LTS: Sau khi tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) ra lệnh cấm các tàu nước ngoài hoạt động trên một vùng rộng lớn ở Biển Đông nếu không được sự cho phép của chính quyền sở tại, đã có nhiều quốc gia lên tiếng phản đối. Nhưng cho đến thời điểm này, lệnh cấm vẫn chưa được dỡ bỏ.
Không những vậy, mới đây, Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc còn đăng một bài viết với những luận điệu sai sự thật, cho rằng đó chỉ là "một sự sửa đổi về kĩ thuật trong luật đánh cá của Trung Quốc, vốn đã được thi hành trong hơn 2 thập kỉ nay, nhằm bảo vệ các nguồn lợi thuỷ sản và môi trường sinh thái biển..." và vu cáo Việt Nam "vờ làm nạn nhân ở Biển Đông".
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh - người đã có 13 năm làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc, tuy năm nay bước vào tuổi 99 nhưng chưa bao giờ thôi trăn trở với biển Đông. Cận Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, báo điện tử Trí thức trẻ đã có cuộc phỏng vấn ông về vấn đề này.
PV: Thưa Thiếu tướng, từng là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc trong một thời gian dài, rất am hiểu về Trung Quốc, ông có bất ngờ về động thái mới của nước này?
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh: Tôi không bất ngờ bởi tôi biết bản chất bá quyền nước lớn của họ. Đó là "truyền thống" của họ cho nên họ cứ cậy nước lớn muốn làm gì thì làm. Biển Đông có phải là ao nhà của Trung Quốc đâu mà họ lại vẽ ra một cái “đường lưỡi bò” xa đất liền của họ hàng nghìn cây số. Tự vẽ thì có giá trị gì để họ tuyên bố chủ quyền?
Về phía Việt Nam, chúng ta có các cứ liệu có giá trị về các quần đảo của chúng ta. Chúng ta có các cứ liệu lịch sử, có pháp lý là đã quản lý những quần đảo đó. Đồng thời, theo Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), chúng ta có cả vùng đặc quyền kinh tế ra ngoài xa, đi qua cái gọi là “đường lưỡi bò”. Trong khi đó, Trung Quốc không có một cái gì được gọi là chứng cứ pháp lý để nhận Biển Đông là của họ và ra lệnh cấm đánh bắt cá. Tất cả chỉ là tuyên bố suông.
PV: Ông đánh giá thế nào về lệnh cấm đánh bắt cá đó?
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh: Lệnh đó không có giá trị gì cả. Nó chỉ là biểu hiện của kẻ lớn cậy mạnh làm bừa. Tỉnh Hải Nam có quyền gì mà cấm đánh cá ở những khu vực đó của Biển Đông? (Vùng biển mà Trung Quốc nêu trong quy định trên rộng 2 triệu km2, tương đương gần 2/3 diện tích Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - PV)
PV: Ông có cho rằng chính quyền Trung ương Trung Quốc không biết gì về quy định này của cấp dưới?
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh: Làm đại sứ nước ta ở Trung Quốc nhiều năm, tôi đã rút ra kết luận rằng chủ nghĩa bá quyền nước lớn của Trung Quốc ngàn năm họ cũng chưa bỏ. Trong các cuộc gặp thượng đỉnh, lãnh đạo Trung Quốc có thể nói những lời có vẻ tử tế, nhưng họ vẫn chỉ đạo cho cấp dưới là cứ làm đi, làm tới.
Tôi đánh giá đó thực chất là chính quyền Trung ương Trung Quốc chỉ đạo tỉnh Hải Nam làm như vậy để nếu có khiển trách hoặc nếu các nước phản đối dữ quá thì họ sẽ bảo là cấp dưới tự ý làm.
PV: Theo ông, Trung Quốc được gì và mất gì khi thực hiện bước đi này?
Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh: Đứng về mặt pháp lý, họ không có quyền gì mà làm thế. Thực ra, đó là họ làm bừa như một số lần trước đây.
Trung Quốc sẽ chấp nhận muối mặt khi bị phê phán để hòng vơ của người khác về làm của mình. Từ trước tới nay họ vẫn vậy. Họ luôn miệng nói sự phát triển của họ là trỗi dậy hòa bình, nhưng họ vẫn cứ có những hành động vi phạm luật pháp quốc tế mà chẳng đếm xỉa đến việc mất uy tín.
Ra lệnh cấm đánh cá ở Biển Đông, Trung Quốc chẳng đếm xỉa đến việc mất uy tín trong cộng đồng quốc tế
PV: Sau lệnh cấm đánh bắt cá, Thiếu tướng có cho rằng Trung Quốc sẽ lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên Biển Đông tương tự như đã làm ở biển Hoa Đông không?
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh: Trung Quốc mới tuyên bố ADIZ ở vùng biển Hoa Đông thì mới đụng chạm trực tiếp tới Nhật Bản. Còn Mỹ không chấp nhận lệnh này, vẫn cứ bay như thường thì Trung Quốc có làm gì được đâu.
Nếu tuyên bố ADIZ ở Biển Đông thì Trung Quốc sẽ phải đụng chạm đến 4 - 5 nước nên họ sẽ còn suy tính, vì Trung Quốc còn muốn tỏ bộ mặt đạo đức giả với các nước Đông Nam Á - khu vực họ vừa muốn tranh thủ, vừa có ý đồ chia rẽ.
Mới đây, trong chính sách ngoại giao, Trung Quốc đề ra “mục lân, an lân, phú lân” (Mục lân là hòa hiếu với lân bang, an lân là làm cho láng giềng yên ổn, phú lân là làm cho láng giềng giàu lên). Thế nên, đối với các nước láng giềng ở Đông Nam Á, chắc họ còn đang suy tính.
PV: Trong tình hình hiện nay, nếu các nước đã lên tiếng mà Trung Quốc “cố đấm ăn xôi” thì liệu Mỹ có hành động gì mạnh hơn với Trung Quốc không, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh: Tôi nghĩ là không. Mỹ phản đối thế chứ họ không làm gì mạnh hơn. Cái chính là các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam phải phản ứng mạnh hơn!
PV: Còn Philippines, liệu họ có dùng biện pháp quân sự với Trung Quốc nếu nước này vẫn cố tình thực hiện quy định mới sau khi Philippines đã phản ứng mạnh mẽ?
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh: Philippines sẽ không dùng quân sự vì Trung Quốc lớn và mạnh hơn nhiều. Còn việc họ phản ứng như thế nào là tùy ở lãnh đạo của họ.
Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng đã trả lời phỏng vấn!