện mục tiêu từ khoảng cách 6 km vào ban ngày và 3 km vào ban đêm nhờ được trang bị hệ thống cảm biến tinh vi, trong đó có hệ thống báo động laser, thiết bị phát hiện, nhận dạng và bám mục tiêu.
Hệ thống cảm biến đa phổ cho phép Uran-9 tác chiến trong mọi điều kiện chiến trường kể cả trong khói bụi và sương mù. Toàn bộ hệ thống trang bị đều được mô-đun hóa để thay thế nhanh chóng phù hợp với nhiệm vụ.
Theo dự định của nhà chế tạo- tất nhiên có tham khảo ý kiến các nhà quân sự - Uran-9 được thiết kế tác chiến theo phân đội, mỗi phân đội Robot Uran-9 gồm 2 phương tiện chiến đấu (một phương tiện làm nhiệm vụ trinh sát, đơn vị còn lại trang bị hỏa lực mạnh để tấn công).
Robot Uran-9
Theo một số nguồn tin đáng tin cậy, Uran- 9 đã được biên chế vào quân đội Nga năm 2017 và đã được đưa sang thực nghiệm tại chiến trường Syria. Một số đoạn vdeo clip dã cho thấy hình ảnh Uran- 9 tác chiến rất uy lực trên chiến trường. Đặc biệt, vũ khí nhiệt áp Shmel-M tỏ ra rất hiệu quả khi tiến công địch trong đô thị.
Bọc thép toàn thân, được vũ trang mạnh mẽ với súng máy và tên lửa, hệ thống cảm biến có thể quan sát toàn cảnh chiến trường và đặc biệt là không biết sợ hãi, đó là những hình ảnh về robot chiến đấu Quân đội Nga đang sử dụng.
Trong khi các robot đang chiến đấu trên chiến trường, thì việc chỉ huy nó được thực hiện ở một vị trí an toàn trong sở chỉ huy. Đây có thể chính là bộ mặt của Quân đội Nga trong tương lai.
Độ chính xác của nguồn tin chưa được kiểm chứng song Uran-9 đã vinh dự có mặt trong cuộc duyệt binh mừng Chiến thắng ngày 9.5.2018 vừa qua trên Quảng trường Đỏ để giới thiệu với toàn thế giới.
Tất nhiên, nếu không đạt hiệu quả chiến đấu cao, nó sẽ không bao giờ vinh dự có mặt tại đây!
Lễ duyệt binh Chiến thắng 9/5/2018 (Phần 2)