Vì sao Mỹ bỗng nhiên "dịu giọng" với Thái Lan?

Thảo Nguyên |

(Soha.vn) - Phát biểu tại một hội nghị cấp cao ở Myanmar, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á - TBD Daniel Russel khẳng định “Thái Lan vẫn là đồng minh quan trọng của Mỹ".

Theo báo Matichon (Thái Lan), ngày 8/6 tại Yangon, Myanmar đã diễn ra Hội nghị quan chức cấp cao Đông Á (EAS). Tham dự hội nghị, ngoài đại diện cấp cao 10 nước ASEAN còn có sự góp mặt của đại diện cấp cao Mỹ, Nga, Australia, New Zealand, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ.

Tại hội nghị, Quyền Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Sihasak Phuangketkeow đã thông tin về tình hình Thái Lan hiện nay, đồng thời kêu gọi các nước, đặc biệt là các nước đã lên tiếng phản đối cuộc đảo chính quân sự hôm 22/5 tại Thái Lan hãy tiếp tục hợp tác, ủng hộ Thái Lan giải quyết các vấn đề hậu đảo chính nhằm đưa nước Thái sớm trở lại bình thường.

Cũng tại hội nghị lần này, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel khẳng định rằng “Thái Lan vẫn là đồng minh quan trọng của Mỹ”, và Mỹ mong muốn Thái Lan sớm phục hồi nền dân chủ. Trong khi đó đại diện của Australia và New Zealand cũng khẳng định họ vẫn coi Thái Lan là đồng minh của mình.

Về phía đại diện Ấn Độ nói rằng, tình hình bất ổn tại Thái Lan là vấn đề nội bộ, chính quyền và người dân Thái Lan phải tìm biện pháp giải quyết một cách phù hợp nhất, Ấn Độ sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của Thái Lan. Phía Ấn Độ cũng gửi lời mời Đại tướng Tanasak Patimaprakorn, Tư lệnh tối cao Các lực lượng vũ trang Thái Lan kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban gìn giữ hòa bình và trật tự quốc gia (NCPO) Thái Lan sang thăm Ấn Độ trong tháng 6 này.

Các thành viên còn lại tham dự hội nghị như Nhật Bản, Hàn Quốc và 10 nước ASEAN đều bày tỏ sự ủng hộ tân chính quyền quân sự Thái Lan, đồng thời khẳng định rằng Thái Lan là nước có vai trò quan trọng trong khu vực, đặc biệt là trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Trước đó, ngay sau cuộc đảo chính quân sự tại Thái Lan hôm 22/5, nhiều nước đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về sự kiện này, đáng chú ý trong đó Mỹ và Australia đã tuyên bố cắt viện trợ quân sự và ngừng một số chương trình hợp tác quốc phòng với Thái Lan.

Nhiều nhà phân tích đã cảnh báo Mỹ rằng, thái độ cứng rắn của Mỹ dễ khiến cho Thái Lan quay sang hợp tác với Trung Quốc. Nếu điều đó xảy ra sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chiến lược an ninh của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là kế hoạch sử dụng Thái Lan làm căn cứ chiến lược bao vây Trung Quốc.

Trái ngược với phản ứng mà một số chuyên gia Thái Lan cho là “quá mức bình thường” của Mỹ, Trung Quốc - quốc gia láng giềng của Thái Lan, đồng thời là đối thủ hàng đầu của Mỹ hiện nay lại có thái độ hết sức ôn hòa với sự kiện đảo chính tại Thái Lan. Các quan chức ngoại giao của Trung Quốc lần lượt lên tiếng khẳng định rằng, cuộc đảo chính 22/5 là “vấn đề nội bộ” của Thái Lan, Trung Quốc không can thiệp vào vấn đề này đồng thời cam kết tiếp tục liên lạc và tăng cường hợp tác với chính quyền quân sự hậu đảo chính của Thái Lan.

Nhằm hiện thực hóa việc tăng cường hợp tác với Thái Lan, ngày 6/6 vừa qua Trung Quốc đã cử một phái đoàn doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và công nghiệp sang thăm và tìm hiểu cơ hội mở rộng hợp tác đầu tư vào Thái Lan.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng mời phái đoàn quan chức cấp cao Thái Lan sang thăm Trung Quốc từ ngày 11-13/6/2014. Chuyến thăm do Đại tướng Surasak Kanchanarath, Bí thư Bộ Quốc phòng Thái Lan dẫn đầu nhằm tiếp tục thực hiện cam kết hợp tác trong huấn luyện quân sự, đào tạo và phát triển các loại vũ khí mới giữa quân đội hai nước.

Xem thêm Video: Hàng nghìn binh sĩ Thái Lan được triển khai ở Bangkok sau đảo chính 

 

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại