Nỗi kinh hoàng của dân bản xứ
Theo báo cáo mới của Tổ chức Du lịch Thế giới thuộc Liên Hợp Quốc, năm ngoái, du khách Trung Quốc đã chi tới 102 tỷ USD ở nước ngoài, một mức chi kỷ lục, tăng 40% so với năm 2011, vượt Mỹ và Đức. Thế nhưng, dường như đang có một tỷ lệ nghịch giữa sự gia tăng về chi tiêu và cách cư xử của người Trung Quốc.
Những người dân tại Chiang Mai (Thái Lan) đã gọi những điều họ phải trải qua khi du khách Trung Quốc tới đây là “cuộc xung đột văn hóa”. Vint Chavala chia sẻ: “Khách Trung Quốc hay lái xe bạt mạng và lao bừa vào đường một chiều. Họ cũng thường dừng lại ở ngay giữa ngã ba, ngã tư đông đúc chỉ để cãi nhau về hướng đi.”
Một số khách sạn và nhà nghỉ cũng tỏ ra khó chịu vì du khách Trung Quốc thường thuê một phòng dành cho 2 người, nhưng lại ở tới 4-5 người, hay xả rác và treo quần áo của trên ban công.
Trên các trang mạng xã hội và các diễn đàn địa phương tại Thái Lan, người dân đã đăng tải rất nhiều bằng chứng về những hành vi thô lỗ, bất lịch sự của người Trung Quốc như không xả nước nhà vệ sinh; coi thường luật giao thông; gây ồn ào ở mọi nơi, mọi lúc, kể cả đêm khuya; xả rác, khạc nhổ; để trẻ em đi vệ sinh ở bể bơi công cộng…
Katy Khan, một người Thái Lan bức xúc: “Ở Thái Lan đó là một vấn đề lớn. Người dân không thể chịu được du khách Trung Quốc và đang phàn nàn với chính phủ về điều này. Họ quá thô lỗ so với những người ở nước khác mà tôi từng gặp.”
Một người đàn ông Trung Quốc đang la mắng nữ tiếp viên trên một con tàu chở khách.
Trong khi đó, theo tờ Washington Post (Mỹ), những người Indonesia coi khách du lịch Trung Quốc là một đám ô hợp, chuyên gây rắc rối.
Hartono, một người gốc Trung Quốc sống tại Bali (Indonesia) thì nói rằng ông không thể hiểu được cách nói chuyện to tiếng và tự đề cao mình của nhiều du khách Trung Quốc. Theo ông, điều đó đã làm cho họ thành những người lỗ mãng ở châu Á hiện đại, không khác gì những người Mỹ hống hách "xấu xí" những năm 1960 vốn cũng gây tai tiếng như vậy ở châu Âu và các nơi khác.
Đồng hương xấu hổ, chính phủ đau đầu
Một độc giả của trang CNN tên là Ptran281, người Canada cũng bức xúc: “Là một người Canada có cha mẹ Trung Quốc .... tôi có thể nói rằng tôi không thể chịu được khách du lịch Trung Quốc. Chỉ đơn giản là đứng xếp hàng và chờ đến lượt mình, tôi cũng phải nhắc nhở họ không hành xử như thế ở Canada.”
Thậm chí, ngay cả những người Trung Quốc sống tại Chiang Mai cũng cho biết khi phát hiện hành vi của những người đồng hương, họ đã thấy rất xấu hổ, thậm chí coi là một nỗi "quốc nhục". "Trước đây, tôi thường tự hào nói với mọi người rằng tôi là người Trung Quốc. Nhưng bây giờ, tôi sẽ không nói thế nữa", một Hoa kiều ở Chiang Mai cho biết.
Sự hiện diện của khách du lịch Trung Quốc đang khiến người dân nhiều nước khó chịu.
Cách cư xử thô lỗ của khách du lịch Trung Quốc ở nước ngoài đã khiến các quan chức cao cấp của nước này phải đau đầu. Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương đã lên tiếng chỉ trích các “hành vi thiếu văn minh” của người Trung Quốc như nói to ở nơi công cộng, vượt đèn đỏ, khạc nhổ bừa bãi. Theo ông Uông, chính điều này đã làm tổn hại hình ảnh của quốc gia.
Trước Thế vận hội Olympic vào năm 2008, Bắc Kinh đã cố gắng kêu gọi nhân dân cải thiện cách cư xử của họ nơi công cộng, giảm thiểu hành vi xả rác bừa bãi và khạc nhổ - vốn được nhiều người Trung Quốc cao tuổi coi là rất bình thường.
Vào những năm 1980, lãnh đạo Trung Quốc khi đó là Đặng Tiểu Bình đã phải làm gương khi luôn mang một cái ống nhổ bên cạnh mình, ngay cả trong các cuộc họp ngoại giao cấp cao.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: thegioi@soha.vn. Trân trọng!