Cuộc chiến ung thư của mẹ đơn thân
“Mình giới thiệu sản phẩm theo bản năng. Ban đầu ngại lắm nhưng chỉ nghĩ tới con mà lấy dũng cảm nói chuyện thôi”, chị Hòa nói. Ở khoảnh sân Bệnh viện Truyền máu huyết học 2 (huyện Bình Chánh, TP.HCM), chị lần lượt giới thiệu các sản phẩm trước màn hình và mời gọi người mua ủng hộ.
Hình ảnh đó vô tình được chụp lại và phát tán trên mạng xã hội suốt tuần qua, khiến người mẹ này trở nên nổi tiếng … bất đắc dĩ.
Chị Lê Thị Thu Hòa quê ở Bình Thuận. Sau khi ly hôn chồng, chị ôm hai con vào Bình Dương sinh sống. Bé Bắp (3 tuổi) là con trai út của Hòa. Năm ngoái, cậu bé có vài biểu hiện lạ như bụng phình to, mệt mỏi, thường xuyên biếng ăn. “Ung thư máu” là kết quả cuối cùng chị nhận được, khiến trời đất như sụp đổ.
Chị chia sẻ: “Tôi từng tham gia vào đợt thiện nguyện cho các em bé ung thư nhưng tôi chưa nghĩ đến ngày Bắp sẽ mắc căn bệnh quái ác này. Đau xót, suy sụp kinh khủng nhưng tôi phải ráng vực mình dậy. Nếu tôi gục ngã, ai sẽ lo cho con đây”.
Bắp bắt đầu cuộc chiến ung thư với nhiều đợt hóa trị. Hòa vốn bán rau, nay phải chuyển hẳn vào bệnh viện sống cùng con. Mỗi lần Bắp vào thuốc, cơ thể em mệt mỏi, yếu ớt. Hòa nhìn cánh tay bé xíu có chi chít ven truyền dịch, chị khóc như mưa.
Nhưng cậu bé vốn ngoan và hiểu chuyện, hiếm khi nào quấy mẹ. Mỗi tối, Bắp chỉ trông đợi những cuộc điện thoại từ anh hai và ngoại ở quê thăm. Bắp ríu rít mong ngày mình khỏi bệnh và được về nhà.
Nửa năm đằng đẵng trôi, Bắp vẫn ở bệnh viện trong khi số tiền dành dụm của chị Hòa đã cạn kiệt. Phác đồ điều trị của Bắp lên đến 1 tỷ đồng, số tiền mà cả đời người mẹ đơn thân chưa bao giờ nghĩ đến.
Chị chia sẻ: “Tôi không bao giờ bỏ cuộc dù chỉ còn 1% hy vọng. Tôi kiếm được đồng nào hay đồng nấy để đắp vào từng chặng điều trị. Để có tiền lo cho con, Hòa bán thêm trái cây, đồ ăn vặt online. Khi nào con ngủ, cô nhờ những phụ huynh cùng phòng bệnh trông con giúp rồi chạy đi giao hàng”.
Vì con mẹ làm tất cả
Giữa tháng 3, Hòa lập kênh Tik Tok để ghi lại những khoảnh khắc đáng yêu của con. Sau đó, cô nảy ra ý định livestream bán hàng. Cô chọn khung 20h vì Bắp và các bạn cùng phòng đều đã ngủ. Ở sân bệnh viện, cô chỉ dám nói khẽ để không ảnh hưởng đến người xung quanh.
Ở quê nhà Bình Thuận, bố mẹ Hòa cùng con trai sẽ phụ trách đóng gói, giao hàng. Trong phiên livestream đầu tiên, Hòa nói lắp bắp theo bản năng. Có hôm, Bắp mệt quấy khóc cô không livestream được, vài ngày lại nhận được đơn người đặt rồi hủy. Những lúc nằm trong phòng bệnh trắng toát, Hòa thèm quay quắt không khí quê nhà, mỗi sáng nghe tiếng gà gáy và ăn được cơm nguội mẹ chiên. Nhưng ước mơ đó đã trở thành xa vời trong nửa năm qua.
Hòa kể: “Những lúc đó, tôi vẫn luôn tự nói với mình là không sao, cố lên, chỉ cần cố gắng thì mọi thứ sẽ nhẹ nhàng với mình hơn”. Kênh Tik Tok được Hòa đặt tên là Chiến binh dũng cảm Bắp iu để nhắc mình và con luôn phải mạnh mẽ.
Hòa nói cô đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, giúp đỡ trong thời gian qua nhưng điều quan trọng, cô muốn có công việc ổn định (livestream) để nuôi con được đường dài.
“Tôi muốn gửi thông điệp tích cực đến các bà mẹ đang có hoàn cảnh giống mình. Dù có chuyện gì xảy ra, hãy khóc thật to rồi cố gắng. Đừng bỏ cuộc vì sau cơn mưa trời sẽ lại sáng”, Hòa nói.