Việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 tiên tiến của Nga chắc chắn sẽ đặt ra câu hỏi về uy tín của nước này trong NATO, các nhà phân tích nói với Tân Hoa Xã.
Đáp lại trước đợt giao hàng đầu tiên của Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ vào tuần trước, Mỹ tuyên bố Ankara sẽ bị loại khỏi chương trình phát triển máy bay chiến đấu F-35.
Washington từ lâu đã phản đối nỗ lực của Ankara trong việc có được các hệ thống phòng thủ tối tân, cho rằng S-400 đặt trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gây rủi ro cho an ninh của NATO.
"Tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO giờ đây sẽ bị nghi ngờ", Cahit Armagan Dilek, người đứng đầu Viện Thổ Nhĩ Kỳ Thế kỷ 21 có trụ sở tại Ankara, nói.
"Việc Thổ Nhĩ Kỳ có rời khỏi NATO hay không gần như sẽ là chủ đề thảo luận mới trong những ngày tới", ông nói thêm.
Trong bối cảnh mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ngày càng sâu sắc, trong khi mối quan hệ với các đồng minh phương Tây tiếp tục căng thẳng trong những năm gần đây, đã có nhiều cuộc thảo luận về sự thay đổi trục của Ankara trên truyền thông.
"Khi S-400 bắt đầu đến Thổ Nhĩ Kỳ, cái gọi là quá trình xoay trục đã bắt đầu theo một cách nào đó", chuyên gia Yakis lập luận.
Trong trường hợp cuộc đối đầu với các quốc gia phương Tây vẫn tiếp diễn, Thổ Nhĩ Kỳ có thể tăng quan hệ quân sự và an ninh với Nga và Trung Quốc, ông nói.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan mới đây cho biết, Ankara cũng quan tâm đến việc mua thêm S-400 và sản xuất chung với Nga phiên bản cao cấp hơn của S-400 là hệ thống S-500.
Chuyên gia Yakis đánh giá, có khả năng lớn Moscow sẽ chia sẻ công nghệ quân sự tối tân với một thành viên NATO. Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bị đình chỉ khỏi dự án F-35, Moscow cũng thiện chí khi nói họ sẵn sàng cung cấp máy bay chiến đấu SU-35 tiên tiến của mình cho Ankara.
Bất kỳ sự gắn kết nào của Ankara vào công nghệ quân sự công nghệ cao của Nga sẽ làm tăng thêm nghi ngờ trong NATO về việc Ankara đang trôi dạt khỏi phương Tây. Cùng với đó, sau khi giao S-400, Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ bị cô lập trong NATO.
Theo chuyên gia Yakis, thật khó để nói liệu Thổ Nhĩ Kỳ có bị loại khỏi một số cuộc họp quan trọng của NATO hay không. "Rất có thể là vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ trong liên minh sẽ không còn như trước", ông nói.
"Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở thành một thành viên NATO chỉ trên giấy tờ", Dilek, một cựu sĩ quan trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, nêu quan điểm.
Thỏa thuận với Nga đang làm vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO lung lay.
Các lời mời Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào các hoạt động chung hay tập trận sẽ giảm đáng kể, vì các thành viên khác của liên minh sẽ tránh kết nối các nền tảng quân sự của họ với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, Dilek lập luận.
Việc lo ngại các tác động bất lợi khi tương tác với Thổ Nhĩ Kỳ theo tuyên bố của Washington là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy tác động tiêu cực mà S-400 sẽ mang lại cho vị trí của Ankara trong liên minh NATO, Dilek nhận xét.
Mỹ lo ngại S-400 đóng trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ có thể thu thập thông tin có giá trị về các tính năng tàng hình của tiêm kích F-35. Washington đã không lập tức loại bỏ Ankara khỏi chương trình F-35, nhưng cho biết quá trình này đã được bắt đầu.
Quá trình loại bỏ dự kiến sẽ được hoàn thành vào cuối tháng 3/2020, khi Lockheed Martin - nhà sản xuất máy bay tối tân của Mỹ - sẽ thay thế các công ty Thổ Nhĩ Kỳ trong chương trình sản xuất F-35 bằng các nhà thầu từ các nước khác.
Thời gian trục xuất kéo dài đang là cánh cửa bỏ ngỏ cho một sự hòa giải tiềm năng.
Mới đây, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, hệ thống S-400 sẽ chỉ sẵn sàng thiết lập vào cuối năm nay, trong khi toàn bộ hệ thống sẽ hoạt động đầy đủ vào tháng 4 năm sau.
Các tuyên bố từ cả hai phía liên quan đến thời hạn trì hoãn lâu dài được coi là một dấu hiệu cho thấy các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục giữa Ankara và Washington, Dilek nhận xét.
Tuyên bố của Nhà Trắng cũng tiết lộ rằng Washington không muốn mất một đồng minh chủ chốt của NATO. Mối quan hệ chiến lược với Thổ Nhĩ Kỳ vẫn được Mỹ đánh giá cao.
"Là đồng minh của NATO, mối quan hệ của chúng tôi đa tầng và không chỉ tập trung vào F-35", tuyên bố Nhà Trắng cho biết.
Nếu hai đồng minh NATO không giải quyết được sự khác biệt của họ liên quan đến S-400 trong những ngày tới, Mỹ cũng dự kiến sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi đó, Ankara đã cảnh báo về các biện pháp đối phó.
"Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ trước tiên nên xóa bỏ cảm xúc và hạ nhiệt cuộc khủng hoảng, sau đó hướng tới việc thiết lập quan hệ song phương trên cơ sở hợp lý và vững chắc với tầm nhìn dài hạn", chuyên gia Yakis nói.
Việc rút khỏi NATO của Thổ Nhĩ Kỳ để chuyển sang khối khác sẽ dẫn đến "một bước đi kiến tạo" và thay đổi mạnh mẽ cán cân quyền lực trong khu vực với những rủi ro lớn, ông nói.