Trung Quốc hưởng lợi nhiều, cống hiến ít
Mấy năm trước, báo chí nước ngoài liên tục đưa tin về sự tăng trưởng thần kỳ của kinh tế Trung Quốc. Sự kiện Olympic tổ chức tại thủ đô Bắc Kinh cũng nhận được những đánh giá tốt đẹp.
Nhưng bây giờ thì sao? Những tin liên quan đến Trung Quốc hiện nay đa số xoay quanh vấn đề tranh chấp lãnh thổ với các nước trong khu vực và hàng loạt các vấn đề nội tại của nước này như ô nhiễm, tham nhũng…
Trung Quốc đã thấm thía rằng con đường trở thành một siêu cường không hề dễ đi
Sức mạnh của Trung Quốc vẫn đang trỗi dậy, nhưng một khi đảm nhận “vai chính” trên trường quốc tế, danh tiếng của Trung Quốc sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức.
Cuộc thăm dò mới đây của Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ) cho thấy, càng ngày càng có nhiều người coi Trung Quốc là siêu cường kinh tế, trong tương lai không xa sẽ vượt qua Mỹ để vươn lên vị trí số một về kinh tế.
Nhưng có được quyền lực trong tay chưa hẳn sẽ tạo được ấn tượng đẹp, điều này Mỹ là nước rõ nhất. Hiện tại, phần lớn dư luận thế giới đều cho rằng Trung Quốc đã và đang sử dụng quyền lực chủ yếu để tư lợi. Trung Quốc đã được hưởng lợi rất nhiều từ trật tự thế giới mới, nhưng cống hiến dành cho thế giới lại vô cùng ít ỏi.
Một chân dung xấu xí
Nhiều chuyên gia về Trung Quốc cho rằng nước này cần phát triển sức mạnh tổng lực trên nhiều phương diện. David Lampton, một học giả nổi tiếng về Trung Quốc đã đưa ra 3 phương diện tạo nên sức mạnh Trung Quốc gồm quân sự, kinh tế và quyền lực mềm. Ở cả 3 phương diện đó, Trung Quốc đều đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng từ dư luận quốc tế.
Không thể phủ nhận, sức mạnh quân sự của Trung Quốc ngày càng tăng, nhưng Bắc Kinh cũng đã nhận ra sức mạnh quân sự có ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của nước này. Đơn cử như, hơn 90% người Nhật và Hàn Quốc đều coi việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự là điều nguy hiểm. Đa số người Australia và người Philippines được hỏi cũng có đồng quan điểm như trên.
Về kinh tế, dù trong một thời gian dài ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc đã tăng mạnh, nhưng ảnh hưởng này lại được nhìn nhận rất khác nhau, tùy theo từng khu vực trên thế giới. Tại khu vực châu Phi và châu Mỹ Latinh, ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc được đánh giá khá tích cực, trong khi tại Mỹ và các nước phương Tây thì hoàn toàn ngược lại.
Một cuộc thăm dò do CNN và tổ chức Carnegie Endowment cho thấy, tuyệt đại đa số người được hỏi ở khu vực này coi vấn đề nợ Trung Quốc của Mỹ, công ăn việc làm sụt giảm do cạnh tranh của Trung Quốc hay thâm hụt thương mại với Trung Quốc là những vấn đề nghiêm trọng.
Sức mạnh mềm của Trung Quốc cũng chưa đủ hấp dẫn. Ở một số khu vực, Trung Quốc cũng được sự ngưỡng mộ tương đối vì đã đưa hàng triệu người ra khỏi đói nghèo. Tiến bộ khoa học công nghệ của Trung Quốc cũng được đánh giá cao ở châu Phi và Mỹ Latinh, nơi mà Trung Quốc đã đổ vốn đầu tư ồ ạt. Thế nhưng, ngay cả ở hai khu vực này, sức mạnh mềm của Mỹ vẫn được đánh giá là vượt trội so với Trung Quốc. Văn hóa kinh doanh của Mỹ cũng được đánh giá cao hơn nhiều so với Trung Quốc.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: thegioi@soha.vn. Trân trọng!