Ahn Myong Chol là một cựu quản giáo, từng làm việc tại 4 trại cải tạo khác nhau ở Triều Tiên. Trước khi đào thoát sang Hàn Quốc, từ năm 1987 đến 1994, Ahn đã phải chứng kiến nhiều cảnh tra tấn, ngược đãi tù nhân tàn khốc. Câu chuyện dưới đây là 2 trong rất nhiều hình thức ngược đãi được ghi lại qua lời kể của Ahn trên Nhật báo Daily NK (Hàn Quốc).
Chôn sống để quần áo khỏi vấy bẩn
Một lần tôi được một sĩ quan an ninh cấp cao nhờ chuyển hộ 1 tấn ngô , 500 kg khoai tây và 40 kg ớt về nhà mình. Đây là số lương thực ông ta đã lấy cắp được từ trại cải tạo. Tới đêm, tôi và một nhân viên an ninh khác có nhiệm vụ phải đưa chúng về nhà ông ta. Sau đó, chúng tôi được mời vào nhà dùng bữa tối.
Viên sỹ quan tỏ ra rất phấn khích vì món lợi chôm chỉa được. Ông ta bắt đầu nói chuyện đầy hào hứng về các vụ hành quyết bí mật mà ông ta từng trực tiếp thực hiện.
Ông ta hỏi tôi: “Anh có biết điều gì sẽ xảy ra với đôi mắt của các tù nhân khi họ bị chôn sống không? Chúng sáng xanh như mắt những con vật trong đêm tối. Khi các tù nhân bị chôn đến cổ, đôi mắt của họ bắt đầu sáng quắc, hằn lên vẻ hận thù”.
Người đi cùng tôi lên tiếng: “Họ đáng bị chôn sống như vậy. Chẳng phải họ đã phản bội tổ quốc rồi đấy sao? Đáng ra, anh nên lấy kim tiêm chọc vào mắt họ mới phải”.
Tôi hỏi sao không giết chết họ ngay mà lại chôn sống, viên sỹ quan an ninh đáp: “Nếu đánh hoặc giết họ, quần áo anh sẽ bị máu làm vấy bẩn. Rồi đằng nào cũng phải chôn đúng không? Thế thì sao không chôn họ luôn để quần áo anh không bị máu bắn vào?” Ông ta trả lời một cách tỉnh bơ và nói rằng các tù nhân bị ông ta chôn sống đều là những người bị cáo buộc ngược đãi gia súc.
Tù nhân trở thành “bao cát” sống
Một ngày vào tháng 4/1988, tại Trại tù số 22, lúc chúng tôi đang tiến hành luyện tập quân sự như thường lệ thì Trung đội trưởng Choi phát hiện thấy các tù nhân nhìn chúng tôi khi họ đi ngang qua. Anh ta bắt họ dừng lại và đến chỗ chúng tôi đang luyện tập.
Tất cả các tù nhân quỳ xuống, lê gối run lẩy bẩy và cầu xin: “Chúng tôi sẽ không xem các ông tập nữa. Hãy tha thứ cho chúng tôi”. Nhưng viên Trung đội trưởng này quát: “Câm mồm. Đứng dậy. Bước lên phía trước!”.
Sau đó anh ta bắt họ đứng ra giữa sân tập. Một trong những quản giáo đến đây trước chúng tôi tỏ ra hào hứng: “Đúng là dịp may! Tôi sẽ thực hành một cú đá bên hông”. Một người khác nói: “Tôi sẽ kết thúc buổi tập hôm nay một cách hoàn hảo”.
Tiếp đó, viên chỉ huy bắt đầu lên lớp cho chúng tôi: “Vì những tên kẻ thù như bọn này, đồ súc vật, mà lãnh đạo của chúng ta không thể ngon giấc mỗi đêm. Vì chúng mà chúng ta phải tập luyện khổ ải ở đây. Vì thế, hôm nay, các anh phải thực hành các động tác võ thuật để sẵn sàng hạ gục kẻ thù chỉ bằng một cú đánh...”.
Tù nhân Triều Tiên trong giờ lao động
Mười quản giáo mới được yêu cầu tản ra vây quanh các tù nhân để họ không thể chạy thoát. Đầu tiên, hai tù nhân, mỗi người bị trói vào một cột, cách nhau 2 mét.
Viên Trung đội trưởng gọi từng quản giáo một, lần lượt thay nhau đấm đá cho tới khi tất cả 10 tù nhân hoàn tất vai trò “bao cát” để quản giáo đánh đấm. Các tù nhân kêu khóc đau đớn. Gần như tất cả đều bị chảy máu mũi, máu mồm, bị gãy răng và xương sườn. Không ai trong số họ có thể đứng lên đi lại bình thường. Họ phải khập khiễng và bấu víu vào nhau khi được lệnh “biến đi ngay lập tức”.
Khi chưa hiểu mọi việc, những người mới đến như chúng tôi tỏ ra ghen tị với các lính cũ về những gì họ đã được học. Chúng tôi còn nhìn họ với ánh mắt đầy ngưỡng mộ. Tuy nhiên, chúng tôi đã rất sốc và run sợ khi phải chứng kiến cảnh nạn nhân chảy máu và rên rỉ vì đau đớn sau mỗi lần bị làm “quân xanh” kiểu này.
Tại Triều Tiên, sỹ quan chỉ huy thường khuyến khuyến khích thuộc cấp của mình sử dụng các tù nhân để thực hành võ thuật. Qua các cuộc trò chuyện với đồng nghiệp của mình, tôi biết được rằng hoạt động này diễn ra khá phổ biến trong tất cả các trại tù hay tại cải tạo ở đây.