Sức mạnh không quân của Đài Loan và Trung Quốc: Chàng David nhỏ bé trước khổng lồ Goliath

Trịnh Ngọc Tiến |

Không quân Đài Loan (ROCAF) đang phải đối mặt với những khó khăn về trang bị, trong khi Không quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAAF) đã hùng mạnh vào hạng nhất nhì khu vực.

Hiện tại Không quân Đài Loan có khoảng 400 máy bay chiến đấu, trong khi PLAAF có trên 2.100 máy bay. Do những rào cản về chính trị nên Đài Loan khó có cơ hội mua sắm, cũng như nâng cấp số máy bay chiến đấu và vũ khí đi kèm.

Douglas Barrie, một chuyên viên cao cấp chuyên nghiên cứu về không quân tại Viện nghiên cứu chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London - Anh cho biết:

"Về lực lượng không quân, Đài Loan đang phải đối mặt với tình trạng vượt trội không chỉ về số lượng mà còn về mặt công nghệ. Đến năm 2020, PLAAF sẽ được trang bị máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 và gần thứ 5, cũng như các loại tên lửa không đối không hiện đại".

Hiện nay các sân bay, căn cứ không quân, cũng như hạ tầng thích hợp để không quân Đài Loan khai thác (như đường cao tốc để máy bay chiến đấu phản lực có thể cất hạ cánh trong trường hợp khẩn cấp) đều là những mục tiêu chính của không quân và tên lửa PLA trong những giờ đầu tiến công chính xác tầm xa, nếu Trung Quốc quyết định dùng vũ lực với Đài Loan.

Tuy nhiên, ROCAF lại có lợi thế nhất định khi địa hình Đài Loan phần lớn là đồi núi. Họ còn được trang bị hệ thống phòng không tầm xa tương đối hiện đại. Trình độ, cũng như khả năng chiến đấu của lực lượng không quân Đài Loan tương đối cao.

Lực lượng máy bay chiến đấu

Nòng cốt của ROCAF là phi đội F-16A/B, được mua vào năm 1990 và năm 2001. Mẫu tiêm kích hạng nhẹ F-16A/B là máy bay chiến đấu phản lực đa nhiệm vụ thế hệ 4, được trang bị radar kiểm soát hỏa lực AN/APG-66 X-band.

Kể từ khi ROCAF mua được 218 tên lửa không đối không tầm xa AIM-120C7, những chiếc F-16A/B của họ đã được nâng tầm đẳng cấp bởi tên lửa AIM-120C7 vượt trội so với tên lửa cùng loại PL-12 của không quân Trung Quốc.

Sức mạnh không quân của Đài Loan và Trung Quốc: Chàng David nhỏ bé trước khổng lồ Goliath - Ảnh 1.

Phi đội tiêm kích F-16A/B Block 20 của Đài Loan.

Sự kết hợp giữa tên lửa AIM-120C7 và radar AN/APG-66 cho phép F-16A/ B của ROCAF có thể ngăn chặn được máy bay chiến đấu J-11 (bản sao Su-27) và J-15 (bản sao Su-33) của PLAAF.

Song, nếu tình huống chiến đấu xảy ra, kể cả khi ROCAF ngăn chặn được một số máy bay J-11, J-15 nhất định thì họ chắc chắn vẫn bị tổn thất. Với số lượng máy bay áp đảo của PLAAF thì phi đội F-16 chưa phải là đối thủ.

Một trong những điểm mạnh cốt lõi của gia đình F-16A/B là khả năng mang và sử dụng nhiều loại đạn dẫn hướng chính xác. Thế nhưng, do Mỹ từ chối bán những loại vũ khí tiến công có dẫn đường chính xác cho Đài Loan nên  ROCAF chỉ có một số lượng nhỏ tên lửa không đối hạm như AGM-65 Maverick và AGM-84 Harpoon

Với số lượng hạn chế như vậy, Đài Loan chỉ có thể sử dụng để tiêu diệt các lực lượng đổ bộ chiếm đảo mà thôi.

Sau nhiều lần thất vọng trong nỗ lực mua máy bay F-16C/D (phiên bản F-16 hiện đại hơn), ROCAF cuối cùng đã đồng ý thỏa thuận với Lockheed Martin và chính phủ Mỹ vào tháng 1/2017 để nâng cấp toàn bộ hạm đội F-16A/ B hiện có lên chuẩn F-16V Block-70 vào năm 2023.

Điều này chắc chắn sẽ cải thiện khả năng chống máy bay tàng hình của ROCAF, vì phiên bản F-16V sẽ được trang bị radar AN/APG-80, đây là một bước tiến lớn so với radar AN/APG-66 khi nó có khả năng bắt mục tiêu xa hơn và cả những mục tiêu tàng hình như J-20 hay J-31 của không quân Trung Quốc.

Điều vẫn còn chưa rõ ràng là liệu ROCAF có thể mua được những vũ khí dẫn đường tiến công chính xác như bom liệng Paveway hay GBU-39 để tận dụng tối đa tính năng kỹ thuật phiên bản F-16V hay không.

Tuy nhiên, trong hợp đồng bán vũ khí trị giá 1,3 tỷ USD của Mỹ cho Đài Loan được công bố vào tháng 6/2017 đã bao gồm tên lửa chống radar tốc độ cao AGM-88B và bom liệng tiến công tầm xa AGM-154C - những loại vũ khí có hiệu quả trong việc tấn công các mục tiêu di động như xe tăng, xe bọc thép, tàu chiến.

Cả hai loại vũ khí trên cho phép F-16V của Đài Loan có thể tiến công các mục tiêu của PLA mà không phải lo lắng với các hệ thống phòng không của Trung Quốc, ngoại trừ hệ thống S-300PMU mà Trung Quốc nhập của Nga và hệ thống HQ-9/15/18 mà Trung Quốc tự phát triển. 

Tuy nhiên, những hệ thống phòng không hiện đại này hiện đang là nòng cốt trong hệ thống phòng không giữa hai bờ eo biển.

Sức mạnh không quân của Đài Loan và Trung Quốc: Chàng David nhỏ bé trước khổng lồ Goliath - Ảnh 2.

Phi đội tiêm kích Mirage 2000-5 của Không quân Đài Loan.

Cùng với phi đội F-16A/B, ROCAF còn có trong biên chế 56 chiếc Mirage 2000-5 của Dassault, về tính năng, những chiếc Mirage 2000-5 là loại máy bay tiêm kích đa nhiệm, có cùng tính năng như những chiếc F-16.

Song, chúng không được nâng cấp để mang theo những loại tên lửa không đối không tầm xa hiện đại như của F-16, mà chỉ được trang bị những loại tên lửa tầm ngắn và tầm trung. Do vậy, chúng sẽ không phải là đối thủ của tên lửa PL-12 Trung Quốc.

Niềm hy vọng của ROCAF là tên lửa tầm trung dẫn đường bằng radar Sky Sword II (Tien Chien 2) do Đài Loan tự sản xuất, có thể tích hợp vào loại máy bay này.

Sức mạnh không quân của Đài Loan và Trung Quốc: Chàng David nhỏ bé trước khổng lồ Goliath - Ảnh 3.

Tên lửa không đối không Thiên Kiếm 2 do Đài Loan sản xuất.

Sky Sword II được đánh giá tương đương với tên lửa PL-12 và AIM-120C. Khi được trang bị tên lửa Sky Sword II và những tên lửa kiểu cũ đi kèm, phi đội Mirage 2000-5 sẽ giúp san sẻ nhiệm vụ với phi đội F-16 khi phải đối phó với lực lượng không quân đông đảo của PLA.

Ngoài 2 phi đội máy bay F-16 và Mirage 2000-5, ROCAF còn có trong biên chế 131 máy bay chiến đấu nội địa F-CK-1 Ching-kuo. Đây là một phiên bản của F-16 nhưng nhỏ hơn, do Đài Loan tự nghiên cứu, phát triển khi không thể mua được máy bay của phương Tây.

F-CK-1 Ching-kuo được xếp vào phân khúc máy bay chiến đấu hạng nhẹ, nằm giữa máy bay phản lực huấn luyện cận âm và dòng máy bay chiến đấu F-16, được trang bị radar AN/APG-67 tương đương với AN/APG-66 trên F-16A/B của ROCAF.

Sức mạnh không quân của Đài Loan và Trung Quốc: Chàng David nhỏ bé trước khổng lồ Goliath - Ảnh 4.

Máy bay chiến đấu F-CK-1 Ching-kuo trang bị tên lửa hành trình Wan Chien của Không quân Đài Loan.

Về vũ khí, F-CK-1 được vũ trang các loại tên lửa không đối không Sky Sword-1 IR (tầm ngắn dẫn đường bằng hồng ngoại) và tên lửa Sky Sword-II, ngoài ra còn được trang bị tên lửa hành trình Wan Chien.

