Rộ tin 10 cầu thủ U23 Việt Nam bị tiêu chảy: Bác sĩ chỉ cách phòng bệnh ai cũng cần biết

Mộc Trà |

Tiêu chảy là một trong những bệnh rất thường gặp. Tiêu chảy xuất hiện đơn lẻ hoặc kết hợp với buồn nôn, nôn, đau bụng, sụt cân…

Theo thông tin chính thức từ VFF, không có cầu thủ U23 Việt Nam nào bị tiêu chảy. Trường hợp vắng mặt duy nhất là Nguyễn Thanh Bình do bị sốt.

Theo thông tin chính thức từ VFF, không có cầu thủ U23 Việt Nam nào bị tiêu chảy. Trường hợp vắng mặt duy nhất là Nguyễn Thanh Bình do bị sốt.

Vừa qua, trên mạng xuất hiện thông tin 10 cầu thủ U23 Việt Nam bị tiêu chảy không rõ nguyên nhân. Thông tin này xuất hiện ngay trước thềm trận đấu U23 Việt Nam gặp U23 Thái Lan ở trận ra quân tại vòng chung kết U23 châu Á 2022 (tổ chức tại Uzbekistan) vào tối 2/6 đã khiến người hâm mộ lo lắng.

Theo thông tin này, trung vệ Thanh Bình và tiền vệ Lý Công Hoàng Anh, hai trụ cột của U23 Việt Nam, có tình trạng bệnh nặng nhất. Theo đó, Thanh Bình chắc chắn không thể kịp ra sân thi đấu dù đội ngũ bác sĩ của U23 Việt Nam đã cố gắng giải quyết tình hình.

Tuy nhiên, khoảng 1 tiếng trước khi trận đấu bắt đầu, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã thông tin về đội hình xuất phát của U23 Việt Nam. VFF gián tiếp phủ nhận thông tin các cầu thủ U23 Việt Nam bị tiêu chảy. VFF chia sẻ Thanh Bình vắng mặt do bị sốt, các cầu thủ còn lại hoàn toàn sung sức.

Bài viết này sẽ giúp độc giả tìm hiểu tiêu chảy là gì, nguyên nhân và cách phòng tránh bệnh.

Tiêu chảy là gì?

Tiêu chảy là một trong những bệnh rất thường gặp. Tiêu chảy xuất hiện đơn lẻ hoặc kết hợp với buồn nôn, nôn, đau bụng, sụt cân. Tùy theo nguyên nhân cấp tính hay mạn tính mà tiêu chảy có thể xảy ra 1-2 ngày hoặc vài tuần.

Nguyên nhân gây tiêu chảy

Theo BS.CKI Hoàng Đình Thành, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, nguyên nhân tiêu chảy cấp tính có thể do thức ăn hoặc nước uống bị nhiễm khuẩn như E.coli, Salmonella, Clostridium…; hoặc do người bệnh nhiễm virus như Norovirus, Adenovirus, Rotavirus, Coronavirus…

Một số nguyên nhân khác là người bệnh dùng thuốc kháng sinh hoặc không hấp thu chất ngọt nhân tạo gồm sorbitol, erythritol, mannitol… Tiêu chảy cấp tính thường xảy ra ở nhóm người dịch chuyển nhiều, đặc biệt là ở những nơi có sự khác biệt về thức ăn và nguồn nước, ví dụ như vận động viên chuyên nghiệp, khách du lịch…

Tình trạng tiêu chảy mạn tính thường có liên quan đến các bệnh lý như hội chứng ruột kích thích (IBS), bệnh không dung nạp Gluten (Celiac), bệnh viêm loét đại tràng (IBD)... Một số trường hợp người bệnh nhiễm ký sinh trùng cũng có thể gây tiêu chảy kéo dài.

Rộ tin 10 cầu thủ U23 Việt Nam bị tiêu chảy: Bác sĩ chỉ cách phòng bệnh ai cũng cần biết - Ảnh 1.

E.coli là vi khuẩn thường gặp gây tiêu chảy. Ảnh minh hoạ.

Cách phòng tránh tiêu chảy

BS Thành cho biết để giảm thiểu rủi ro bị tiêu chảy, mọi người nên kiểm tra chất lượng thức ăn nạp vào; nên ăn nóng, ăn thức ăn nấu chín kỹ, gọt vỏ trái cây. Người lớn, trẻ em nên uống nước đóng chai còn nguyên niêm phong, tránh dùng nước máy và đá viên không đảm bảo vệ sinh.

Bác sĩ Thành lưu ý quan trọng nhất là luôn mang theo thuốc dự phòng tiêu chảy. Ngoài ra, mọi người cần tìm hiểu kỹ và tránh đến những nơi đang có dịch tiêu chảy. Trẻ em có thể dùng vaccine đường uống để phòng ngừa tiêu chảy do virus rota gây ra.

Để dự phòng tình trạng tiêu chảy nói chung, mọi người nên rửa tay thường xuyên trước và sau khi ăn, khi đi vệ sinh, khi hắt hơi, xì mũi….; sử dụng sản phẩm diệt khuẩn chứa cồn tối thiểu 60%.

Rộ tin 10 cầu thủ U23 Việt Nam bị tiêu chảy: Bác sĩ chỉ cách phòng bệnh ai cũng cần biết - Ảnh 2.

Rửa tay đúng cách là một trong những biện pháp đề phòng bệnh tiêu chảy hiệu quả. Ảnh: Shutterstock

Điều trị tiêu chảy

"Để điều trị tiêu chảy, đầu tiên phải bù lại lượng nước đã mất. Liệu pháp bù nước bằng đường uống phổ biến và hiệu quả nhất. Nước được bù vào tốt nhất là oresol, hỗn hợp gồm nước, muối và đường theo tỷ lệ một lít nước : một muỗng cà phê muối ăn : 8 muỗng cà phê đường. Chúng ta có thể tự pha theo tỷ lệ hướng dẫn trên các gói bột pha sẵn. Người bệnh cũng có thể được truyền dịch qua đường tĩnh mạch bù nước điện giải", bác sĩ Thành nói.

Các trường hợp đã xác định được nguyên nhân gây tiêu chảy do vi khuẩn gây ra, người bệnh sẽ được chỉ định dùng một số loại kháng sinh để chống nhiễm trùng. Những người bị tiêu chảy do tác dụng phụ của thuốc sẽ được điều chỉnh thuốc. Nếu nguyên nhân gây bệnh do một tình trạng khác nghiêm trọng hơn như viêm ruột, loét đại tràng, người bệnh cần được bác sĩ tiêu hóa thăm khám để có phác đồ điều trị phù hợp.

Bác sĩ Thành khuyến cáo hầu hết các trường hợp tiêu chảy là cấp tính nên sẽ rất nhanh khỏi nếu kịp thời bổ sung lượng nước đã mất. Tuy nhiên, nếu bị tiêu chảy quá hai ngày, có triệu chứng mất nước và phân có màu đen hay lẫn máu, kèm sốt cao, nôn mửa… bệnh nhân cần ngay lập tức đến bệnh viện để được hỗ trợ. Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân tiêu chảy, bác sĩ phải xét nghiệm phân để tìm sự xuất hiện của vi khuẩn; nội soi đại tràng để đánh giá các yếu tố bất thường nếu có như loét hay xuất huyết; và xét nghiệm máu…

Biến chứng nguy hiểm nhất của tiêu chảy là mất nước và điện giải. Cơ thể bị mất nước nghiêm trọng sẽ làm các cơ quan bị tổn thương. Người bệnh sẽ bị sốc, ngất xỉu hoặc hôn mê. Ở người lớn, biểu hiện mất nước là khát nước, khô miệng, khô da, mắt trũng, tim đập nhanh, đi tiểu ít hoặc không đi tiểu được, nước tiểu sẫm màu, yếu ớt, chóng mặt, choáng váng…

Số liệu thống kê cho thấy vào năm 2017, có gần 1,6 triệu người chết do tiêu chảy trên toàn cầu, trong đó 1/3 là trẻ em dưới 5 tuổi. Tỷ lệ tử vong do tiêu chảy cao nhất là ở các nước châu Phi và Nam Á, nơi tình trạng mất vệ sinh và ô nhiễm nguồn nước rất phổ biến.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại