Rùng mình món ăn "tử thần" quen thuộc của người Việt

Mai Trần (Ghi theo ANTV) |

Tiết canh sống là môi trường lý tưởng của vi sinh vật. Ăn tiết canh sống có thể khiến chúng ta bị nhiễm vi khuẩn, kí sinh trùng.

Tiết canh cực bẩn, bán tràn lan để từ sáng đến tối vẫn tấp nập người ăn

Việc sử dụng huyết sống của động vật để chế biến hay pha chế thành những món ăn, đồ uống đã trở thành thói quen của không ít người Việt nhất là nam giới.

Từ huyết heo, huyết vịt, huyết dê, huyết cá đến huyết rắn, cứ huyết nào được cho là bổ, là tốt thì người dân đều tự chế biến hoặc làm đem bán. Tiết canh vịt, tiết canh dê, tiết canh lợn hay rượu huyết đều là những món ăn quen thuộc của nhiều người.

Thực tế, đã có không ít trường hợp ngộ độc thậm chí mất mạng bởi những món ăn từ huyết động vật sống. Thế nhưng với quan điểm ăn gì bổ nấy, hay uống để chữa bệnh nên nhiều người vẫn chủ quan, vô tư sử dụng loại thực phẩm này.

Một bác trung niên cho hay: "Tiết canh ở nhà làm, bác ăn còn đỡ sợ chứ tiết canh ngoài chợ bác không dám ăn".

Một thanh niên sống ở thành phố Hồ Chí Minh lại cho rằng: "Với tình trạng thực phẩm bẩn như hiện nay, ăn tiết canh rất nguy hại cho sức khỏe".

Để tìm hiểu thực tế về thị trường các mặt hàng huyết sống, phóng viên đã thâm nhập vào một số chợ và quán ăn ở thành phố Hồ Chí Minh. Tại chợ Võ Thành Trang, quận Tân Bình, những bọc huyết sống được bày bán từ sáng đến tối, được để chung với các loại thực phẩm khác mà không hề được bảo quản.

Thế nhưng chúng lại dễ dàng được người dân đón nhận và mua về để chế biến thành những bát tiết canh ẩn chứa nhiều nguy hại.

Rùng mình món ăn tử thần quen thuộc của người Việt  - Ảnh 1.

Ảnh cắt từ video của ANTV

Rời chợ, phóng viên tiếp tục vào một quán cháo lòng tiết canh bình dân khá nhộn nhịp ở trên đường Gò Dầu, quận Tân Phú. Với giá chỉ 10.000 – 15.000/ bát, tiết canh được bán tràn lan, không rõ nguồn gốc, không che đậy và để từ sáng đến tối. Dù vậy, nhiều người vẫn vô tư ăn.

70% bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn do có ăn tiết canh hoặc uống huyết sống

Liệu với nhiều món ăn mới nhìn qua cũng khiến nhiều người ghê sợ, nó ẩn chứa những nguy hiểm gì với người dùng.

PGS. TS Nguyễn Thị Bay, Bệnh viện Đại học Y Dược, Tp Hồ Chí Minh cho biết: "Tiết canh là môi trường lý tưởng cho vi sinh vật ẩn nấp. Khi ăn tiết canh sống, chúng ta có thể bị nhiễm các vi khuẩn, kí sinh trùng".

Huyết sống động vật được chế biến sống thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật như tiêu chảy, lị, tả đặc biệt một số tiết canh gia cầm như vịt, ngan còn tiềm ẩn nguy cơ mắc các bệnh cúm A/H5N1, A/H6N1. Giun, sán đặc biệt là vi khuẩn liên cầu lợn là sát thủ thầm lặng, giấu mình trong huyết sống của các loại gia súc, trong đó lợn là chủ yếu.

Người nhiễm liên cầu lợn thường sốt cao từ 40 - 41 độ C, xuất hiện các mảng xuất huyết hoại tử dưới da, tiêu chảy, cứng cổ, khó thở.

Hồi tháng 4/2017, có hai người đàn ông ở Thanh Hóa phải nhập viện với các triệu chứng như sốt cao, đau đầu, buồn nôn, chân tay tím tái sau đó một người đã tử vong. Theo chẩn đoán của bác sĩ, họ bị nhiễm khuẩn liên cầu lợn do ăn tiết canh.

Rùng mình món ăn tử thần quen thuộc của người Việt  - Ảnh 2.

Ảnh cắt từ video của ANTV

Cục y tế dự phòng thống kê, 70% bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn do có ăn tiết canh hoặc uống huyết động vật trước đó. Có trường hợp mắc bệnh này do tiếp xúc trực tiếp khi giết mổ lợn có bệnh, ăn thịt chưa chín.

PGS. TS Nguyễn Thị Bay, Bệnh viện Đại học Y Dược, Tp Hồ Chí Minh nói thêm: "Trong tiết canh có liên cầu khuẩn dễ xâm nhập vào máu. Liên cầu khuẩn đi qua đường họng, gây viêm họng, viêm phế quản - gây sốt 1,2 ngày, rồi xâm nhập vào máu. Còn khi ăn tiết canh sống, nó trực tiếp đi vào đường ruột, gây hoại tử - viêm ruột cấp".

Quả thật, ăn uống huyết động vật là cực kì nguy hiểm với sức khỏe của con người. Với nhiều người, việc từ bỏ ngay món ăn này là bất khả thi. 

Phần lớn, khi phóng viên hỏi người dân đều nhận được câu trả lời là không nên ăn tiết canh lợn. Để phòng bệnh từ những món ăn thức uống của huyết động vật người dân cần nâng cao ý thức chế biến, sử dụng loại động vật này. Không nên giết mổ động vật nhiễm bệnh để lấy huyết, rửa tay sạch sau khi chế biến, không ăn thịt sống, thịt nhiễm bệnh, nội tạng động vật chưa nấu chín.

Do vậy, việc kiểm soát thói quen, hạn chế tối đa việc sử dụng huyết động vật sống, hoặc thực hiện biện pháp ăn chín uống sôi là điều cấp thiết.

Mời quý vị xem video cụ thể:

Kết cục đang chờ các "thánh" tiết canh

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại