S-400 Nga vừa giao hàng đã "trục trặc", Thổ Nhĩ Kỳ "loay hoay" không thể kích hoạt đúng hạn?

Mạnh Kiên |

Đã có những thông tin cho rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ hoãn kích hoạt S-400 là do hệ thống này bị "trục trặc" kỹ thuật. Tuy nhiên, lý do thực tế có lẽ là một cuộc "đấu trí" với "lá bài" mà Thổ Nhĩ Kỳ có trong tay.

S-400 Nga giao cho Thổ Nhĩ Kỳ bị lỗi?

Giữa lúc cuộc chiến quyền lực với Hy Lạp ở Đông Địa Trung Hải đang căng thẳng, sức mạnh quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ được cho là vừa bị giáng một đòn nặng nề khi có thông tin nói rằng hệ thống phòng không S-400 mà nước này mua từ Nga bị lỗi.

Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được lô hàng S-400 đầu tiên từ Nga vào tháng 7 năm ngoái, bất chấp những lời cảnh báo và đe dọa của Mỹ. Động thái trên đã khiến Mỹ loại bỏ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình phát triển tiêm kích tàng hình F-35, trong đó Ankara không chỉ là nhà sản xuất mà còn là khách mua số lượng lớn.

Tuy nhiên, có vẻ như nỗ lực đánh đổi và vượt qua sóng gió của Thổ Nhĩ Kỳ thời gian qua đã trở thành công cốc khi một số nguồn tin truyền thông cho rằng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã gặp phải các vấn đề trên S-400 mà họ đã không thể giải quyết trong sáu tháng qua.

Cũng chính vì điều này mà Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar đã xác nhận với các phóng viên, hệ thống S-400 mua từ Moscow vẫn chưa được đưa vào sử dụng dù đã nhiều lần ấn định ngày kích hoạt.

Theo trang web tin tức Pentapostagma của Hy Lạp, các kỹ sư Nga đã tỏ ra không hài lòng với việc trì hoãn kích hoạt S-400 quá lâu ở Thổ Nhĩ Kỳ và có ý định muốn kiểm tra kỹ thuật, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Akar nhấn mạnh, các vấn đề của hệ thống cần phải được các chuyên gia từ Ankara giải quyết.

Về phần mình, phía Nga cho rằng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ không có đủ chuyên môn hoặc kiến ​​thức để đưa hệ thống tên lửa Nga vào tình trạng hoạt động nếu không có sự can thiệp và giám sát của các kỹ thuật viên Nga.

Theo các nguồn tin địa phương, Ankara và các đồng minh NATO lo ngại việc các chuyên gia Nga tự tay thực hiện những thay đổi "đặc biệt" đối với đặc tính kỹ thuật của hệ thống tên lửa có thể càng làm ảnh hưởng xấu hơn đến mối quan hệ vốn đã trầy trật giữa Thổ Nhĩ Kỳ và liên minh.

Tuy nhiên, theo trang Eurasia, các chuyên gia quân sự cũng cho rằng, các báo cáo về việc S-400 bị lỗi có thể chỉ là một trò lừa bịp, bởi việc Thổ Nhĩ Kỳ chọn không kích hoạt hệ thống này chỉ đơn giản là do lo ngại Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt trong lúc nền kinh tế đang suy yếu vì dịch bệnh.

S-400 Nga vừa giao hàng đã trục trặc, Thổ Nhĩ Kỳ loay hoay không thể kích hoạt đúng hạn? - Ảnh 2.

Thổ Nhĩ Kỳ đã hoãn kích hoạt tên lửa S-400 từ tháng 4.

Tên lửa S-400 đợi bầu cử Mỹ?

Trước đó, các tuyên bố được Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đưa ra vào năm 2019 đã nhiều lần xác nhận thời điểm kích hoạt hệ thống phòng không S-400 của Nga sẽ là vào tháng 4/2020, sau các bước chuẩn bị kỹ thuật và huấn luyện cần thiết cho quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, phát ngôn viên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ibrahim Kalin thừa nhận rằng quyết định kích hoạt hệ thống S-400 sẽ bị hoãn do dịch COVID-19 tại một cuộc họp trực tuyến với các thành viên của Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR) vào giữa tháng 4 vừa qua.

Quan chức này nhấn mạnh, không có quyết định kích hoạt S-400 ở thời điểm hiện tại và dự tính việc hoãn lại sẽ mất một vài tháng, theo Reuters.

Mới đây, Thượng nghị sĩ Mỹ John Thune của đảng Cộng hòa đã đề xuất một cách tiếp cận mới để giải quyết tranh cãi S-400 giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ thời gian qua. Theo đó, chính trị gia này đề nghị Ankara bán lại hệ thống phòng không của Nga cho Washington để Ankara có thể quay lại chương trình tiêm kích tàng hình F-35.

Ý tưởng này dự kiến là một trong những điều khoản sửa đổi của Đạo luật Ủy quyền quốc phòng 2021, cho phép Washington mua hệ thống S-400 thông qua ngân sách mua sắm dành cho quân đội Mỹ. Cách tiếp cận của Thượng nghị sĩ Thune được đánh giá là có thể tránh những thiệt hại tiềm tàng giữa hai quốc gia đồng minh NATO.

Nhưng không như suy nghĩ đơn giản của Thượng nghị sĩ Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ dường như không có bất kỳ ý định nào sẽ cân nhắc làm theo.

Trong phản ứng gần như ngay lập tức, Nga khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ không được tự ý bán lại S-400 cho một bên thứ ba nào khác mà không có sự đồng ý của nước này.

Theo đánh giá của giới quan sát, Nga-Thổ dường như nhận ra rằng đề xuất của Thượng nghị sĩ Mỹ dường như chỉ là một chiêu trò ly gián.

Trong một cuộc phỏng vấn với Sputnik, Erdogan Karakus, tướng lĩnh nghỉ hưu của không quân Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, "những lời hoa mỹ" của Mỹ về việc mua lại hệ thống S-400 có liên quan đến ý đồ thúc đẩy Moscow-Ankara chống lại nhau.

"Mục tiêu của Mỹ là phá vỡ mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Họ đang cố gắng đẩy hai nước chống lại nhau ở Syria, Libya và một số khía cạnh khác. Đề nghị của Washington về S-400 không nên được chấp nhận vì nó sẽ gây tổn hại đến quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là những gì phía Mỹ đang thực sự theo đuổi", ông Karakus nói.

Ông nhấn mạnh, Mỹ đã liên tục thực hiện các sáng kiến ​​như vậy. Do đó, đề nghị gần đây không khiến giới quan sát cảm thấy ngạc nhiên.

Vị tướng nghỉ hưu cũng nhận định, để mua được S-400 không phải dễ dàng và không phải ai trả tiền cũng mua được vũ khí này. Ông dẫn lại ví dụ về F-35, khi phía Thổ Nhĩ Kỳ dù đã trả tiền vẫn bị Mỹ từ chối cung cấp máy bay.

Karakus cũng nhấn mạnh rằng Ankara không nên mong đợi những tiến bộ về vấn đề F-35 vốn nhạy cảm trong quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ trước khi cuộc đua bầu cử ở Mỹ kết thúc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại