Ông Baucus, 72 tuổi, thành viên đảng Dân Chủ, được Tổng thống Barack Obama, chính thức đề cử vào vị trí Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc hôm 20/12.
Ông Baucus lần đầu tiên được bầu vào Thượng viện năm 1978 và hiện đang làm Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện. Theo kế hoạch, ông này sẽ nghỉ hưu sau khi kết thúc nhiệm kì vào năm 2015. Trong suốt 2 thập kỷ qua, ông Baucus đã có nhiều nỗ lực trong việc làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tuy vậy, theo tờ Want China Times, nhiều nhà phân tích chỉ ra rằng việc bổ nhiệm ông Baucus, người thiếu kinh nghiệm trong chính sách đối ngoại tại thời điểm này là điều không nên.
Trả lời phỏng vấn tờ Christian Science Monitor, ông David Lamton, Chủ nghiệm khoa nghiên cứu Trung Quốc của Đại học John Hopkins (Mỹ) cho rằng: “Sẽ là vấn đề khi quân đội 2 nước coi nhau là đối thủ tiềm năng và lớn nhất của mình". Ông cũng nói thêm rằng với những căng thẳng xảy ra gần đây, trong đó có việc tàu chiến của 2 nước suýt đụng nhau trên biển Đông, không thể kết luận rằng quan hệ an ninh Mỹ - Trung “đi theo chiều hướng tốt đẹp”.
Wang Wenfeng, quyền Viện trưởng Học viện nghiên cứu Châu Mỹ tại Viện nghiên cứu Quan hệ Quốc tế đương đại (Trung Quốc) trả lời phỏng vấn của tờ Hoàn Cầu rằng quan hệ Mỹ - Trung đang trở nên phức tạp hơn rất nhiều trong năm 2013 và đang bước vào giai đoạn tiềm tàng nhiều nguy cơ xung đột hơn trước đây. Nếu không được quản lý đúng cách thì mâu thuẫn sẽ leo thang nhanh chóng.
Tờ New York Times cũng cho rằng ông Baucus sẽ có một nhiệm kỳ khó khăn bởi thiếu các mối quan hệ cấp cao với Bắc Kinh và khoảng trống lãnh đạo do cựu Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner, cựu thư ký của ngoại trưởng Hillary Clinton và cựu cố vấn an ninh quốc gia Tom Donilon để lại.
Ông Jon Huntsman, cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc nhiệm kỳ 2009-2011 nhận định: “Chúng ta đang có một khoảng trống trong chiến lược của mình và việc đó còn thêm phức tạp bởi khoảng trống về lãnh đạo”. Điều này càng trở nên đáng chú ý hơn nữa trong thời điểm Tổng thống Obama đang thực hiện chiến lược xoay trục về Châu Á, bao gồm việc tái tập trung vào các nguồn lực quân sự, ngoại giao vào khu vực vốn đang có nhiều mâu thuẫn với Trung Quốc này.
Trong khi đó, các trợ lý của Baucus cũng trả lời tờ Wall Street Journal rằng vị thượng nghị đã quan tâm đến Trung Quốc từ rất lâu và ông cũng đã có các chuyến thăm thường xuyên đến các thành phố và vùng nông thôn của nước này. Ông cũng rất yêu thích một nhà hàng tại Bắc Kinh là Blue Frog Bar & Grill, một chuỗi nhà hàng nhỏ nổi tiếng trong cộng đồng những người Mỹ làm việc tại Trung Quốc, do một người gốc Montana mở ra.
Khác với các đại sứ Mỹ tại Trung Quốc trong vòng 32 năm qua, ông Baucus không thể nói tiếng phổ thông của Trung Quốc mặc dù được coi là một nhân vật quen thuộc ở Bắc Kinh với tư cách là thành viên của rất nhiều đoàn đại biểu thương mại. Năm 1990, ông đóng vai trò quan trọng trong việc đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Trung Quốc. Ông cũng tham gia vào việc mở rộng quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc thông qua việc ký kết Quy chế Quan hệ Thương mại Bình thường Vĩnh viễn. Các nguồn tin cũng cho biết ông đã từng gặp Chủ tịch Tập Cận Bình và cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo, và là bạn của Đại sứ Trung Quốc của tại Mỹ Thôi Thiên Khải.
Baucus cũng đã từng đấu tranh cho việc xuất khẩu thịt bò Mỹ vào Trung Quốc và vận động các quan chức của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đứng lên chống lại việc Trung Quốc dựng lên các rào cản thương mại, thao túng tiền tệ và thực hiện các hành động khác gây ảnh hưởng đến công bằng thương mại giữa 2 nước.
Dù vậy, theo tờ Want China Times, vị trí Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc với ông Baucus vẫn là một vị trí rất khó khăn. Người tiền nhiệm, ông Locke, đã từng phải đối mặt với 2 vụ khủng hoảng ngoại giao trong năm đầu tiên nhận việc.
Tuy nhiên một số cư dân mạng Trung Quốc nói đùa rằng, thách thức lớn nhất mà ông Baucus phải đối mặt là tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Bắc Kinh.