Vì sao nhiều người ghét Trung Quốc? (Kỳ 5)

Trung Phạm |

(Soha.vn) - Hình ảnh Trung Quốc đang bị xấu đi trên quy mô toàn cầu nhưng lý do ở mỗi khu vực lại khác nhau. Hãy xét châu Á như một ví dụ điển hình.

Vấn đề niềm tin

Một thập kỷ trước đây Trung Quốc thể hiện mình như một nguồn lực hỗ trợ các nước láng giềng khi đó đang cảm thấy bị phương Tây bỏ rơi trong cuộc khủng hoảng tài chính khu vực. Bằng các chuyến viếng thăm của lãnh đạo cấp cao cùng với những đề xuất hỗ trợ kinh tế, cả trực tiếp và gián tiếp, thông qua các định chế khu vực, Trung Quốc đã sử dụng “quyền lực mềm” một cách khá thành thục trong nửa đầu tiên của thập kỷ trước.

Những hoạt động này đối ngược với việc Mỹ, khi đó dường như đang lãng quên các lợi ích truyền thống tại châu Á.

Abner Afuang, cựu thị trưởng một thành phố nhỏ ở Philippines đốt cờ Trung Quốc trong một cuộc biểu tình phản đối nước này.
Abner Afuang, cựu thị trưởng một thành phố nhỏ ở Philippines đốt cờ Trung Quốc trong một cuộc biểu tình phản đối nước này.

Tuy nhiên, những tranh chấp lãnh thổ và các hoạt động nghề cá hung hăng hơn ở Biển Đông và Biển Hoa Đông đã làm “thiện chí” của Trung Quốc bị tiêu tan và khiến nhiều nước trong khu vực quay sang đón nhận vai trò mở rộng hơn của Mỹ ở châu Á để làm đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc.

Thử hỏi, làm sao người Philippines có thể đổ xô đến Viện Khổng Tử ở Manila để học văn hóa Trung Quốc như Bắc Kinh kỳ vọng khi mà bên ngoài kia họ liên tục có những hành động đe dọa xung quanh bãi cạn Scarborough?

Trung Quốc cũng không thể bắt người Nhật có cảm tình với mình khi những năm gần đây họ thường xuyên dùng các tàu hải giám quấy nhiễu Senkaku/Điếu Ngư. Với câu hỏi “Tại sao Trung Quốc có quá ít bạn như vậy?” và bằng câu trả lời “Trung Quốc đang đối diện với những vấn đề niềm tin trên khắp thế giới”, Joel Brinkley, cựu phóng viên của tờ The New York Times đã đọc vị rất đúng bản chất thực của Trung Quốc trong quan hệ quốc tế hiện nay.

Thừa “quyền lực cứng”, thiếu “quyền lực mềm”

Joseph S. Nye, giáo sư trường Đại học Harvard và là cha đẻ của thuyết “Quyền lực mềm” lý giải thực tế đáng buồn trên của Trung Quốc theo một góc nhìn khác. Ông cho rằng sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc đã gia tăng rất đáng kể trong thập kỷ vừa qua và điều này khiến các nước láng giềng phải tìm đến những đồng minh để làm đối trọng với sự trỗi dậy “quyền lực cứng” của Trung Quốc.

Joseph S. Nye lập luận: “Nhưng nếu một quốc gia cũng biết cách gia tăng quyền lực mềm của mình thì láng giềng của họ đâu cần phải tìm đến các liên minh làm đối trọng. Canada và Mexico không cần phải liên minh với Trung Quốc để cân bằng quyền lực với Mỹ như cách các nước châu Á đang hợp tác với Mỹ để làm đối trọng với Trung Quốc”. Tuy nhiên Trung Quốc lại không làm được như vậy.

Một tàu Hải giám Trung Quốc di chuyển bên cạnh tàu tuần tra của Nhật Bản gần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư
Một tàu Hải giám Trung Quốc di chuyển bên cạnh tàu tuần tra của Nhật Bản gần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư

Henry Kissinger, cựu ngoại trưởng Mỹ và là người từng giữ vai trò đắc lực trong việc thúc đẩy quan hệ Mỹ - Trung những năm 1970 đã đưa ra một lời khuyên chí tình với Trung Quốc: “Bắc Kinh cần phải hiểu những giới hạn của mình khi xác lập các lợi ích trên quy mô toàn cầu, nếu không Trung Quốc sẽ bị các chính phủ khác xa lánh”.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: thegioi@soha.vn. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại