Thủ tướng Thái Lan đề xuất lập Hội đồng cải cách quốc gia

Theo đề xuất, Hội đồng cải cách quốc gia không phải cơ quan của chính phủ và sẽ gồm 499 thành viên, được lựa chọn trong số 2.000 đại biểu nhân dân ở mọi tầng lớp.

Ngày 25/12, Thủ tướng tạm quyền Thái Lan Yingluck Shinawatra đã đề xuất thành lập Hội đồng cải cách quốc gia để tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị đang gây chia rẽ đất nước và làm tê liệt chính quyền.

Việc lựa chọn các thành viên sẽ do một ủy ban độc lập gồm 11 thành viên chỉ định, bao gồm Tư lệnh tối cao hoặc Tư lệnh Lục quân, Tư lệnh Hải quân hoặc tư lệnh Không quân, một hiệu trưởng trường đại học, hai Thứ trưởng, Chủ tịch Phòng thương mại Thái Lan, Chủ tịch Liên đoàn công nghiệp Thái Lan, Chủ tịch Hiệp hội ngân hàng Thái Lan, Tổng Giám đốc Cơ quan phát triển kinh tế và xã hội Thái Lan và hai người có địa vị khác.

Hội đồng mới sẽ có nhiệm vụ sửa đổi hiến pháp, giải quyết vấn nạn tham nhũng, đảm bảo cải cách bầu cử và vạch kế hoạch cải cách chính trị, kinh tế cũng như xã hội của đất nước; đảm bảo rằng các kế hoạch này được thực thi ngay sau khi tiến hành tổng tuyển cử, bầu ra nội các mới và Quốc hội hoạt động trở lại.

Trước đó, thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban từng tuyên bố sẽ không chấp thuận việc thành lập Hội đồng cải cách quốc gia. Ông Suthep cảnh báo nếu Thủ tướng Yingluck không từ chức trước cuộc tổng tuyển cử, người biểu tình sẽ bao vây thủ đô vào ngày bỏ phiếu.

Trong diễn biến liên quan cùng ngày, chính phủ Thái Lan đã quyết định gia hạn việc áp dụng Luật an ninh nội địa (ISA) tới ngày 1/3/2014 ở thủ đô Bangkok và 3 tỉnh phụ cận nhằm đối phó với làn sóng biểu tình rầm rộ của phe đối lập.

Tổng thư ký Hội đồng an ninh quốc gia Thái Lan Paradorn Pattanatabut cho biết ISA được gia hạn vì các cuộc biểu tình chống chính phủ chưa chấm dứt. Thứ trưởng Quốc phòng Yutthasak Sasiprapa khẳng định mục đích gia hạn ISA nhằm đảm bảo hòa bình và trật tự trên đường phố.

ISA được áp dụng tại ba quận ở Bangkok từ tháng 10 và từ cuối tháng 11 được mở rộng ra toàn thủ đô, tỉnh Nonthaburi, một số quận huyện của hai tỉnh Samut Prakan và Pathum Thani.

Theo đạo luật này, lực lượng an ninh được phép phong tỏa đường phố, hạn chế tiếp cận các khu vực, trụ sở và giải tán người biểu tình.

Những căng thẳng bùng phát mạnh trên chính trường Thái Lan từ đầu tháng 11 sau khi phe đối lập tiến hành hàng loạt cuộc biểu tình phản đối dự luật ân xá do chính phủ của Thủ tướng Yingluck đề xuất.

Trước làn sóng biểu tình gần như hàng ngày và tâm lý phản đối dâng cao trong xã hội, nữ Thủ tướng Thái Lan đã lựa chọn giải pháp "lấy nhu thắng cương," mà điển hình nhất là việc ra quyết định giải tán Hạ viện và kêu gọi bầu cử sớm vào ngày 2/2/2014.

Tuy nhiên, phe đối lập không chấp nhận giải pháp này mà tiếp tục tiến hành các cuộc biểu tình đòi bà Yingluck lập tức chuyển giao quyền lực cho "hội đồng nhân dân" do chính họ thành lập để tiến hành cải cách.

Ngoài ra, người biểu tình cũng bao vây khu vực đăng ký tranh cử, khiến nhiều đảng phái không thể thực hiện thủ tục đăng ký. Một ứng cử viên của đảng Chart Thai Pattana cho biết tình trạng náo loạn tại khu vực đăng ký tranh cử chưa từng xảy ra trong lịch sử Thái Lan.

Theo tin mới nhất, sáng 25/12, một nhóm biểu tình còn đụng độ với cảnh sát bảo vệ sân vận động Thái Lan-Nhật Bản, nơi diễn ra các hoạt động đăng ký tranh cử, làm một người biểu tình bị thương. Đến nay các cuộc biểu tình đã làm 5 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại