BS. Trần Trung Kiên, Khoa Chấn thương chỉnh hình cho biết, bệnh nhân là nam giới, 50 tuổi, ở huyện Gia Lâm, Hà Nội. Theo lời kể của bệnh nhân, anh này bị đau vùng cột sống thắt lưng. Tuy nhiên, bệnh nhân lại không đến cơ sở y tế khám mà lại nghe theo mách bảo đi khám thầy lang.
Được thầy lang chẩn đoán bị thoái hoá cột sống và cho đắp cao nhưng chỉ sau 3-4 ngày, bệnh tình không đỡ mà chỗ đắp cao rát, nóng đỏ cả vùng.
Khi bệnh nhân đến BVĐK Đức Giang, vết đắp đã tổn thương nặng, hoại tử da. Các bác sĩ đã phải tiến hành trích rạch nạo mủ, thay băng hàng ngày trong cả tháng. Sau đó, bệnh nhân được tiến hành vá da. Tuy nhiên, để hoàn toàn lành lặn cũng cần ít nhất 2-3 tháng.
Theo BS. Kiên, đây là hậu quả đau lòng khi người dân tin theo truyền miệng để chữa bệnh. Đáng lo ngại, tình trạng bệnh nhân nghe thầy lang chữa bệnh ngày càng có xu hướng gia tăng và nặng nề hơn.
Có những trường hợp đến viện trong tình trạng lờ đờ, sốc nhiễm khuẩn nặng phải điều trị hồi sức tích cực 2-3 tuần, các bác sĩ mới giành giật lại được tính mạng cho bệnh nhân.
Có những trường hợp thì bị rộp, hoại tử da hoặc có những ổ áp xe rất lớn, phải trích rạch nạo mủ và điều trị mấy tháng mới ổn định.
Đa số các trường hợp đều được đắp lá hoặc tiêm thuốc gì đó không rõ. Hậu quả là trường hợp may mắn thì xuất hiện các triệu chứng nhẹ như sốt, viêm tấy, đau nhức chảy mủ; nặng thì phù toàn thân, sốc nhiễm khuẩn...
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân hãy cân nhắc kĩ trước khi quyết định điều trị bằng một phác đồ nào đó. Tốt nhất nên đến điều trị tại các cơ sở y tế có uy tín, tránh tiền mất, tật mang hoặc ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng của mình.