FIM-92 Stinger là hệ thống phòng không không điều khiển, hoạt động như một tên lửa đất đối không hồng ngoại. Ảnh: Defensehere.
Kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine cuối tháng 2, những loại vũ khí do Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cung cấp như Stinger (do hãng Raytheon sản xuất) đã trở thành vật không thể thiếu đối với các lực lượng Ukraine khi họ cố gắng duy trì quyền kiểm soát không phận của mình trước quân Nga.
Tuy nhiên, các nghị sĩ Mỹ lo lắng quân đội nước này đang cạn kiệt kho dự trữ vũ khí, đạn dược. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Kathleen Hicks cho biết Lầu Năm Góc vẫn đang tìm cách giải quyết, đặc biệt là đối với Stinger.
“Có một số vấn đề rất cụ thể liên quan đến Stinger và một số vấn đề lỗi thời mà chúng ta phải khắc phục”, bà Hicks nói với báo chí hôm 5/4.
Bà Hicks cho rằng, ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ đã tập trung chế tạo những loại vũ khí tiên tiến hơn, trong khi việc sản xuất vũ khí cũ hơn như Stinger của những năm 70 của thế kỷ trước đòi hỏi những kỹ năng khác nhau.
“Việc chuyển đổi lực lượng lao động sang sản xuất vũ khí phù hợp với cuộc chiến Ukraine đòi hỏi một số sự thay đổi ưu tiên và đào tạo”, bà nói.
Trong phiên điều trần của Ủy ban Quân vụ Hạ viện hôm 5/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói với các nghị sĩ rằng, Lầu Năm Góc đang làm việc với ngành công nghiệp quốc phòng để tìm cách đẩy nhanh tiến độ sản xuất nhằm bổ sung kho vũ khí đã cạn kiệt do phải cung cấp cho Ukraine.
Các phát biểu của bà Hicks và ông Austin được đưa ra chỉ vài giờ trước khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo bổ sung 100 triệu USD cho tên lửa chống tăng Javelin dành cho Ukraine. Thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby nói rằng, việc tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine hiện là một nhu cầu cấp bách.
Kể từ chiến dịch quân sự đặc biệt bắt đầu hôm 24/2 đến nay (ngày 6/4), Mỹ đã cung cấp 1,7 tỷ USD hỗ trợ an ninh cho Ukraine. Kể từ khi chính quyền Biden bắt đầu hoạt động năm 2021, con số này là hơn 2,4 tỷ USD.
Thủy quân lục chiến Mỹ bắn tên lửa Stinger trong quá trình huấn luyện tại bang California. Nguồn: Breaking Defense.
Khởi động lại dây chuyền sản xuất Stinger?
Trong khi tên lửa chống tăng Javelin (do liên doanh Lockheed Martin-Raytheon sản xuất) vẫn được chế tạo cho quân đội Mỹ, Lục quân và Thủy quân lục chiến Mỹ đã dừng mua tên lửa phòng không Stinger trong nhiều thập kỷ qua.
Ngày nay, dây chuyền sản xuất Stinger chỉ phục vụ một khách hàng quốc tế duy nhất. Khách hàng này đã tìm nguồn cung cấp và cung cấp nhiều bộ phận lỗi thời cần thiết để chế tạo Stinger của riêng mình.
Vì Stinger được chế tạo với một số bộ phận không còn được sản xuất, nên có một số lượng hữu hạn Stinger có thể được sản xuất cùng với các bộ phận hiện có trên thị trường.
Cũng có lo ngại rằng Ukraine có thể cần Stinger nhanh hơn so với việc Mỹ có thể bổ sung kho dự trữ của mình, dẫn đến thâm hụt. Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine khoảng 2.000 tên lửa Stinger, nhưng hiện phải mất 18-24 tháng để sản xuất một lô tên lửa Stinger duy nhất, CNN đưa tin ngày 28/3.
Một nguồn tin nói với Breaking Defense rằng, quá trình sản xuất gần như không có tự động hóa; các công nhân chế tạo Stinger theo kiểu thủ công.
Hồi tháng 3, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện, ông Adam Smith, cùng một số quan chức khác đề nghị Lầu Năm Góc bắt đầu nghiên cứu một hệ thống phòng không tầm ngắn hiện đại có thể thay thế Stinger.
Họ gọi vấn đề này là “vấn đề cấp bách nhất” và cho rằng hệ thống mới phải có chi phí thấp, có thể xuất khẩu và sẵn sàng xuất xưởng trong 36 tháng.
Ngân sách tài khóa 2022 dành 3,5 tỷ USD cho Lầu Năm Góc để bổ sung vũ khí cho Ukraine. Số tiền đó nên được sử dụng để tìm các bộ phận và phương pháp sản xuất mới có thể thu hẹp khoảng cách giữa Stinger và một hệ thống hiện đại, một phụ tá cấp cao của Quốc hội Mỹ nói với Breaking Defense hồi tuần trước.
Tên lửa chống tăng Javelin. Ảnh: Janes. |