Tham vọng siêu cường quân sự Trung Quốc: Bị chặn từ cửa ngõ (Kỳ 3)

Trung Phạm |

(Soha.vn) - Giấc mơ siêu cường quân sự của Trung Quốc chỉ là viễn cảnh xa vời khi Mỹ và các nước đồng minh không ngừng tăng cường các hoạt động quân sự phong tỏa Bắc Kinh ngay từ cửa ngõ.

Trung Quốc "có tật giật mình"

Khi Nhật Bản tuyên bố tham gia cuộc tập trận “Đột kích lúc bình minh” tại căn cứ thủy quân lục chiến ở ngoài khơi San Diego (Mỹ) từ 11-28/6/2013, Bắc Kinh đã ngay lập tức đề nghị Washington và Tokyo hủy bỏ cuộc tập trận cách xa biên giới nước này hàng nghìn cây số này. Điều gì khiến một nước Trung Quốc đang “trỗi dậy” phải giật mình? - Hãy nhìn vào mục đích của cuộc tập trận.

“Đột kích lúc bình minh” mô phỏng một tình huống giả định, trong đó Nhật Bản và liên quân cùng phối hợp tấn công đổ bộ lấy lại một hòn đảo đã bị “kẻ thù” chiếm giữ, ở đây là đảo San Clemente.

Richard Fisher, chuyên gia quân sự của Trung tâm đánh giá chiến lược quốc tế (IASC) thẳng thắn bình luận: “Cuộc tập trận diễn ra ngay sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, là động thái nhằm ngăn chặn mối đe dọa quân sự đang gia tăng từ Trung Quốc. Nhật Bản đang rất cần phát triển các kỹ năng tác chiến đổ bộ để ngăn chặn hành động gây hấn của Trung Quốc ở Senkaku/Điếu Ngư”.

	Binh lính Nhật Bản tham gia cuộc tập trận

Binh lính Nhật Bản tham gia cuộc tập trận "Đột kích lúc bình minh" năm 2013.

Đây chỉ là một trong những hoạt động quân sự mới nhất của Nhật Bản nằm trong chiến lược đẩy mạnh khả năng phòng vệ trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc gia tăng những năm gần đây. Năm 2010 Nhật Bản đã có những điều chỉnh căn bản về học thuyết quốc phòng khi công bố Định hướng Quốc phòng (NDPG).

Theo đó, nước này sẽ chuyển đổi từ chiến lược bố trí số lượng lớn binh lực trên đảo Hokkaido phía Bắc, nhằm đối phó với Liên Xô thời Chiến tranh lạnh sang hướng xây dựng một lực lượng cơ động hơn, nhằm bảo vệ các đảo và những vùng biển rộng lớn phía Nam mà nước đối tượng không ai khác ngoài Trung Quốc. Đó được cho là thay đổi lớn nhất của Nhật Bản trong chiến lược quân sự hậu chiến tranh Thế giới lần thứ Hai của Nhật Bản.

Nhật - Hàn kiềm chế, đối phó "kẻ thù" chung

Điều lạ là, mặc dù Nhật Bản và Hàn Quốc là hai quốc gia thù địch trong Chiến tranh thế giới thứ Hai và vẫn còn đang tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Takeshima/Dokdo nhưng chiến lược mới của Tokyo lại chỉ vấp phải sự phản đối rất “khiêm nhường” từ Seoul.

Park Young-June, một chuyên gia an ninh Nhật Bản của Đại học Quốc phòng Hàn Quốc từng viết: “Nếu mong muốn điều gì đó thì ngày nay chúng tôi cần một nước Nhật mạnh mẽ hơn để duy trì thế cân bằng an ninh trong khu vực”.

Như vậy, điều này chỉ có thể lý giải bằng thực tế rằng Nhật Bản và Hàn Quốc hiện đang tạm bỏ qua tranh chấp để cùng đối phó với “kẻ thù" chung. Theo nhiều nhà phân tích, ngày nay Hàn Quốc coi Trung Quốc và Triều Tiên là những mối đe dọa lớn hơn Nhật Bản.

	Tàu ngầm Type 214 lớp Son Won-il của Hải quân Hàn Quốc.

Tàu ngầm Type 214 lớp Son Won-il của Hải quân Hàn Quốc.

Về phần mình, Hàn Quốc cũng không ngừng đầu tư hiện đại hóa khả năng phòng thủ, trước mắt là để đối phó với Triêu Tiên, song mục tiêu lâu dài cũng là Trung Quốc.

Không quân Hàn Quốc đang đầu tư mua 60 máy bay chiến đấu F-15K, máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm (AEW&C) Boeing 737 cũng như các kế hoạch mua máy bay chiến đấu KF-X thế hệ 5. Nhưng phát triển “khủng” nhất vẫn là Hải quân Hàn Quốc với các hệ thống phòng không Aegis cho tàu khu trục KDX-3 lớp Sejong,  KDX-2 lớp Chungmugong Yi Sun-shin, các tàu ngầm Type 214 lớp Son Won-il….

Giáo sư chính trị quốc tế Christopher W. Hughes thuộc Đại học Warwick, tác giả cuốn “Hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc: Các đồng minh và đối tác của Mỹ ở Đông Bắc Á”  nhận xét: “Tất cả những công nghệ mới này đã biến Hàn Quốc thành một cường quốc hải quân nước xanh uy lực ở Đông Bắc Á và đem đến những khả năng đối phó tương xứng với các hoạt động trên biển đang mở rộng của Trung Quốc”.

Gọng kìm của Mỹ

Năm 2011, Chính quyền Tổng thống Barrack Obama chính thức tuyên bố chiến lược quốc phòng mới với tên gọi “Xoay trục về châu Á”. Mặc dù giới chức Mỹ liên tục phủ nhận nhưng dưới góc nhìn của các nhà bình luận quốc tế, chiến lược này không gì khác ngoài mục đích kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Zhen Zehao, Phó Giáo sư Đại học Quốc phòng Trung Quốc từng chỉ rõ: “Mỹ sử dụng các cuộc tập trận quân sự chung để kiềm chế Trung Quốc và tăng cường sự ảnh hưởng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đây là mục tiêu cơ bản nhất của Mỹ”.

	USS Freedom, tàu chiến tuần duyên đầu tiên của Mỹ cập cảng Changi, Singapore tháng 4/2013.

USS Freedom, tàu chiến tuần duyên đầu tiên của Mỹ cập cảng Changi, Singapore tháng 4/2013.

Liên tiếp sau tuyên bố chiến lược đó là hàng loạt các hoạt động quân sự được triển khai nhằm tăng cường sự hiện diện của Mỹ ở khu vực, một loạt các thỏa thuận hợp tác quốc phòng song phương, đa phương cũng đang được Mỹ đẩy mạnh thực hiện với Thái Lan, Philippines, Indonesia, Campuchia, Ấn Độ, Việt Nam…

Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La năm 2012, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Penata cho biết, đến năm 2020, Mỹ sẽ bố trí khoảng 60% lực lượng hải quân ở Thái Bình Dương, tăng 10% so với hiện nay.

Cùng với các khả năng phòng thủ được tăng cường mạnh mẽ của hai nước đồng minh thân cận nhất là Nhật Bản và Hàn Quốc, gọng kìm của Mỹ đang dần thắt chặt cửa ra Thái Bình Dương của Trung Quốc. Chiến lược hải quân nước xanh với giấc mộng trở thành siêu cường quân sự của Bắc Kinh khó có thể vươn xa khi mà ngay cả cửa ngõ cũng đã bị án ngữ.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: thegioi@soha.vn. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại