Rải cơ sở sinh học vây kín Nga-Trung: Sức mạnh Mỹ bất ngờ thành điểm yếu chí mạng trong cuộc đấu Covid-19

PV |

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov mới đây trả lời truyền thông qua trực tuyến cho biết, Mỹ đã "bố trí dày đặc các phòng thí nghiệm sinh học" ở những nước xung quanh Nga, Trung Quốc.

Theo ông Lavrov, các phòng thí nghiệm (PTN) sinh học của Mỹ không công khai hạng mục nghiên cứu và hành động của họ khiến người khác nghi ngờ.

Mỹ bố trí phòng thí nghiệm sinh học ở nước ngoài để làm gì?

Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc (CRI) dẫn thông tin công bố từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay, nước này đã thiết lập tổng cộng 15 PTN sinh học ở xung quanh Nga và Trung Quốc. Nhưng theo phía Nga, các PTN sinh học bí mật của Mỹ đã trải khắp tổng cộng 27 nước - gồm các quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ và các nước xung quanh Liên bang Nga. Mosva tin rằng riêng tại Ukraine đã có 15 PTN sinh học của Mỹ, tại Gruzia có 3 PTN và 11 cơ sở nghiên cứu quy mô nhỏ.

Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev tiết lộ, hiện Mỹ đã thiết lập mạng lưới gồm hơn 200 PTN sinh học trên khắp thế giới.

Theo truyền thông Nga, phạm vi nghiên cứu của các PTN này liên quan đến truyền mầm bệnh nguy hiểm qua côn trùng, nghiên cứu gen người, và các nghiên cứu đa dạng có mục đích quân sự. Một vài PTN trong số đó từng bùng phát các đợt dịch sởi và bệnh truyền nhiễm khác.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Nga Maria Zakharova hồi tháng 4 cáo buộc Lầu Năm Góc viện cớ đấu tranh chống "chủ nghĩa khủng bố sinh hóa" để xây dựng các PTN "mục đích kép" ở xung quanh nước Nga, nhằm tăng cường ảnh hưởng trong lĩnh vực sinh hóa tại nước ngoài.

Theo bà Zakharova, không loại trừ khả năng Mỹ lập ra các PTN tương tự tại nước thứ ba nhằm nghiên cứu chế tạo hoặc tái tổ hợp các chủng virus gây bệnh nguy hiểm, để phục vụ cho mục đích quân sự.

Bà cáo buộc quan chức Lầu Năm Góc từng đến Trung tâm y tế công cộng Lugar Mỹ-Gruzia ở ngoại ô thủ đô Tbilisi, Gruzia, và yêu cầu giới chức sở tại cho phép cơ sở này mở rộng phạm vi nghiên cứu. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng về vụ việc này và chất vấn về mục đích Mỹ thu thập mẫu máu và RNA của người Nga da trắng.

Động thái của Mỹ cũng khiến một số nhân vật tại Ukraine cảnh giác. Nhà phân tích chính trị Ukraine Alexander Lazarev nhận định, các PTN sinh học do Mỹ vận hành tại nước này đã thực hiện các nghiên cứu virus phục vụ quân sự, gây rủi ro cho an ninh sức khỏe cộng đồng của Ukraine. Những cơ sở này đều được sự ủng hộ từ Bộ Quốc phòng Mỹ - ông lưu ý.

Ông Igor Giorgadze - cựu Bộ trưởng An ninh Quốc gia Gruzia - vào cuối năm 2018 tuyên bố trên báo chí rằng các PTN Mỹ ở nước này tiến hành thí nghiệm trên người dân. Lầu Năm Góc bác bỏ hoàn toàn cáo buộc và khẳng định Mỹ không phát triển vũ khí sinh học tại Trung tâm Lugar.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Tào Vệ Đông nhận xét, sự bảo mật trong nội dung nghiên cứu của các PTN sinh học của Mỹ ở nước ngoài khiến các nước khác buộc phải nghi ngờ về khả năng những cơ sở này thực hiện nghiên cứu về virus, cũng như việc các dự án đó có thể gây tổn hại cho các nước xung quanh hay con người không.

"Đặc biệt là lần dịch bệnh Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-Cov-2) bùng phát trên toàn cầu lần này, có thể nói rằng sức khỏe và tính mạng của nhân loại đã bị nguy hại nghiêm trọng. Điều này khiến người ta không thể không nghĩ đến các PTN sinh học của Mỹ," CRI dẫn lời ông Tào.

Rải cơ sở sinh học vây kín Nga-Trung: Sức mạnh Mỹ bất ngờ thành điểm yếu chí mạng trong cuộc đấu Covid-19 - Ảnh 2.

Một kỹ thuật viên làm việc với các mẫu bệnh phẩm của những người xét nghiệm Covid-19 tại phòng thí nghiệm Hỏa Nhãn ở Vũ Hán, Trung Quốc (Ảnh: Getty)

Những sự cố tại phòng thí nghiệm Mỹ

USA Today cho hay, kể từ năm 2003, đã có hàng trăm sự cố tiếp xúc vi sinh tại các PTN trên lãnh thổ Mỹ. Các tai nạn này có thể khiến người tiếp xúc mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tính mạng do virus, hoặc lây lan ra cộng đồng thành dịch bệnh.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 8/5 dẫn báo cáo năm 2009 của Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ Hoa Kỳ (GAO), xác nhận trong vòng 1 thập kỷ, các phòng thí nghiệm cấp P3 của Mỹ đã xảy ra 400 sự cố. Các phòng thí nghiệm sinh học tại Mỹ tồn tại rủi ro lớn nhất đối với cơ quan quản lý.

Theo bà Hoa, vào tháng 7/2019, cơ sở nghiên cứu sinh hóa ở Fort Detrick, bang Maryland - trung tâm nghiên cứu vũ khí sinh hóa lớn nhất tại Mỹ, đã bất ngờ bị Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ đóng cửa - với lý giải là đã có sai sót trong phòng thí nghiệm của quân đội Mỹ về "thực thi và duy trì các quy trình phòng ngừa đủ để ngăn chặn các tác nhân hoặc độc tố chọn lọc".

Đài CRI dẫn các văn bản lịch sử, nói rằng trong nửa đầu năm 2014, các PTN do chính phủ Mỹ quản lý đã để xảy ra 3 sự cố an toàn trong thời gian ngắn, gây xôn xao dư luận. Đến tháng 10 cùng năm, Mỹ đã tạm ngưng nhiều dự án cải tạo virus, bao gồm thực nghiệm cải tạo virus cúm gia cầm - cho phép biến đổi virus cúm H5N1 thành loại virus dễ lây lan hơn trong các nhóm động vật có vú, được cho là có khả năng gây rủi ro lây nhiễm giữa người với người.

Tạp chí Science (Mỹ) tiết lộ, vào tháng 2/2019, giới chức Mỹ đã "âm thầm" phê chuẩn thí nghiệm virus cúm gia cầm nói trên.

Nga, Trung có thể phát động điều tra các phòng thí nghiệm Mỹ

Liên quan vụ việc PTN Mỹ xuất hiện dày đặc xung quanh Nga, Trung, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng chỉ trích Mỹ không minh bạch thông tin về chức năng, mục đích, hệ thống an toàn của các PTN này, và đòi hỏi Mỹ "có thái độ trách nhiệm", "giải trừ những nghi ngờ của xã hội quốc tế".

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Song Zhongping nói với tờ Thời báo Hoàn Cầu hôm 14/5, rằng nếu Mỹ muốn phát động điều tra quốc tế nhằm vào phòng thí nghiệm cấp P4 ở Vũ Hán - liên quan đến giả thuyết SARS-Cov-2 rò rỉ từ đây, thì Nga và Trung Quốc cũng có thể khơi mào một cuộc điều tra tại Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về tất cả các phòng thí nghiệm có khả năng nghiên cứu vũ khí sinh học.

Theo các nhà quan sát Trung Quốc, nếu Nga và Trung Quốc - hai ủy viên thường trực HĐBA - đề xuất điều tra toàn bộ PTN cấp độ P3 và P4 trên thế giới thì hầu hết các nước thành viên sẽ ủng hộ, trừ Mỹ, và kịch bản này sẽ là một sự bẽ mặt.

Ngoại trưởng Nga Lavrov nói, "Trong gần 20 năm, Nga và hầu hết các nước, gồm Trung Quốc, đã kêu gọi một giao thức quy ước cho phép thiết lập cơ chế xác minh và kiểm tra cam kết của các nước về không chế tạo vũ khí sinh học".

Ông Lavrov cho biết Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) - mà Nga, Trung Quốc cùng là thành viên - sẽ chuẩn bị một kế hoạch để đảm bảo an toàn vệ sinh và dịch tễ học - cụ thể là an toàn sinh học - tại hội nghị thượng đỉnh sẽ được tổ chức trong năm nay ở St. Petersburg.

Mời độc giả theo dõi chúng tôi MXH Lotus

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại