Sai lầm trong việc chẩn đoán, điều trị cúm B

Hải Yến - Chu Thanh |

Năm nay, cúm B có xu hướng lan rộng và xuất hiện nhiều trường hợp biến chứng nặng. Nhiều phụ huynh gặp phải những sai lầm trong việc tự điều trị bệnh cho con.

Thời điểm này, miền Bắc đang trong những ngày giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường, số trẻ mắc các bệnh hô hấp tiếp tục tăng, đặc biệt là cúm B . Dù đây là chủng cúm mùa phổ biến, thường bình phục sau 1 - 2 tuần, tuy nhiên, năm nay cúm B có xu hướng lan rộng và xuất hiện nhiều trường hợp biến chứng nặng. Các cơ sở y tế liên tục trong tình trạng quá tải. Đáng nói, có nhiều phụ huynh gặp phải những sai lầm trong việc tự điều trị bệnh cho con.

Thấy con ho sốt kéo dài nhưng thay vì đến viện khám, chị Trang lại gọi dịch vụ xét nghiệm cúm tại nhà. "Ở lớp có mấy bạn bị cúm B nên mình cũng nghi là con mình bị. Ở bệnh viện bây giờ cũng nhiều dịch bệnh nên mình cũng ngại cho con ra điều trị" - chị Lê Minh Trang, quận Ba Đình, Hà Nội - chia sẻ.

Cũng chính bởi vậy mà thay vì vài ngày có thể đỡ, con chị Trang lại ốm sốt kéo dài gần 1 tuần nay. Ngại cũng là tâm lý chung của nhiều bậc phụ huynh không cho con đi khám mà tự loay hoay điều trị tại nhà. Như trường hợp của một vị phụ huynh khác cũng vậy, chỉ vào viện muộn hơn chút nữa, con chị có thể đã gặp biến chứng viêm phổi nặng.

Vị phụ huynh này cho biết: "Bé có dùng kháng sinh điều trị viêm phế quản tại nhà. Trước nay, con có bệnh lý về viêm họng, viêm phế quản, mình không nghĩ con bị cúm B vì có những triệu chứng na ná nhau nên mình cũng chủ quan".

Sai lầm trong việc chẩn đoán, điều trị cúm B - Ảnh 1.

Bác sĩ Đặng Quang Nhật - Khoa Nhi, bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn - chia sẻ: "Nhiều trường hợp cha mẹ tự sử dụng kháng sinh, khi trẻ lớn lên thay đổi liều lượng hoặc kháng sinh đó không phù hợp với bệnh, hoặc trẻ chưa có biểu hiện nhiễm khuẩn, chưa cần sử dụng kháng sinh".

Bên cạnh kháng sinh, việc tự ý làm xét nghiệm tràn lan cũng là một trong những sai lầm của không ít phụ huynh khi thấy con có những dấu hiệu của bệnh đường hô hấp. Theo bác sĩ Đặng Quang Nhật: "Nhân viên xét nghiệm tại nhà không có chuyên môn thăm khám, đôi khi đưa ra những chỉ định xét nghiệm rộng rãi quá dẫn đến lãng phí".

TS. BS. Lê Kiến Ngãi - Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung Ương - cho biết: "Không quá lo lắng, không quá căng thẳng vì đây là bệnh lưu hành thường xuyên, nhưng cũng cần phải cảnh giác. Vậy nên khi trẻ có những biểu hiện của cúm lại cộng với biểu hiện tim mạch như nhịp nhanh như mất ý thức…, cần tiếp cận với cơ sở y tế sớm".

Chỉ tính riêng tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn mỗi ngày tiếp nhận hàng chục trường hợp nhập viện mắc cúm B. Các chuyên gia khuyến cáo phụ huynh nên cho con đi tiêm cúm hàng năm và tuyệt đối không tự điều trị bệnh khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại