Sau 45 tuổi, phần lớn người trung niên bước vào giai đoạn có nguy cơ ung thư cao. Nguyên nhân là vì bị ảnh hưởng từ lối sống. Các thói quen xấu mà chúng ta đang làm mỗi ngày âm thầm hủy hoại cơ thể mà mọi người không hề hay biết.
Tỷ lệ mắc bệnh ung thư rất cao, theo số liệu của Trung tâm Ung thư Quốc gia Trung Quốc, có khoảng 3,929 triệu trường hợp mới mắc các khối u ác tính ở quốc gia này mỗi năm và ước tính có khoảng 2,338 triệu trường hợp tử vong.
Nhìn chung, 45 tuổi là bước ngoặt quan trọng trong vấn đề sức khỏe ở mỗi người. Sau 45 tuổi, người phụ nữ sẽ bắt đầu bước vào thời kì mãn kinh, từ đó quá trình lão hóa cũng diễn ra nhanh hơn.
Sau khi nam giới bước sang tuổi 45, thể lực của họ sẽ suy giảm mạnh. Đặc biệt với những người hay hút thuốc, uống rượu bia thì các bệnh mãn tính lần lượt xuất hiện, khiến sức khỏe của họ sa sút, và ảnh hưởng trầm trọng đến sinh hoạt hằng ngày.
Mặc dù người trẻ tuổi cũng có nguy cơ mắc bệnh ung thư, nhưng hầu hết các ca bệnh đều xảy ra sau 45 tuổi. Do đó, mỗi người cần chủ động rèn luyện lối sống lành mạnh để tránh xa bệnh tật.
Bên cạnh việc tập thể dục, mọi người cũng cần phải chú ý tới 4 điều sau đây để có thể kéo dài tuổi thọ, bảo vệ sức khỏe của mình:
1. Uống nhiều nước
Cơ thể được cung cấp đủ nước để giữ cho máu lưu thông, đó là nền tảng của một sức khỏe tốt. Uống nước đun sôi mỗi ngày có thể tăng tốc độ trao đổi chất. Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày sẽ tăng tỷ lệ trao đổi chất lên 24%. Chỉ uống nước đun sôi trong thời gian dài có thể giúp cơ thể đào thải chất độc, chất thải ra ngoài và giúp giảm mỡ bụng.
Uống một cốc nước ấm khi bụng đói sau khi thức dậy vào mỗi buổi sáng có thể nhanh chóng bổ sung lượng nước đã mất, nhuận tràng, tống các chất chuyển hóa và rác thải ra khỏi cơ thể. Đồng thời, thói quen này cũng giúp làm loãng máu, tránh hiện tượng máu nhớt, ngăn ngừa các bệnh tim mạch và mạch máu não.
Tương tự như vậy, nếu uống nước ấm trước khi đi ngủ khoảng nửa tiếng có thể làm loãng máu và tránh tình trạng máu đặc, đặc biệt thích hợp cho bệnh nhân cao huyết áp và lipid máu cao. Do đó, việc uống nước trước khi đi ngủ là điều cần thiết.
2. Bổ sung dinh dưỡng cho xương
Với vai trò nâng đỡ toàn bộ cơ thể, xương cũng sẽ già đi theo tuổi tác và các vấn đề về khớp khác nhau sẽ xảy ra. Khi đến gần tuổi 50, đây là giai đoạn mà bạn nên tăng cường dinh dưỡng cần thiết để cải thiện mật độ xương.
Canxi là khoáng chất chính tạo nên xương, để có mật độ xương tốt thì bổ sung đủ canxi là việc không thể thiếu. Tuy nhiên, muốn xương chắc khỏe, bạn không thể chỉ dựa vào canxi mà phải nhờ đến sự hỗ trợ của các chất dinh dưỡng khác như vitamin D, cũng như một lượng thích hợp magie, kali và vitamin K. Đây đều là những chất giúp thúc đẩy quá trình hấp thụ canxi trong cơ thể.
Vì vậy, phương pháp bổ sung canxi tốt nhất không chỉ là uống viên canxi mà thay vào đó, hãy bổ sung dưỡng chất từ nhiều loại thực phẩm khác nhau, nếu không sẽ không thể hấp thụ hết được phần lớn canxi.
3. Ngâm chân
Bàn chân tuy xa tim nhất nhưng lại là nơi tập trung nhiều huyệt đạo, kinh mạch quan trọng cho sức khỏe. Không phải tự nhiên mà nơi đây còn được mệnh danh là "trái tim thứ hai".
Để chống mệt mỏi, phòng và chữa cảm cúm và một số chứng bệnh khác, từ xa xưa, y học cổ truyền đã có phương pháp ngâm chân. Ngâm chân nước ấm với dược liệu không những có tác dụng giảm mệt mỏi, đau nhức, mà còn có hiệu quả trị một số bệnh mạn tính, khó chữa. Đặc biệt có tác dụng cải thiện tuần hoàn não, hệ thần kinh thực vật và hệ thống miễn dịch.
Để nâng cao sức khỏe của bộ phận này, nên thường xuyên ngâm chân vào khoảng 8 giờ mỗi tối. Điều này có thể thúc đẩy tuần hoàn máu khắp cơ thể, tăng nhiệt, tăng hoạt động của tế bào, giảm mệt mỏi suốt cả ngày. Ngoài ra, ngâm chân trước khi đi ngủ còn có tác dụng kích thích các huyệt đạo ở lòng bàn chân, có lợi cho sức khỏe của thận.
4. Luôn giữ tâm trạng tốt
Theo một nghiên cứu tại Đại học Harvard, những phụ nữ có suy nghĩ tích cực đã giảm thiểu rủi ro tử vong vì một số bệnh như ung thư, bệnh tim, hô hấp, đột quỵ, nhiễm trùng… Nguyên nhân góp phần kéo dài tuổi thọ của họ chính là ý thức thực hiện lối sống lành mạnh cao hơn so với nhóm người ủ rũ và buồn rầu. Tâm trạng tích cực giúp họ duy trì thói quen tập thể dục, ăn uống điều độ và có chất lượng giấc ngủ tốt hơn.
Có thể thấy, thái độ và tâm trạng tốt có liên quan mật thiết đến sức khỏe thể chất. Có một tâm trạng tốt cũng quan trọng đối với sức khỏe không khác gì chế độ ăn uống và tập thể dục. Sức khỏe cũng giảm sút khi tâm trạng xuống thấp, và ngược lại. Vì vậy, nếu bạn muốn giữ gìn sức khỏe, ngoài việc chú ý đến thời gian tập thể dục hàng tuần, bạn cũng nên chú ý đến những điều hạnh phúc xung quanh.
Trong khi đó, nếu bạn suy nghĩ tiêu cực, não sẽ làm suy yếu các phản ứng miễn dịch với các loại vắc-xin khác nhau và việc điều trị bệnh sẽ cần nhiều thời gian hơn. Tính khí thất thường và cáu kỉnh sẽ đẩy nhanh quá trình lão hóa. Vì vậy, hãy điều chỉnh tâm lý, luôn vui vẻ và bớt buồn phiền, chán nản.