Một nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng trẻ em bị chứng rối loạn hành vi hiếu động thái quá, hoặc ADHD, sẽ bị giảm thể tích tại những khu vực nhất định trong não bộ và ảnh hưởng đến quá trình kiểm soát hành vi.
Đó là kết quả của các nhà khoa học vừa tìm được qua một nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Journal of the Neuropsychological Society, nghiên cứu sự phát triển trí não của 90 trẻ trong độ tuổi từ 4 đến 5 tuổi.
Các nhà nghiên cứu từ Viện Kennedy Krieger ở Baltimore đã chụp MRI phân giải cao cũng như sử dụng các thang đo hành vi và nhận thức để kiểm tra sự phát triển não của trẻ, trong đó có 52 trẻ có các triệu chứng ADHD nhưng không được điều trị bằng thuốc.
Họ nhận thấy rằng so với trẻ không có triệu chứng, trẻ có các triệu chứng ADHD cho thấy sự giảm đáng kể khối lượng não ở nhiều vùng, bao gồm thùy trán, thùy thái dương và thùy đỉnh.
Ở những trẻ có các triệu chứng ADHD, các vùng não có giảm kích thước nhiều nhất là những vùng có ý nghĩa quan trọng đối với kiểm soát nhận thức và hành vi, cũng như khả năng dự đoán các triệu chứng hành vi.
(Ảnh minh họa)
Mặc dù nhiều nghiên cứu đã hướng đến ADHD ở trẻ em học đường, nhưng nghiên cứu này là đầu tiên trong số đó tập trung vào trẻ em ở độ tuổi đi học và kích thước não bộ.
Tiến sĩ E. Mark Mahone, tác giả chính của nghiên cứu và là nhà nghiên cứu tại Viện Kennedy Krieger, giải thích rằng việc tìm ra bằng chứng ADHD thông qua chụp MRI có thể hữu ích để tạo ra một "dấu ấn sinh học" (biomarker) cho bệnh.
Tiến sĩ Mahone nói: "Điều quan trọng là phải nghiên cứu hành vi và sự phát triển của não ở trẻ trước tuổi đến trường có các triệu chứng ADHD vì chúng ta thường chỉ thấy các triệu chứng của rối loạn tăng động ở độ tuổi này, hoặc sớm hơn".
"Nếu trước đây chúng ta có thể xác định được những 'biomarkers' của tình trạng này, thì những trẻ bị ADHD có thể sẽ được can thiệp sớm hơn và giảm được những nguy cơ do rối loạn này gây ra."
Những thách thức của sự hiểu biết và chẩn đoán ADHD
ADHD là một chứng rối loạn phát triển thần kinh mạn tính có ảnh hưởng đến 11% trẻ em ở độ tuổi đi học. Các triệu chứng của rối loạn này cũng tồn tại ở tuổi trưởng thành trong hơn 75% các trường hợp.
Những triệu chứng này bao gồm sự mất tập trung, giảm chú ý, và quá hiếu động ở trẻ.
Đây là dạng rối loạn tâm thần được chẩn đoán nhiều nhất trong thời gian trước tuổi đi học và những năm tháng trẻ còn nhỏ.
Tiến sĩ Mahone lưu ý rằng các triệu chứng của ADHD cũng có thể xuất hiện trong sự phát triển của một đứa trẻ bình thường, các bậc cha mẹ nên lưu ý rất có thể trẻ đã bị ADHD nếu có những triệu chứng bất thường xuất hiện cuộc sống hàng ngày hoặc sự hiếu động của trẻ trở nên quá mức.
"Những triệu chứng của 'ADHD' diễn ra với mức độ thường xuyên, dữ dội, và kéo dài. Chúng ảnh hưởng rất nhiều đến các hoạt động trong cuộc sống và xã hội của trẻ".
"Đó là khi các biểu hiện của trẻ không phù hợp với tuổi, và ảnh hưởng tới các hoạt động sinh hoạt thường ngày của trẻ".
Chẩn đoán ADHD chính xác đôi khi là một thử thách.
