Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt vì "phép màu kinh tế"

Tiêu Giang |

(Soha.vn) - Trung Quốc trở nên phụ thuộc vào thị trường nước ngoài, vì thế mà sự sụp đổ của những thị trường này sẽ tự động kéo theo thảm họa kinh tế - xã hội tại Trung Quốc.

Trong bài diễn văn đầu tiên trên cương vị nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi các tầng lớp nhân dân phấn đấu hết mình để thực hiện “giấc mơ Trung Quốc”. Cụm từ này lại một lần nữa xuất hiện dày đặc trên báo chí đất nước đông dân nhất thế giới những ngày gần đây, sau Hội nghị Trung ương ba, khóa 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Giới chuyên gia quốc tế nhìn chung đều đánh giá cao những phương hướng mà ông Tập đề ra trong hội nghị này. Nhưng con đường đến "giấc mơ Trung Quốc" rõ ràng không trải toàn hoa hồng. Trên trang Bình luận quân sự của Nga, chuyên gia Alexander Samsonov hiện đang công tác tại Ủy ban Công nghiệp Quân sự Nga đã chỉ ra một số vấn đề nghiêm trọng về kinh tế, địa chính trị... mà Trung Quốc đang phải đối mặt.

Trước hết là các vấn đề kinh tế.

Cái giá phải trả cho “phép màu về kinh tế”

“Phép màu kinh tế” của Trung Quốc có được là nhờ một phần không nhỏ sự hỗ trợ về tài chính và công nghệ từ các tập đoàn công nghiệp tài chính Anh, Mỹ, Thụy Sĩ. Cùng với đó là việc các tập đoàn Mỹ mở rộng hoạt động sản xuất tại Trung Quốc là do giá nhân công rẻ mạt, khiến Trung Quốc trở thành công xưởng của Mỹ.

Tuy nhiên, vì thế mà Trung Quốc lại trở nên phụ thuộc vào thị trường nước ngoài. Sự sụp đổ của những thị trường này sẽ tự động kéo theo thảm họa kinh tế-xã hội tại Trung Quốc. Bắc Kinh đã thấu hiểu được điều này và đang cố phát triển thị trường nội địa trong những năm qua.

Nhưng, thứ nhất, đây là một quá trình phức tạp và lâu dài mà trong khi đó, sự tăng trưởng tiêu dùng trong nước không đủ để mang lại thu nhập cho tầng lớp trung lưu đang được lợi từ ngoại thương. Thứ hai, tăng trưởng tiêu thụ trong nước và phúc lợi của hàng trăm nghìn người dân Trung Quốc đạt tới mức độ “tỷ phú vàng” là thảm họa đối với hành tinh. Trái Đất đơn giản chỉ là không thể kham nổi.

 	Giao thương với nước ngoài mang lại thu nhập khá lớn cho tầng lớp thượng lưu Trung Quốc.

Giao thương với nước ngoài mang lại thu nhập khá lớn cho tầng lớp thượng lưu Trung Quốc.

Nước Mỹ hiện tiêu thụ 40% các nguồn tài nguyên của thế giới và thải ra 50% rác toàn cầu. Nếu Trung Quốc tiệm cận tới chuẩn tiêu dùng của Mỹ thì Trái Đất sẽ đối mặt với một tai họa. Như vậy, kết quả là có một vòng luẩn quẩn: Trung Quốc không thể dừng tăng trưởng - điều này dẫn đến sự bùng nổ bên trong xã hội và thảm họa đối với nền văn minh Trung Quốc. Nhưng nâng mức độ tiêu dùng của hơn một tỷ dân tới mức tiêu chuẩn của Mỹ - châu Âu rõ ràng là điều không nên, ít nhất là trên quan điểm lợi ích chung của toàn thế giới

Chỉ có một cuộc cách mạng về công nghệ mới có thể cứu được Trung Quốc.

Lương thực, nguyên liệu phụ thuộc vào nhập khẩu

Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu, lương thực. Hơn một nửa nhu cầu dầu mỏ của nước này đang phải dựa vào nhập khẩu.

Tốc độ gia tăng tầng lớp trung lưu của Trung Quốc - tầng lớp đang tiệm cận tới mức tiêu dùng của người châu Âu, nhất là về nhu cầu thịt và sữa khiến cho Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới về đậu nành - nguyên liệu cần thiết để chăn nuôi. Có thể trong tương lai, Trung Quốc sẽ trở thành nước dẫn đầu thế giới về tiêu thụ thịt lợn/đầu người.

Ngoài ra, trong những năm vừa qua, Trung Quốc đang nhập khẩu gạo (điều chưa từng có) và tăng dần sản lượng nhập khẩu từ 575.000 tấn năm 2011 lên 2,8 triệu tấn năm 2012. Thậm chí, nhập khẩu lúa mạch, đường, sữa và các sản phẩm khác vào Trung Quốc cũng tăng mạnh.

 	Một tàu chở hàng của Trung Quốc

Một tàu chở hàng của Trung Quốc

Trong khi đó, đường giao thông trên biển của Trung Quốc, nơi diễn ra phần lớn hoạt động nhập khẩu lại chịu sự “chi phối” của Mỹ khi Mỹ đang sở hữu một mạng lưới căn cứ tại châu Á-Thái Bình Dương như các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines. Con đường tới vịnh Pec-xích phải đi qua “yết hầu” hẹp Malacca, nơi Singapore, một nước thân phương Tây, kiểm soát, chứ không chỉ là nước Hồi giáo thân thiện Indonesia. Đường thuỷ đi qua các một số vùng của Indonesia tới Úc - vốn giúp cung cấp lương thực, than đá và quặng sắt cho Trung Quốc - cũng có thể dễ dàng bị phong tỏa.

Sự cô lập kiểu này có thể đặt Trung Quốc bên bờ nạn đói. Các chuyên gia cho rằng, việc đảm bảo lương thực cho Trung Quốc để nước này có thể tăng trưởng kinh tế nhanh với nguồn tài nguyên hạn chế là một nhiệm vụ hết sức phức tạp, trong khi đó sự tăng trưởng nhu cầu tiêu dùng tại Trung Quốc sẽ vượt qua sự tăng trưởng sản xuất.

Bắc Kinh đang nỗ lực giải quyết vấn đề này nhờ vào việc mua các cơ sở sản xuất ở nước ngoài. Đồng thời, Trung Quốc cũng là là một chủ thể tích cực trên thị trường nông nghiệp toàn cầu, bằng cách ký kết các hợp đồng mua lại hoặc sáp nhập trong lĩnh vực nông nghiệp. Tập đoàn chế biến thịt khổng lồ của Trung Quốc Shuanghui đã thông báo về việc mua lại công ty sản xuất chế biến thị lợn Smithfield của Mỹ với giá trị hợp đồng tới 7 tỷ USD.

Tổ chức Nông - Lương Quốc tế và Cơ quan Hợp tác kinh tế và Phát triển cũng thống kê rằng, diện tích đất nông nghiệp tại Trung Quốc đang tiếp tục bị thu hẹp. Điều này càng làm cho Trung Quốc phụ thuộc vào thị trường nguyên liệu lương thực thế giới. Trung Quốc đang phải mua hoặc thuê đất trên toàn thế giới.

Còn tiếp...

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại