Bạn đọc T.V.M.N. (45 tuổi, TP HCM), hỏi: "Tôi đang chuẩn bị cho cuộc hôn nhân thứ hai ở tuổi 45, vợ sắp cưới 30 tuổi và chúng tôi dự định sớm có con. Tuy nhiên, tôi vẫn còn nhiều lo lắng. Tôi đã có một con trai trong cuộc hôn nhân trước, năm nay cháu đã 20 tuổi.
Tôi nghe nói nhiều quý ông có con như tôi, nhưng do thời gian quá cách biệt nên nảy sinh cái gọi là "vô sinh thứ phát". Hiện sức khỏe của tôi cũng không phải là hoàn hảo, hơi thừa cân, có bụng, vận động cũng có nhưng hơi ít vì tôi làm văn phòng, thỉnh thoảng vẫn bia bọt, có hút thuốc… Nếu từ bây giờ tôi muốn có một cuộc cải thiện "khả năng đàn ông", nhất là tăng cơ hội làm cha thì tôi nên làm gì? Tôi có thể đi đâu để kiểm tra mình còn "khỏe" hay không?".
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông, Phòng khám Sức khỏe sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, trả lời:
Vô sinh thứ phát là một thuật ngữ y khoa chỉ tình trạng không thể có con mà trước kia đã từng có ít nhất một lần mang thai/làm bạn tình có thai (bao gồm con đã được sinh ra hoặc chỉ là một lần hư thai, phá thai).
Với nam giới, tuổi mãn dục sẽ đến muộn hơn nhiều so với tuổi mãn kinh của nữ giới nên không có chuyện thời gian cách biệt không có con quá lâu mà dẫn đến vô sinh thứ phát ở tuổi 45 như bạn.
Ngược lại vợ bạn đang ở tuổi 30 thì khả năng thụ thai, mang thai và sinh đẻ vẫn còn tốt thì nên nhanh chóng có con vì khả năng thụ thai của phụ nữ sẽ giảm dần theo tuổi tác, nhất là từ tuổi 35 trở đi!
Sau một thời gian sống và làm việc thì có rất nhiều ông sẽ bị vô sinh thứ phát là do tích lũy bệnh tật và các biến chứng theo thời gian như cao huyết áp, tiểu đường, suy nhược cơ thể..., cũng có thể là do tích lũy các tác nhân xấu ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục như các thói quen không tốt rượu, thuốc lá, ma túy ), các tác nhân do nghề nghiệp như tia bức xạ, nguồn nhiệt, stress do áp lức công việc...
Sau khi lập gia đình, nếu không áp dụng bất kỳ một biện pháp tránh thai nào mà trong vòng 12 tháng vợ vẫn chưa có thai thì 2 vợ chồng phải đến tại các bệnh viện có khoa vô sinh – hiếm muộn để khám, xét nghiệm tìm nguyên nhân (có thể do chồng, do vợ hoặc do cả hai) .
Như vậy, bạn cần đi khám sức khỏe và xét nghiệm tổng quát để phát hiện và điều trị những bệnh lý đang có, vốn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể cũng như sức khỏe sinh sản của bạn.
Bạn còn nên xét nghiệm tinh dịch đồ để biết tình trạng của tinh trùng, tuân thủ hướng dẫn điều trị, chú ý tăng cường dinh dưỡng, thể dục, tránh hoặc giảm dần các thói quen không tốt như rượu bia, thuốc lá...
Ở TP HCM bạn có thể đi khám tổng quát ở các bệnh viện đa khoa lớn; khám và xét nghiệm tinh dịch ở các bệnh viện có khoa nam học như Bệnh viện Bình Dân, Phòng khám Sức khỏe sinh sản (Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM cũ), các bệnh viện ngoài công lập có khoa nam (tránh các phòng khám nhỏ, không chuyên về nam khoa và vô sinh- hiếm muộn)....
Chúc gia đình bạn nhiều sức khỏe và hạnh phúc .