Tiến sĩ Dustin Sarver, phó giáo sư nhi khoa tại Trung tâm Y tế Đại học Mississippi cho biết điều này có thể là do thiếu sự chính xác để loại trừ các tình trạng tâm lý hoặc sức khỏe khác có biểu hiện tương tự giống như ADHD.
Ông nói: "Gần như tất cả các chứng rối loạn về sức khỏe tâm thần khác đều có biểu hiện giảm chú ý hoặc hiếu động thái quá, khó khăn là phải đảm bảo rằng bác sĩ hoặc nhà tư vấn tâm lý của bạn đã xem xét các chẩn đoán khác để không bị nhầm lẫn với ADHD".
Tiến sĩ James T. McCracken, giáo sư về tâm thần trẻ em tại Trường Y David Geffen thuộc Đại học California, Los Angeles, nói rằng hiện nay rất khó để chẩn đoán ADHD ở trẻ nhỏ.
Tiến sĩ McCracken nói: "Khó khăn nhất để chẩn đoán ADHD là ở trẻ trước tuổi đến trường. "Các triệu chứng chính biểu hiện bằng rất nhiều hành vi, tạo nên các đặc điểm chẩn đoán của rối loạn tăng động, đặc biệt là chúng còn chồng chéo lên các hành vi bình thường khác."
Tiến sĩ McCracken nói rằng điều quan trọng mọi người cần hiểu rằng ADHD đã xuất hiện ở mọi nơi trên thế giới.
Điều này cho thấy rối loạn này không phải do môi trường, hoặc do tiếp xúc với phương tiện truyền thông, xã hội hoặc truyền hình.
Tương lai của nghiên cứu ADHD
Các nhà nghiên cứu từ Viện Kennedy Krieger có kế hoạch theo dõi những trẻ từ nghiên cứu này trong suốt quãng thời gian từ lúc nhỏ đến tuổi vị thành niên để hiểu rõ hơn về rối loạn này.
"Hy vọng bằng cách theo dõi những đứa trẻ này, chúng tôi có thể xác định dấu hiệu não và hành vi nào xuất hiện sớm nhất có liên quan đến những rối loạn sau này, hoặc cho thấy trẻ có sự phục hồi tốt, hay những khía cạnh khác nhau của sự phát triển có thể dự đoán được điều kiện phục hồi của từng bệnh nhân", tiến sĩ Mahone nói.
ADHD có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống ở mọi lứa tuổi khác nhau. Mặc dù nhiều phụ huynh chỉ chú ý vào các tác động xấu đến học tập của ADHD, nhưng tiến sĩ Sarver nói rằng còn có rất nhiều khía cạnh cuộc sống cũng như sức khỏe chịu sự ảnh hưởng của ADHD.
"ADHD có thể tác động đến các nguy cơ về sức khỏe như tai nạn thương tích ở trẻ nhỏ, các mối quan hệ xã hội và bạn bè cũng như mối quan hệ gia đình và các anh chị em.
Các hành vi nguy cơ và những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra, ví dụ như lái xe và gặp tai nạn, bị lạm dụng tình dục, sinh con sớm", tiến sĩ Sarver nói.
"Ở người lớn, ADHD có thể ảnh hưởng đến hiệu suất công việc, quản lý tài chính, bất hòa hôn nhân và có nguy cơ ly dị cao."
Mặc dù hiện nay đã có khá nhiều hiểu biết về ADHD được khám phá, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều vấn đề để tìm hiểu về các yếu tố sinh học góp phần gây ra rối loạn này.
Tiến sĩ Mahone hy vọng nghiên cứu sẽ giúp giảm tác động tiêu cực của ADHD.
"Chúng ta có thể bắt đầu thực hiện các can thiệp nhắm trúng đích, can thiệp dự phòng ở trẻ nhỏ qua việc hiểu rõ não bộ ở trẻ em bị ADHD, với mục tiêu giảm các kết cục bất lợi hoặc thậm chí đảo ngược tình trạng này" Ông nói.
*Theo healthline.com
Xem thêm:
Cha mẹ cần xem clip này, học cách cứu mạng trẻ khi cần