Đây là vũ khí chuyên để phá hủy đường băng hoặc các mục tiêu có diện tích rộng, do Viện Khoa học và Công nghệ Chung Shan Đài Loan nghiên cứu, phát triển. Hiện nay, 71 chiếc F-CK-1 của Phi đoàn Chiến thuật 443 đóng tại Đài Nam và 56 máy bay của Phi đoàn Chiến thuật số 427 ở Đài Trung đã được nâng cấp để mang loại tên lửa này.

Một điểm yếu chung đối với toàn bộ các phi đội chiến đấu của ROCAF là sự phụ thuộc vào đường băng quân sự.

Trung Quốc có một loạt các khả năng tiến công chính xác tầm xa, bao gồm tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và máy bay ném bom chiến lược, cũng như hỏa lực hải quân, tất cả đều có khả năng gây tổn hại lớn cho tất cả các đường băng của Đài Loan.

Đài Loan đã chuẩn bị nhiều phương pháp khác nhau để sửa chữa đường băng khi có tình huống bị đánh phá trong chiến đấu. Họ còn chuẩn bị một đường băng ngầm ở căn cứ không quân Jaishan ở bờ biển phía đông của hòn đảo, có thể xuất kích nhiều biên đội trước sức ép tiến công của các loại hỏa lực từ PLA.

Một biện pháp cũng được ROCAF nghiên cứu, tập luyện đó là hạ cánh máy bay của họ trên các đoạn đường cao tốc, đề phòng khi các đường băng sân bay bị đánh phá chưa thể khắc phục được.

Một phương án cũng được tính đến khi hệ thống đường băng cất hạ cánh bị phong tỏa đó là mua máy bay chiến đấu cất, hạ cánh thẳng đứng F-35B của Mỹ, nó có thể hoạt động trên những đường băng ngắn, nhỏ. Nhưng với tình thế hiện tại, việc Đài Loan mua được loại máy bay này là điều khó có thể xảy ra.

Lực lượng Phòng không

Trong trường hợp lực lượng không quân của ROCAF không có khả năng chiếm ưu thế trên không trước không quân của PLA, để hoàn thành yêu cầu chiến lược bảo vệ không phận, thì ROCAF phải xây dựng hệ thống phòng không đủ sức mạnh.

Sức mạnh không quân của Đài Loan và Trung Quốc: Chàng David nhỏ bé trước khổng lồ Goliath - Ảnh 5.

Tổ hợp tên lửa phòng không Patriot PAC-3 của Đài Loan.

Ở điều kiện hiện tại, nếu Trung Quốc quyết định dùng vũ lực thì điều mà ROCAF và các lực lượng vũ trang khác của Đài Loan cần phải làm là kìm chân PLAAF và PLAN trong thời gian đủ lâu để các đồng minh đến trợ giúp; hoặc việc tiếp tục các hoạt động quân sự kéo dài, gây tốn kém để có thể kéo Bắc Kinh đến bàn đàm phán.

Hiện nay ROCAF có trong trang bị 3 hệ thống tên lửa phòng không Patriot PAC-2 MIM-104C, 7 hệ thống PAC-3 MIM-104F do Mỹ chế tạo; 6 hệ thống Sky Bow-II/ III do Đài Loan tự nghiên cứu, chế tạo.

Những tên lửa trên đều có khả năng đánh chặn các loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tên lửa hành trình và chiến đấu cơ của Trung Quốc, phạm vi của chúng cho phép họ bao phủ toàn bộ lãnh thổ của Đài Loan.

Trong điều kiện các sân bay bị phong tỏa, lực lượng không quân không thể hoạt động, thì các hệ thống tên lửa phòng không sẽ là lực lượng chính trong việc hạn chế, ngăn chặn các lực lượng không quân của PLA.

Đã có nhiều cuộc thảo luận về vấn đề nên phát triển các phi đội máy bay chiến đấu hay đầu tư cho lực lượng tên lửa phòng không của Đài Loan. Câu trả lời được đưa ra là Đài Loan nên tập trung vào việc xây dựng các hệ thống tên lửa phòng không.

Đó là bởi việc mua sắm các hệ thống tên lửa phòng không đều thuộc loại vũ khí phòng thủ, ít bị hạn chế vi phạm bởi Đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979 và Trung Quốc cũng khó có cớ gây khó khăn cho Mỹ như việc bán cho Đài Loan các loại vũ khí tiến công khác.

Đài Loan tung video tên lửa Hùng Phong III đánh chìm Type 052D Trung Quốc

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại