"Sát thủ diệt Guam" Trung Quốc có thể ngăn Hải quân Mỹ ngáng đường mà không tốn 1 quả đạn

QS |

Đó là nhận định của chuyên gia phân tích Zachary Keck khi đề cập tới mối đe dọa "không thể xem thường" mà tên lửa đạn đạo DF-26 Trung Quốc có thể mang lại cho Hải quân Mỹ.

Dưới đây là chi tiết bài viết của ông Keck đăng tải trên tạp chí National Interest:

"Sát thủ diệt Guam"

Trong tuần trước, truyền thông Trung Quốc đưa tin, một lữ đoàn tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) tiên tiến nhất của Bắc Kinh đã được đưa vào biên chế.

Lữ đoàn mới trang bị tên lửa Dong Feng-26 (DF-26). Theo tạp chí Diplomat, "đoạn video được phát sóng trên truyền hình Trung Quốc cho thấy ít nhất 22 xe phóng tự hành DF-26 cùng với các kíp vận hành".

Vậy chúng ta đã biết những gì về loại tên lửa này của Trung Quốc?

Đầu tiên là những thông tin cơ bản. Theo Dự án Mối đe dọa Tên lửa của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, DF-26 là IRBM di động, có kết cấu 2 tầng và sử dụng nhiên liệu rắn.

Một số nguồn tin Trung Quốc cho biết DF-26 có chiều dài 14m, đường kính 1,4m, khối lượng phóng 20.000kg.

Đáng chú ý, nó được cho là có tầm bắn rơi vào khoảng 3.000 - 4.000 km. Điều đó có nghĩa nó có thể tạo ra mối đe dọa đối với Guam - trung tâm các hoạt động của Mỹ ở tây Thái Bình Dương.

Sát thủ diệt Guam Trung Quốc có thể ngăn Hải quân Mỹ ngáng đường mà không tốn 1 quả đạn - Ảnh 1.

Tên lửa đạn đạo DF-26

Theo Dự án Mối đe dọa Tên lửa, DF-26 là tên lửa đạn đạo mang đầu đạn thường đầu tiên của Trung Quốc có khả năng đe dọa Guam.

Trung Quốc lần đầu tiên công khai tên lửa DF-26 trong cuộc duyệt binh quân sự tháng 9/2015. Sau đó, nó đã tham gia vào một cuộc tấn công giả định quy mô lớn hồi năm ngoái cùng với các loại tên lửa khác của Trung Quốc.

Diplomat dẫn một nguồn tin giấu tên trong chính phủ Mỹ cho hay, Lực lượng Tên lửa Trung Quốc (PLARF) đã bắn "4 tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26C, 10 tên lửa đạn đạo tầm trung DF-16A và 6 tên lửa hành trình tấn công mặt đất CJ-10 trong nội dung bắn đạn thật của cuộc tập trận".

Đây là cuộc tấn công mô phỏng nhằm vào các hệ thống phòng thủ tên lửa, cũng như các máy bay quân sự của Mỹ trên mặt đất.

Vào thời điểm Bắc Kinh tiết lộ tên lửa DF-26 năm 2015, truyền thông Trung Quốc cho biết DF-26 có các biến thể mang đầu đạn thường, đầu đạn hạt nhân và chống tàu. Lầu Năm Góc sau đó đã xác nhận thông tin này.

Trong bản đánh giá gần đây nhất về sức mạnh quân sự Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết:

"Năm 2016, Trung Quốc đã bắt đầu triển khai tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26, có khả năng tiến hành các cuộc tấn công chính xác bằng đầu đạn thường/hạt nhân nhằm vào các mục tiêu trên mặt đất, và các cuộc tấn công thông thường nhằm vào các mục tiêu hải quân ở tây Thái Bình Dương".

Dựa theo các thông tin trên thì DF-26 hoàn toàn phù hợp với những gì mà các học thuyết về lực lượng tác chiến thông thường và hạt nhân của Trung Quốc hướng tới.

Nói về kho vũ khí hạt nhân, trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã xây dựng được một lực lượng cơ động hơn và có khả năng sống sót cao hơn.

Bản báo cáo mới đây của nhà phân tích Ankit Panda trên tạp chí Diplomat cho biết Trung Quốc đang tiến hành bắn thử nghiệm một loại tên lửa đạn đạo mới phóng từ trên không (ALBM), có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Nó được phát triển dựa trên mẫu tên lửa đạn đạo DF-21.

Ở một số khía cạnh, lực lượng tên lửa cơ động và có khả năng sống sót lớn hơn sẽ giúp chính sách "Không sử dụng (vũ khí hạt nhân) trước" của Trung Quốc trở nên đáng tin cậy hơn, bởi Bắc Kinh đã có khả năng chống chọi tốt hơn trước một cuộc tấn công phủ đầu.

Ngoài ra, độ chính xác được nâng cao của các loại tên lửa dẫn đường như DF-21 và DF-26 sẽ mang lại cho Trung Quốc khả năng tác chiến hạt nhân tốt hơn.

Sát thủ diệt Guam Trung Quốc có thể ngăn Hải quân Mỹ ngáng đường mà không tốn 1 quả đạn - Ảnh 2.

Tên lửa đạn đạo DF-26 được mệnh danh là "sát thủ diệt Guam".

Khả năng tấn công các căn cứ quân sự Mỹ

Phiên bản DF-26 mang đầu đạn thông thường giúp Trung Quốc nâng cao khả năng phá hủy các căn cứ Mỹ trong khu vực, trong khi đây lại là mối đe dọa thường bị xem nhẹ.

Bản báo cáo tháng 6/2017 của Trung tâm An ninh Mỹ mới cho rằng "Mối đe dọa quân sự lớn nhất đối với các lợi ích quan trọng của Mỹ tại châu Á có lẽ là một điều mà Mỹ không mấy để tâm: năng lực ngày càng lớn mạnh của lực lượng tên lửa Trung Quốc có thể đe dọa các căn cứ của Mỹ trong khu vực".

Trong bản báo này, hai tác giả Thomas Shugart và Javier Gonzalez đã mô phỏng một cuộc tấn công phủ đầu của Trung Quốc nhằm vào các căn cứ Mỹ tại Nhật Bản. Họ cho rằng kết quả sẽ rất thảm khốc, trong đó "tất cả các cơ quan đầu não, cũng như cơ sở hậu cần của Mỹ đều bị tấn công" và "hầu như tất cả các tàu chiến Mỹ tại cảng Nhật Bản đều bị nã tên lửa đạn đạo".

Chưa hết, trong kịch bản giả định mà Shugart và Gonzalez nêu ra, phần lớn đường băng quân sự tại đây cũng đều bị hư hại nghiêm trọng trong vụ tấn công, khiến Không quân Mỹ tại Nhật Bản không thể xuất kích.

DF-26 sẽ cho phép Trung Quốc tăng cường khả năng tiến hành một cuộc tấn công tương tự như vậy nhằm vào quân đội Mỹ tại Guam - nơi đóng quân của gần 4.000 lính Mỹ.

Lực lượng không quân tiền phương của Mỹ hiện triển khai các máy bay ném bom tại căn cứ Anderson, Guam. Vì thế, Bắc Kinh sẽ đặt ưu tiên hàng đầu là phá hủy các cơ sở quân sự của Mỹ tại Guam để ngăn Washington can thiệp vào bất cứ cuộc xung đột nào giữa Trung Quốc với các nước/vùng lãnh thổ lân cận, chẳng hạn như với Đài Loan.

Phiên bản chống tàu của DF-26 có vẻ sẽ thu hút nhiều sự chú ý của truyền thông phương Tây hơn cả. Trước đó, phiên bản chống tàu của tên lửa DF-21 (DF-21D) đã trở thành tiêu đề nóng hổi trên nhiều bài báo bởi nó được cho là có khả năng đánh chìm tàu sân bay Mỹ.

Mô phỏng một đợt tấn công của tên lửa DF-21D Trung Quốc

Trên lý thuyết, nếu như tầm bắn DF-21D chỉ giới hạn tới chuỗi đảo thứ nhất, thì tầm bắn được tăng cường của DF-26 có thể buộc tàu sân bay Mỹ phải hoạt động cách xa chuỗi đảo thứ hai của Trung Quốc.

Dù vậy, khả năng thực tế của hai loại tên lửa này vẫn còn nhiều nghi vấn, bởi Trung Quốc còn nhiều hạn chế trong năng lực trinh sát- tấn công. Trong khi đó, Mỹ và và đồng minh vẫn tiếp tục phát triển các phương thức đối phó với mối đe dọa mới.

Song, có một điều chắc chắn là Trung Quốc đang nỗ lực để đạt tới khả năng này. Vì thế, ngay cả khi Mỹ không chắc Trung Quốc có khả năng đánh chìm tàu sân bay của mình hay không thì họ có lẽ cũng không dám mạo hiểm những tổn thất về sinh mạng, cũng như chi phí vật chất liên quan.

Đây có lẽ là điều mà Bắc Kinh sẽ dựa vào để cầm chân Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại