Reuters: Aleppo thất thủ là thắng lợi của Nga, thất bại của Mỹ

Tuệ Minh |

Các quan chức Mỹ thừa nhận, việc quân nổi dậy ôn hòa do Mỹ hậu thuẫn để mất nửa khu vực phía đông của thành phố Aleppo, Syria vào tay lực lượng quân chính phủ do Nga “chống lưng” là một thất bại trong nỗ lực thúc đẩy dân chủ và đánh bại khủng bố của chính quyền Obama.

Theo Reuters, đánh giá trên được đưa ra khi các quan chức Mỹ cho rằng không sớm thì muộn các quận cuối cùng ở Aleppo do quân nổi dậy kiểm soát sẽ rơi vào tay quân đội Syria do Nga, Iran và lực lượng Hồi giáo Shiite từ Iraq, Lebanon hậu thuẫn.

Paul Pillar, nhà phân tích tình báo cao cấp của Mỹ, nhận định: “Việc khu vực phía Đông Aleppo thất thủ sẽ khiến Mỹ phải đối mặt với sự thật rằng không còn hy vọng lực lượng ôn hòa sẽ trở thành chính phủ tương lai của Syria nữa”.

Sự thất bại này sẽ khiến Tổng thống đắc cử Donald Trump mất đi sức ảnh hưởng trong cuộc nội chiến kéo dài năm năm qua, cũng như làm gia tăng bất ổn, bạo lực cực đoan, dòng chảy người tị nạn và sự cạnh tranh trong khu vực.

Ngoài ra, lực lượng nổi dậy ôn hòa thất bại lại là một chiến thắng lớn cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad, giúp ông giữ vững các thành phố chính cũng như khu vực phía Nam, phía Trung và biên giới phía Tây gần Địa Trung Hải.

Nó cũng chứng minh rằng Tổng thống Nga Putin đã đúng khi đánh cược rằng Moscow có thể cứu đồng minh lâu năm khi tiến hành không kích, hỗ trợ quân sự và các hoạt động khác tại Syria từ tháng 9/2015.

Hôm qua (5/12), Nga cho biết sẽ bắt đầu đối thoại với Mỹ về việc rút lui của lực lượng nổi dậy khỏi phía Đông Aleppo, một bước đi mà quan chức Mỹ cho rằng Washington có thể bảo toàn được lực lượng.

Một quan chức giấu tên cho Reuters biết: “Ai thắng? Ông Putin, người Iran và ông Assad. Ai thua cuộc? Chúng ta và Jordan (nơi CIA huấn luyện quân nổi dậy ôn hòa) và đặc biệt là Saudi và các quốc gia vùng Vịnh”.

Khi Tổng thống Obama chuẩn bị rời Nhà Trắng vào ngày 20/1 tới, các chính sách đối với thế giới Hồi giáo của ông sẽ phải chấp nhận một loạt sự trì hoãn.

Hy vọng mang lại hòa bình cho Israel và Palestine của ông Obama đã tan vỡ. Ông đưa binh lính Mỹ ra khỏi Iraq cuối năm 2011 nhưng họ lại quay trở lại với số lượng ít hơn để giúp quân chính phủ chiến đấu chống IS.

Tại Afghanistan, Taliban đang dần chiếm lại lãnh thổ nơi Mỹ và lực lượng đồng minh đã từng đánh bại họ. Ở Libya, nơi chính quyền ông Obama từng tiêu diệt Muammar Gaddafi, giờ đang rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Aleppo thất thủ nhưng cuộc chiến vẫn tiếp diễn

Mặc dù vậy, Syria vẫn là thất bại rõ ràng nhất của Hoa Kỳ. Một số quan chức Mỹ chỉ trích quyết định không can thiệp vào cuộc chiến một cách quyết liệt hơn của ông Obama.

Cuộc chiến đã khiến 500.000 người thiệt mạng, buộc hàng triệu người rời bỏ nhà cửa và đẩy những làn sóng người tị nạn liên tiếp cập bến các quốc gia láng giềng và châu Âu.

Mặc dù chính quyền Obama cung cấp một số hỗ trợ cho lực lượng nổi dậy ôn hòa nhưng như vậy chưa bao giờ là đủ để đạt được mục tiêu của Mỹ là lật đổ ông Assad, đánh bại Nga và Iran cũng như đàm phán để có được một chính phủ đoàn kết hơn tại Syria.

Sự thất bại của lực lượng đối lập ôn hòa cũng giúp đưa Moscow quay trở lại thành một cường quốc “hàn gắn” trong khu vực, địa vị mà Nga từng có được kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991.

Cuối cùng, người Nga không hề muốn kết thúc chiến tranh. Họ chỉ muốn giành chiến thắng”, một quan chức Mỹ cho biết.

Cùng với sức mạnh vẫn bị hạn chế như hiện nay, Tổng thống Assad vẫn sẽ duy trì cuộc nội chiến cùng với sự can thiệp của Nga và các đồng minh khác.

Dù cho Aleppo có thất thủ thì cuộc chiến này vẫn sẽ tiếp diễn”, một quan chức Mỹ nhận định.

Các chuyên gia Mỹ cho rằng lực lượng nổi dạy trốn thoát khỏi Aleppo vẫn sẽ tiếp tục chiến đấu, một số có thể gia nhập các nhóm khác như Jabhat Fateh al-Sham, từng có tên là Mặt trận Nusra mà Washington coi là một nhánh của al Qaeda.

Những người này sẽ tiếp tục chiến đấu theo kiểu guerrilla, họ sẽ gia nhập Nusra và người Ả Rập sẽ tiếp tục rót tiền cho phe đối lập. Họ sẽ không dừng lại chỉ vì Mỹ thua cuộc”, một quan chức cho hay.

Các quan chức khác cảnh báo cuộc xung đột này có thể leo thang khi Saudi Arab, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường viện trợ quân sự cho các nhóm nổi dậy.

Theo đó, Saudi Arab có thể cung cấp các loại vũ khí chết người cho lực lượng đối lập, tăng khả năng nhằm vào các mục tiêu phương Tây.

Mỹ vẫn luôn cố gắng giữ các loại vũ khí này tránh xa khỏi bàn tay khủng bố nhưng không có lý do nào cho thấy Saudi nghe theo cảnh báo của chúng tôi”, vị quan chức trên cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại